Giảm bao bì nhựa: Thay đổi từ nhận thức đến hành động
Thứ hai, 13/11/2023
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa tăng, người tiêu dùng có xu hướng sử dụng bao bì xanh thay thế nhằm bảo vệ sức khỏe và môi trường sống.
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa tăng, người tiêu dùng có xu hướng sử dụng bao bì xanh thay thế nhằm bảo vệ sức khỏe và môi trường sống.
Đẩy mạnh tiêu dùng xanh
Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa. Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm, nước ta có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, 0,28 - 0,73 triệu tấn trong số đó bị thải ra biển, nhưng chỉ 27% được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp.
Xu hướng đẩy mạnh tiêu dùng xanh trên khắp thế giới đã làm thay đổi tư duy sản xuất, phân phối và thương mại. Giá trị của sản phẩm không chỉ chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, giá thành phù hợp mà còn phải thân thiện với môi trường. Do vậy, xu hướng sử dụng bao bì xanh trở thành xu hướng toàn cầu.
Xu hướng chuyển sang sản xuất, sử dụng bao bì xanh đã được các doanh nghiệp triển khai mạnh mẽ
Là một trong những doanh nghiệp có nhiều hành động cụ thể, thiết thực nhằm giảm thiểu bao bì nhựa trong sản xuất và phân phối, bà Hoàng Thị Thanh Thủy - Trưởng ban Điều phối Ủy ban Phát triển bền vững Tập đoàn TH - cho biết: 15 năm qua, chúng tôi đã kiên trì triển khai chiến lược phát triển bền vững trong sản xuất, kinh doanh; môi trường là trụ cột quan trọng trong chiến lược đó. Cụ thể, Tập đoàn TH đã thực hiện hàng loạt giải pháp như: Thay thế túi nilon, thìa nhựa, ống hút từ nhựa dùng một lần bằng nhựa sinh học thân thiện với môi trường. Đồng thời, cắt giảm sử dụng nhựa bằng cách giảm trọng lượng nhựa trên mỗi sản phẩm (cắt giảm ½ thìa sữa chua và đặt mục tiêu giảm 100%); bỏ màng co nắp chai trên tất cả các sản phẩm True WATER. Tổng lượng nhựa mà TH đã giảm thải được từ nỗ lực này lên tới khoảng 40 tấn/năm.
Để khẳng định hướng đi và trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội và môi trường, TH cũng đã tham gia và là nhà đồng sáng lập của các liên minh như: Liên minh Doanh nghiệp vì môi trường Việt Nam, Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam và Liên minh các nhà bán lẻ giảm tiêu thụ túi nilon. “Với việc sở hữu hơn 400 cửa hàng bán lẻ TH true mart trên toàn quốc và vai trò là nhà sản xuất có trách nhiệm, chúng tôi cam kết thực hiện các giải pháp giảm thiểu tiêu thụ nhựa trong sản xuất và tiêu dùng”- bà Thủy cho biết .
Kinh doanh dựa trên thực hiện tốt ESG
Là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoạt động trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam, ngay từ khi đi vào hoạt động tại thị trường Việt Nam, AEON Việt Nam luôn thực hiện tốt trách nhiệm môi trường - xã hội - quản trị (ESG). Không chỉ là doanh nghiệp đi đầu thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa, những năm qua, AEON Việt Nam còn duy trì vận hành các sáng kiến xanh khác như: Greenline - quầy thu ngân ưu tiên dành cho khách hàng từ chối sử dụng túi nilon; sử dụng sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường như ly, cốc bằng giấy, khay và tô bằng bã mía... tại khu vực ẩm thực tự chọn. Tại khu vực siêu thị của tất cả các trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị AEON trên toàn quốc, 100% túi mua sắm dành cho khách hàng đều là nilon phân hủy sinh học...
“Trong 12 năm qua, AEON luôn nỗ lực để đóng góp cho phát triển bền vững của Việt Nam. Chiến lược phát triển bền vững của chúng tôi dựa trên 3 trụ cột: Môi trường, kinh tế và xã hội”- ông Furusawa Yasuyuki - Tổng giám đốc AEON Việt Nam - cho biết. Với trụ cột bền vững về môi trường, AEON Việt Nam đẩy mạnh giảm thiểu tác động của kinh doanh lên môi trường và đạt thành quả cắt giảm khoảng 5,8 triệu túi nilon phân hủy sinh học (tương đương 2 triệu giao dịch) tính đến cuối năm 2022. Từ năm 2024 - 2030, ngoài giảm thiểu rác thải nhựa sử dụng 1 lần, AEON Việt Nam sẽ có các hoạt động hướng đến giảm 50% khí thải nhà kính trong quá trình vận hành tòa nhà, đồng hành cùng tầm nhìn Net - Zero của Chính phủ...
Một ví dụ điển hình khác, Central Retail đã và đang thí điểm thực hiện thành công chương trình “Ngày không túi nilon” và “Mang theo túi riêng đi chợ” tại các siêu thị Tops Market trên toàn quốc - tiến tới hoàn toàn chấm dứt cung cấp túi nilon ở các siêu thị Tops Market”. Các hoạt động trên của doanh nghiệp phân phối, bán lẻ đã góp phần truyền thông lan tỏa nhận thức đến người tiêu dùng giảm thiểu rác thải nhựa thông qua tiêu dùng xanh.
Đánh giá về hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa tại các doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Diệu Thúy - Giám đốc Chương trình Giảm nhựa của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) - cho biết: Việt Nam đang tích cực thúc đẩy việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa, trong đó, khối doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng. Với sự chủ động tham gia của nhiều nhà sản xuất và bán lẻ, hy vọng, Ngày không sử dụng túi nilon tại Việt Nam năm nay sẽ nhận được sự quan tâm và ủng hộ tích cực từ phía người tiêu dùng. “Chỉ có hành động cùng nhau, chúng ta mới có thể hướng tới tiêu dùng bền vững và loại bỏ cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa toàn diện” - Giám đốc WWF-Việt Nam nhấn mạnh.
Để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 sẽ sử dụng 100% bao bì thân thiện với môi trường, cần đưa ra chính sách quy định về bao bì xanh, rác thải xanh đối với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh kho hàng. |
Theo: Báo Công Thương