[In trang]
Bình Dương triển khai ‘’tăng trưởng xanh’’ giai đoạn 2023 - 2030
Thứ hai, 04/09/2023
Ngày 04/8/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Kế hoạch hành động số 3961/KH-UBND về tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2023 – 2030.
Ngày 04/8/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Kế hoạch hành động số 3961/KH-UBND về tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2023 – 2030.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, mục đích của kế hoạch nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và góp phần vào hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Bình Dương hướng tới nền kinh tế xanh, đóng góp vào mục tiêu hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu
UBND tỉnh Bình Dương đề ra 18 chủ đề với các hoạt động, nhiệm vụ cụ thể cho giai đoạn 2023 – 2030. Cụ thể:
Chủ đề 1: Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước gắn kết với các mục tiêu tăng trưởng xanh.
Chủ đề 2: Truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức.
Chủ đề 3: Phát triển nguồn nhân lực và việc làm xanh.
Chủ đề 4: Huy động nguồn lực tài chính và thúc đẩy đầu tư cho tăng trưởng xanh.
Chủ đề 5: Đầu tư cho khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Chủ đề 6: Hội nhập và hợp tác quốc tế.
Chủ đề 7: Bình đẳng trong chuyển đổi xanh, đảm bảo các nhóm đối tượng khác nhau, đặc biệt là các chủ thể bị ảnh hưởng khi cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, các nhóm yếu thế (phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số, người nghèo, người khuyết tật, người già) được tiếp cận bình đẳng các cơ hội, thông tin, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ xã hội cơ bản, phù hợp với các lĩnh vực, việc làm mới trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.
Chủ đề 8: Năng lượng (đảm bảo an ninh năng lượng theo hướng phát triển các nguồn năng lượng, khai thác và sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng và chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch; đẩy mạnh khai thác có hiệu quả và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng của tỉnh…).
Chủ đề 9: Công nghiệp (nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng; từng bước hạn chế các ngành phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, tạo điều kiện phát triển các ngành sản xuất xanh mới…).
Chủ đề 10: Giao thông vận tải và dịch vụ logistics (tăng cường đầu tư hiện đại hóa các hệ thống, mạng lưới giao thông, phương tiện trên cơ sở tiết kiệm năng lượng, có hiệu quả kinh tế, môi trường cao, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh chuyển đổi phương thức hàng hóa vận tải, thúc đẩy hoạt động logistics theo hướng xanh; nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển dịch vụ logistics theo hướng xanh).
Chủ đề 11: Xây dựng (thúc đẩy đô thị hóa theo hướng đô thị thông minh bền vững, có năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu, đảm bảo hiệu quả kinh tế - sinh thái).
Chủ đề 12: Nông nghiệp và phát triển nông nghiệp (phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh, sạch, bền vững, thông minh, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp thông qua việc điều chỉnh, chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và áp dụng các quy trình, công nghệ sử dụng tiết kiệm, hiệu quả giống, thức ăn, vật tư nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên...).
Chủ đề 13: Quản lý chất thải (tăng cường công tác quản lý chất thải thông qua việc nghiên cứu và phát triển các mô hình quản lý tổng hợp chất thải rắn, công nghệ xử lý chất thải theo hướng kinh tế tuần hoàn, chuyển hóa chất thải thành tài nguyên, nguyên liệu sản xuất…).
Chủ đề 14: Quản lý chất lượng không khí.
Chủ đề 15: Quản lý tài nguyên nước, tài nguyên đất đai, đa dạng sinh học; phát triển kinh tế biển xanh. 
Chủ đề 16: Tiêu dùng và mua sắm xanh, bền vững. 
Chủ đề 17: Xây dựng nền y tế xanh, thông minh, bền vững; thúc đẩy công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng theo hướng nâng cao năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí của người dân.
Chủ đề 18: Phát triển các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển sản phẩm du lịch xanh.
Nguồn lực thực hiện bao gồm: Ngân sách Trung ương, địa phương, chính sách ưu đãi về thuế, ngoài ra còn có vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn hỗ trợ và vay ưu đãi cho tăng trưởng xanh.
Bên cạnh đó là nguồn vốn vay thương mại và đầu tư tư nhân như tín dụng xanh, trái phiếu doanh nghiệp xanh, vốn FDI cho tăng trưởng xanh…
Chi tiết Kế hoạch tại đây.
Mai Anh