[In trang]
Hà Nội: Thúc đẩy doanh nghiệp Cơ khí chế tạo – tự động hóa khởi nghiệp từ khoa học công nghệ
Thứ tư, 03/08/2016
Thực hiện Chiến lược phát triển Khoa học công nghệ định hướng đến năm 2020, Sở Khoa học Công nghệ thành phố Hà Nội đã và đang triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trên nền tảng ứng dụng các giải pháp kỹ thuật và công nghệ hiện đại, trong đó có các doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo – tự động hóa.

Thực hiện Chiến lược phát triển Khoa học công nghệ định hướng đến năm 2020, Sở Khoa học Công nghệ thành phố Hà Nội đã và đang triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trên nền tảng ứng dụng các giải pháp kỹ thuật và công nghệ hiện đại, trong đó có các doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo – tự động hóa.

Theo ông Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội kiêm Chủ tịch Hội Tự động hóa Hà Nội, thành phố Hà Nội đã tiến hành các giải pháp hỗ trợ kỹ thuật và tạo hành lang pháp lý thích hợp cho các doanh nghiệp Cơ khí chế tạo – tự động hóa khởi nghiệp từ nền tảng phát triển khoa học công nghệ. Trong thời gian sắp tới, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cũng sẽ đề xuất thêm các giải pháp hỗ trợ thiết thực về kinh phí, vốn đầu tư và chính sách tài chính tối ưu nhằm giúp các nhà khởi nghiệp từ khoa học công nghệ có cơ hội công nghiệp hóa, thương mại hóa những sản phẩm trí tuệ của mình, tạo điều kiện đưa sản phẩm cơ khí tự động hóa thương hiệu Việt đến với thị trường trong nước và quốc tế.

Ông Lê Xuân Rao cũng cho biết, trong 5 năm trở lại đây, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hà Nội đã triển khai gần 500 đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm các sản phẩm Cơ khí – tự động hóa áp dụng các kỹ thuật khoa học công nghệ tiên tiến. Nổi bật là những thành tựu đạt được bước đầu của Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ Hòa Lạc (Hà Nội). Thời gian vừa qua, Trung tâm đã đưa vào vận hành nhiều trang thiết bị hiện đại về cơ khí, tự động hóa, tạo ra các sản phẩm trong lĩnh vực chiếu sáng, năng lượng sạch. Nổi bật trong đó là Máy đóng gói trong dây chuyền sản xuất đèn Led.
 
Thành quả ứng dụng vào thực tiễn của các đề tài, dự án hỗ trợ và phát triển các doanh nghiệp Cơ khí - tự đông hóa khởi nghiệp từ khoa học công nghệ ngày càng nhiều, đem lại hiệu quả tốt trong nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Nhờ có những nỗ lực của Sở Khoa học và Công nghệ, nhiều doanh nghiệp Cơ khí – tự động hóa đã khởi nghiệp thành công. Cùng với đó là những công nghệ tiên tiến đã được đưa vào ứng dụng trong thực tế như: trong lĩnh vực giao thông đường sắt, Công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến giúp quản lý và khai thác các toa hàng một cách hợp lý; trong lĩnh vực viễn thông, hệ thống tự động hoá giúp cảnh báo, giám sát và điều hành truyền hình cáp hữu tuyến; v.v…

Có thể nhận thấy các sản phẩm từ những công trình nghiên cứu khoa học đã góp phần thúc đẩy đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế; đồng thời nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan và đơn vị trên địa bàn thành phố.

Việc hỗ trợ các nhà nghiên cứu, các nhà sáng chế và các trung tâm phát triển khoa học công nghệ khởi nghiệp chính là việc làm cấp thiết, thúc đẩy quá trình đưa các sản phẩm chất lượng được sản xuất trên nền tảng công nghệ cao tới các thị trường tiềm năng và thông qua đó tạo động lực phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn của thành phố Hà Nội nói riêng và ngành công nghiệp Cơ khí chế tạo Việt Nam nói chung.