[In trang]
Doanh nghiệp Thái Bình thích ứng với kinh tế tuần hoàn
Thứ sáu, 08/12/2023
Trong những năm qua, tỉnh Thái Bình có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đẩy mạnh phát triển sự chuyển dịch từ năng lượng hoá thạch sang năng lượng mặt trời, điện gió, điện sinh khối, điện rác để phát triển nguồn “năng lượng xanh” bền vững, giảm phát thải và đảm bảo môi trường, đảm bảo nguồn cung năng lượng cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong những năm tiếp theo.
Trong những năm qua, tỉnh Thái Bình có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đẩy mạnh phát triển sự chuyển dịch từ năng lượng hoá thạch sang năng lượng mặt trời, điện gió, điện sinh khối, điện rác để phát triển nguồn “năng lượng xanh” bền vững, giảm phát thải và đảm bảo môi trường, đảm bảo nguồn cung năng lượng cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong những năm tiếp theo.
Nhằm thích ứng với bối cảnh kinh tế tuần hoàn, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Thái Bình đang hướng tới mục tiêu “xanh hóa” trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, để thể hiện trách nhiệm xã hội với môi trường, nhất là các DN dệt may tiêu thụ rất nhiều năng lượng, tài nguyên… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Về vấn đề này, theo ông Trần Ngọc Phúc – Phó Giám đốc Sở Công Thương Thái Bình cho biết: Sự chuyển dịch từ năng lượng hoá thạch sang năng lượng xanh và tái tạo nhận được sự ủng hộ sâu rộng từ người dân, DN, vì lợi ích đối với môi trường, an ninh năng lượng và phát triển kinh tế bền vững. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu điện và tăng trưởng phụ tải bình quân cả nước là 8,5%, thì việc phát triển năng lượng tái tạo là rất cần thiết và cấp bách.
Hệ thống máy móc thiết bị lắp đặt công nghệ Inverter TKNL tại Công ty TNHH Sơn Hà, Chi nhánh Thái Bình
Việc giải quyết các vấn đề liên quan đến khan hiếm nguyên liệu, sử dụng năng lượng bền vững, hạn chế rác thải tối đa trong từng công đoạn của vòng đời sản phẩm, tái sử dụng nguyên vật liệu có sẵn… đòi hỏi sự đầu tư đáng kể về nguồn nhân lực khoa học có trình độ, tăng tính cạnh tranh cho nền kinh tế. Sự chuyển dịch từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu.
Công ty TNHH Sơn Hà, Chi nhánh tại Thái Bình là một điển hình. Chuyên gia công, sản xuất hàng may thêu, quần áo xuất khẩu như quần, áo phông, áo jacket, hàng thun…, Công ty TNHH Sơn Hà là một DN sử dụng nhiều lao động, máy móc, thiết bị tiêu hao nhiều năng lượng cũng đã chủ động xây dựng quy định, quy chế sử dụng tiết kiệm năng lượng (TKNL); đầu tư công nghệ, lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời… đã đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện năng phục vụ sản xuất; DN được cấp giấy chứng nhận đánh giá tuân thủ tiêu chuẩn cúa IFC về môi trường và xã hội bền vững.
Đi vào hoạt động từ cuối năm 2010 (tại Cụm công nghiệp Vũ Ninh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), Công ty Sơn Hà có thị trường gia công, xuất khẩu chủ yếu là thị trường châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đến nay, DN đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng, xây dựng 3 dãy nhà xưởng trên diện tích gần 8ha với 65 chuyền may, trên 3.000 máy may, máy in các loại, đáp ứng yêu cầu cho sản xuất, tạo việc làm cho 1.900 lao động.
Trao đổi với phóng viên, bà Phan Thị Lụa - Trưởng phòng Quản lý hành chính nhân sự Công ty TNHH Sơn Hà, Chi nhánh Thái Bình cho biết: Năm 2020, Công ty TNHH Sơn Hà đã chủ động đầu tư trên 12 tỷ đồng lắp đặt điện năng lượng mặt trời, được lắp đặt trên diện tích mái khu nhà xưởng, ngày 31/12/2021 đi vào hoạt động, với công suất 998 kWh. Đến nay, hệ thống điện của Sơn Hà đã sản xuất được 2.170.708 kWh điện, tương đường hơn 4 tỷ đồng. Với lượng điện năng lượng mặt trời nhà máy sử dụng cho sản xuất kinh doanh đạt khoảng 41,6% nhu cầu lượng điện tiêu thụ của nhà máy. Ngoài ra, nhà máy còn sử dụng các biện pháp TKNL như: Xây dựng quy định, quy trình sử dụng tiết kiệm điện (TKĐ) đến người lao động, không để lãng phí, tắt điện, tắt máy và thiết bị khi không sử dụng và được đánh giá vào mức độ hoàn thành từng tổ, từng cá nhân người lao động; lắp đặt hệ thống Inverter cho các thiết bị…
Ông Lê Ngọc Lực - Trưởng phòng Cơ điện Công ty TNHH Sơn Hà cho biết: Do hệ thống dây chuyền máy móc lớn và lực lượng lao động đông, nên việc sử dụng TKĐ đối với Công ty là rất cần thiết. Trong thời gian qua, Công ty rất chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất như: Thay thế toàn bộ bóng đèn huỳnh quang sang bóng đèn LED; máy móc thiết bị công suất lớn được sử dụng máy biến tần TKĐ; với hệ thống máy móc của nhà máy cũng đã được đầu tư chuyển sang máy móc điện tử TKĐ, cùng với đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời phục vụ trong sản xuất.
So với trước đây chưa có điện năng lượng mặt trời, mỗi năm đơn vị phải tiêu tốn trung bình khoảng từ 400 – 500 triệu đồng tiền điện/tháng, từ khi có hệ thống điện năng lượng mặt trời, lượng tiêu thụ điện giảm còn khoảng 250 – 200 triệu đồng tiền điện/tháng. Điện năng lượng mặt trời dư thừa, dùng không hết sẽ được hòa mạng vào lưới điện của Công ty Điện lực, mỗi tháng DN thu khoảng từ 30 – 50 triệu đồng/tháng.
Không thể phủ nhận việc TKNL đã đem lại hiệu quả thiết thực không chỉ cho DN, mà còn đem lại lợi ích kép cả với người lao động. Theo bà Phan Thị Lụa chia sẻ: Như thành thói quen khi làm việc tại Công ty, người lao động thực hiện nghiêm chỉnh các quy tắc về sử dụng TKĐ, khi về gia đình việc sử dụng TKĐ cũng được áp dụng, tiết kiệm và sử dụng an toàn; thay thế các thiết bị cũ, tiêu hao năng lượng; tuyên truyền, hướng dẫn người thân cùng tham gia, mỗi tháng gia đình cũng tiết kiệm được từ 150 – 200.000 đồng/tháng, làm giảm chi phí, tăng thu nhập cho gia đình.
Để đáp ứng được các tiêu chí mới trong các chiến lược phát triển bển vững, việc tạo ra được một nền kinh tế có mức phát thải thấp, nhưng lại sử dụng hiệu quả, và tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên; giảm thiểu những rủi ro môi trường, theo ông Hoàng Văn Dương – Phó Trưởng phòng Hành chính và TKNL thuộc TTKC tỉnh Thái Bình cho biết: Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một vấn đề cấp thiết hiện nay, đòi hỏi người dân, DN chung tay, góp sức. Trong những năm qua, TTKC đã tổ chức tuyên truyền về TKNL cho người dân, DN; tổ chức đào tạo, tập huấn cho các cán bộ, công nhân, người lao động trong các đơn vị, DN sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn của tỉnh, đã thu được kết quả nhất định. Các DN đã chủ động thực hiện các biện pháp TKNL như: Kiểm toán năng lượng hàng năm; đầu tư máy móc mới TKĐ; xây dựng quy chế, quy trình sử dụng TKĐ trong sản xuất; đầu tư, khai thác điện năng lượng mặt trời, điện sinh khối… Nhìn chung, các DN sử dụng năng lượng trọng điểm đã thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về TKNL và hiệu quả. Qua đó, DN đã thấy được các lợi ích mà mình đã đầu tư, thực hiện đem lại hiệu quả về kinh tế, chăm lo đời sống, đảm bảo môi trường, điều kiện làm việc của người lao động được tốt hơn.
Theo: Công nghiệp tiêu dùng