[In trang]
Phân bón lá từ vỏ trứng và vỏ đầu tôm
Thứ hai, 25/09/2023
Từ các phế phẩm vỏ trứng gia cầm và vỏ đầu tôm, nhóm tác giả ở Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón và Môi trường phía Nam (Viện Thổ nhưỡng Nông hóa), đã làm ra chế phẩm phân bón lá sinh học, giúp nâng cao năng suất và giảm một số bệnh trên cây trồng.
Từ các phế phẩm vỏ trứng gia cầm và vỏ đầu tôm, nhóm tác giả ở Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón và Môi trường phía Nam (Viện Thổ nhưỡng Nông hóa), đã làm ra chế phẩm phân bón lá sinh học, giúp nâng cao năng suất và giảm một số bệnh trên cây trồng.
Hiện nay, vỏ trứng gia cầm và vỏ đầu tôm đang bị thải bỏ với số lượng rất lớn, cùng với chi phí xử lý tốn kém.
Nhằm tận dụng 2 nguồn phế phẩm này, nhóm nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón và Môi trường phía Nam (Viện Thổ nhưỡng Nông hóa) đã triển khai đề tài “Nghiên cứu quy trình chiết xuất canxi từ vỏ trứng; oligochitosan, axit amin từ vỏ đầu tôm, phối chế làm phân bón lá sinh học”.
Theo đó, vỏ trứng gia cầm (1kg) được nghiền nhỏ thành bột và thủy phân với dung môi là độ axit acetic 25%. Sau đó ủ trong 4 ngày ở nhiệt độ thường, rồi đem vắt ly tâm (vắt kiệt) thu dịch chiết canxi (ion canxi Ca2+), cho phép cây hấp thụ canxi nhanh và hiệu quả hơn so với dạng bột nghiền.
Đối với vỏ đầu tôm, nhóm phối trộn 1kg vỏ đầu tôm với 15rg NaHCO3 và 2,5g KOH, gia nhiệt trong thời gian 30 phút, ở nhiệt độ 105oC, áp suất 1atm. Sau đó, lấy ra để nguội ở nhiệt độ 40oC, tiếp tục cho 300ml dịch vỏ quả thơm (dứa), cùng 5ml EM ủ trong 72 giờ, sau đó vắt kiệt, thu được 742,5ml dịch axit amin với nồng độ 8,77%. Axit amin là thành phần cấu trúc nên tế bào, tham gia tạo nên kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh.
Nguyên liệu và sản phẩm phân bón lá do nhóm điều chế. Ảnh: NNC
Cũng từ vỏ đầu tôm, nhóm điều chế chitin, chitosan. Từ dung dịch chitosan 4,5%, bằng phương pháp nhũ hóa kết hợp với chất xúc tác hóa học (axit acetic 25%, NaOH), nhóm điều chế được dung dịch oligo chitosan 5,0% với kích thước hạt đồng nhất 15 – 20nm. Hợp chất hữu cơ này có thể đi qua màng tế bào và phá vỡ tế bào vi sinh vật, từ đó hạn chế ảnh hưởng của mầm bệnh, góp phần giảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Từ các nguyên liệu điều chế được ở trên, nhóm thực hiện phối chế tạo ra 2 chế phẩm Ca-Oligochitosan-Amin-TE chuyên dùng cho cây rau ăn lá, và cho hoa lan, cây cảnh.
Thử nghiệm phân bón lá sinh học Ca-Oligochitosan-Amin-TE chuyên dùng cho cây cải ngọt và cải thìa, liều lượng phun 2 ml/lít nước. Với 400 lít nước phân đã pha/ha, định kỳ 7 ngày phun một lần và phun 3 lần/vụ, thu được năng suất cao nhất là 41,8 tấn/ha, tăng 29% so với nghiệm thức đối chứng sử dụng phân hữu cơ sản xuất trong nước QNQTAMIN (32,4 tấn/ha).
Đối với cây cải thìa liều phun là 2,5 ml/lít nước, đạt 44,7 tấn/ha, tăng 19,2% so với đối chứng (38,6 tấn/ha). Ngoài ra, sử dụng phân do nhóm điều chế, còn giúp tăng chiều cao cây, số lá, giảm sự gây hại của bệnh thối nhũn.
Khi sử dụng phân bón lá sinh học Ca-Oligochitosan-Amin-TE trên cây hoa lan Dendrobium pink happy 5 tháng tuổi với liều lượng phun 1/500ml và 1ha phun với lượng 400 lít phân đã pha, thời gian 7 ngày phun 1 lần, có tác dụng tốt đến sự phát sinh số giả hành (thân cây) trên chậu, số lá trên trên thân, đường kính cũng như chiều dài giả hành.
Trên cây hoa lan Dendrobium pink happy 10 tháng tuổi, cũng có tác dụng tốt đến sự phát sinh số giả hành trên chậu, số lá, chiều dài thân, tăng số lượng, đường kính và độ bền của hoa. Ngoài ra, còn giảm được bệnh đốm lá trên cây hoa lan Dendrobium pink happy 5 và 10 tháng tuổi.
Thử nghiệm phânCa-Oligochitosan-Amin-TEtrên cây cải. Ảnh: NNC
Hiện nhóm đã hoàn thiện các quy trình chiết xuất canxi từ vỏ trứng gia cầm quy mô công nghiệp, thu hồi được trên 60% lượng canxicacbonat trong vỏ trứng gia cầm, chuyển được hoàn toàn Ca2+ trong dung dịch giúp cho cây trồng dễ hấp thu; chiết xuất axit amin từ vỏ đầu tôm, dùng enzyme sinh học từ vỏ dứa, thu hồi được khoảng 95% lượng protein dư thừa trong quá trình chế biến tôm. Đồng thời, nhóm cũng hoàn thiện quy trình phối chế giữa dịch chiết canxi từ vỏ trứng gia cầm với oligo chitosan và axit amin thành chế phẩm phân bón lá sinh học chuyên dùng cho hoa cảnh, rau ăn lá trên quy mô công nghiệp.
Đề tài đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu, kết quả đạt. Nhóm tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm phân bón lá sinh học Ca-Oligochitosan-Amin-TE trên một số đối tượng cây trồng khác.
Theo: Báo Khoa học phát triển