[In trang]
Sản xuất, tiêu dùng bền vững: Cần thêm chính sách ưu tiên
Thứ ba, 19/12/2023
Xu hướng tiêu dùng xanh đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, làm sao để sản phẩm và dịch vụ của mình đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng mới hiện nay. Bên cạnh đó, những chính sách ưu tiên từ cơ quan quản lý nhà nước trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng xanh bền vững là rất quan trọng.
Xu hướng tiêu dùng xanh đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, làm sao để sản phẩm và dịch vụ của mình đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng mới hiện nay. Bên cạnh đó, những chính sách ưu tiên từ cơ quan quản lý nhà nước trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng xanh bền vững là rất quan trọng.
Triển khai hàng loại giải pháp "xanh"
Lần thứ hai mang hàng Việt Nam quảng bá tới người tiêu dùng Thái Lan và thế giới, Nhà sáng lập thương hiệu Miss Ede Hoàng Hữu Danh chia sẻ, khi mang các dòng sản phẩm gồm socola và cà phê đến với "Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan 2023", doanh nghiệp muốn giới thiệu tới đối tác, khách hàng cả về chất lượng sản phẩm và câu chuyện kinh doanh hướng đến sự phát triển bền vững.
Theo tính toán của các tổ chức trên thế giới, để làm ra được 1 tấn cà phê thành phẩm sẽ thải ra ngoài môi trường khoảng 3 tấn carbon. Nhưng canh tác bền vững đã giúp doanh nghiệp giảm lượng carbon thải ra môi trường xuống gần một nửa, chỉ còn khoảng 1,6 tấn carbon. Doanh nghiệp đang theo đuổi chiến lược giảm phát thải đến năm 2025 việc sản xuất 1 tấn cà phê thành phẩm chỉ thải ra ngoài môi trường khoảng 1 tấn carbon.
Có thể thấy, xu hướng tiêu dùng xanh đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, làm sao để sản phẩm và dịch vụ của mình đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng mới hiện nay.
Để cạnh tranh, xu hướng xanh hóa trong xây dựng thương hiệu ngày càng phổ biến, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư sản xuất nhằm cho ra đời những sản phẩm bảo đảm xanh và sạch; xây dựng thương hiệu xanh gắn với phát triển bền vững.
Thời gian qua, sự chỉ đạo của các bộ, ngành và sự tích cực của các doanh nghiệp đã góp phần thúc đẩy tiêu dùng xanh, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc sử dụng các sản phẩm sinh thái, túi ni lông sinh thái, 3R (tiết giảm - tái sử dụng - tái chế).
Tại hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố Hà Nội, các sản phẩm dùng một lần, như khay, hộp, đĩa, tô… được sản xuất từ bã mía thay thế túi ni lông và đồ nhựa được sử dụng phổ biến. Ngoài ra, rau, củ, quả được gói bằng các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên; ống hút nhựa được thay bằng ống hút sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên (giấy, gạo, tre nứa…).
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ cũng đã áp dụng các chương trình khuyến mại tặng quà đối với các khách hàng đến mua sắm mang theo túi sử dụng nhiều lần, nhằm hạn chế sử dụng túi ni lông khi mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Điển hình là AEON Việt Nam khi trở thành nhà bán lẻ đầu tiên tại Việt Nam triển khai sáng kiến "rent a bag", khách hàng có thể mượn túi môi trường trực tiếp tại các quầy thu ngân với chi phí 5.000 đồng/túi và được hoàn lại phí thuê khi trả túi tại quầy dịch vụ.
Hệ thống WinCommerce cũng đã và đang chung tay bảo vệ môi trường bằng việc triển khai loạt giải pháp "xanh" tại hệ thống siêu thị và siêu thị mini WinMart/WinMart +. Cụ thể, WinCommerce sử dụng 100% túi ni lông tự hủy sinh học; đồng loạt giảm hoặc thay thế các vật liệu nhựa sử dụng 1 lần bằng các vật phẩm thân thiện với môi trường trong hoạt động vận hành.
Việc thay thế túi ni lông khó phân hủy trong hoạt động kinh doanh cũng được các hệ thống siêu thị, như Co.opmart, MM Mega Market, Vincom... triển khai đồng loạt.
Cần thêm trợ lực
Vấn đề được đặt ra lúc này là cần thêm những trợ lực từ phía cơ quan quản lý nhà nước trong việc chung tay thúc đẩy việc sản xuất và tiêu dùng bền vững. Cụ thể là những giải pháp về cơ chế, chính sách; ưu tiên, khuyến khích việc nghiên cứu khoa học, phát triển các công nghệ hiện đại để áp dụng vào sản xuất. Bên cạnh đó, việc sản xuất xanh và sạch cần một nguồn vốn dài hạn và ổn định. Vì vậy, rất cần những cơ chế, chính sách giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.
Nhiều doanh nghiệp đề xuất ý kiến, Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích và ưu tiên những đơn vị sản xuất xanh, sạch hơn; hoàn thiện khung cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang nền sản xuất xanh và tiêu dùng bền vững; đồng bộ hóa những chính sách ưu tiên.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan khẳng định, việc quyết liệt triển khai Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023 đã tạo những chuyển biến tích cực về nhận thức trong cộng đồng về hành động sản xuất và tiêu dùng bền vững và gắn kết các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường, từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Một số tổ chức, cá nhân đã có những hành động thiết thực trong việc sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường như: Bước đầu xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất bền vững, thiết kế sản phẩm bền vững, xây dựng chuỗi giá trị xanh trong quy trình sản xuất của mình từ khâu nguyên liệu đầu vào đến áp dụng công nghệ, sản phẩm và các dịch vụ bán hàng góp phần tăng hiệu quả của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển theo hướng bền vững.
Cụ thể, Hà Nội đã đánh giá hiện trạng mạng lưới liên kết giữa nhà cung cấp nguyên nhiên liệu, nhà sản xuất, phân phối, người tiêu dùng đối với các nhóm ngành Giấy, Gỗ, Cơ khí trên địa bàn thành phố. Hỗ trợ kỹ thuật đánh giá sản xuất sạch hơn cho 30 cơ sở sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại, dịch vụ trong lĩnh vực Công Thương, cơ sở công nghiệp nông thôn.
Nhiệm vụ đã đề xuất trên 190 giải pháp áp dụng sản xuất sạch hơn, giảm trung bình 3,61% định mức nguyên vật liệu; 7,1% tổng định mức năng lượng quy đổi; 16,2% bụi công nghiệp; 7,92% lượng nước thải sinh hoạt…
Năm 2024, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền trên địa bàn Thành phố; hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng áp dụng các giải pháp, phương thức, đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh, liên kết bền vững để sử dụng có hiệu quả tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, giảm thiểu phát sinh chất thải, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; tạo môi trường thuận lợi để kết nối đầu tư, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ giữa các doanh nghiệp tiềm năng của Thành phố Hà Nội với mạng lưới chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ quốc tế..
Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm xã hội của cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức, các nhân về sản xuất và tiêu dùng bền vững (từ sản xuất, lưu thông, phân phối, tiêu dùng, tái sử dụng); huy động sự tham gia, đóng góp của mọi thành phần trong xã hội, trong đó doanh nghiệp và người tiêu dùng đóng vai trò trung tâm…
 Nguồn:Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ