Bà Rịa - Vũng Tàu kiên định với mục tiêu phát triển bền vững
Thứ tư, 16/08/2023
Phát triển kinh tế tuần hoàn, thu hút đầu tư có chọn lọc, không ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân là chủ trương nhất quán của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm thực hiện mục tiêu phát triển xanh, bền vững.
Loại bỏ dự án gây ô nhiễm môi trường
Thời gian qua, Bà Rịa - Vũng Tàu đã nhất quán thực hiện chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc gắn với BVMT. Đó là chỉ thu hút dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động. Tỉnh cũng nêu rõ 8 loại hình dự án không thu hút đầu tư, như dự án chế biến tinh bột sắn, chế biến mủ cao su, sản xuất hóa chất cơ bản, nhuộm, thuộc da, sản xuất thép - nhất là thép xây dựng và phôi thép (trừ các dự án sản xuất thép chất lượng cao), sản xuất giấy các loại hoặc bột giấy, chế biến bột cá... Đáng chú ý, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng hạn chế thu hút đầu tư đối với các dự án công nghiệp xi mạ, chế biến hải sản, sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật, sản xuất sơn, phụ gia, chất tẩy rửa công nghiệp...
Với chủ trương này, thời gian qua tỉnh đã “gặt hái” được “mùa quả ngọt” với những dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, sản xuất xanh theo hướng bền vững. Điển hình là dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam, Hyosung, nhà máy kinh nổi siêu trắng, Heneiken...
Đoàn giám sát kiểm tra hoạt động BVMT tại mỏ đá xây dựng lô 14 xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ.
Tại buổi làm việc với đoàn giám sát Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Quốc hội, ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Bà Rịa - Vũng Tàu sẵn sàng từ chối các dự án hàng tỷ USD nếu không bảo đảm yếu tố bền vững, có nguy cơ tác động xấu đến môi trường. Đó là lý do, mới đây, nhà máy thép miền Nam (KCN Phú Mỹ 1) đề nghị nâng công suất sản xuất phôi thép từ 500.000 tấn/năm lên 750.000 tấn/năm và công suất cán thép từ 400.000 tấn/năm lên 550.000 tấn/năm nhưng tỉnh không đồng ý chủ trương vì ngành luyện thép dễ gây ra nhiều hệ lụy về môi trường. Ngoài ra, tất cả các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh đều được rà soát, đánh giá và lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn về môi trường để xem xét quyết định việc cấp phép đầu tư. Công tác hậu kiểm tra sau thẩm định cũng được thực hiện thường xuyên và nghiêm túc, kiên quyết không cho phép các dự án nào đầu tư trên địa bàn tỉnh triển khai xây dựng khi chưa được xem xét, thẩm định và phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Công nghiệp xanh - kinh tế tuần hoàn
Song song với việc thu hút đầu tư có chọn lọc, hiện nay, công tác BVMT trong hoạt động sản xuất công nghiệp hướng tới sự phát triển bền vững luôn được chính quyền địa phương quan tâm. Theo đó, bên cạnh việc đầu tư hệ thống QTTĐ nước thải cho các KCN nhằm giảm thiểu sự cố môi trường từ nhiều năm nay, tỉnh còn hỗ trợ các DN chuyển đổi công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất và thực hiện kế hoạch sản xuất sạch hơn.
Bà Rịa - Vũng Tàu kiên định với mục tiêu phát triển kinh tế gắn với BVMT. Trong ảnh: Đoàn giám sát kiểm tra công tác lưu mẫu thải tại Nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN Phú Mỹ 1.
Ông Đặng Minh Thông cho biết thêm, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII đề ra, đến năm 2045, ngành công nghiệp của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển hiện đại và là một trong những mô hình phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường. UBND tỉnh giao Sở TN-MT và các sở, ngành liên quan rà soát, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp theo hướng tập trung, bảo đảm yêu cầu BVMT, quốc phòng, an ninh. Đồng thời, đẩy nhanh việc chuyển dịch các ngành công nghiệp chủ yếu dựa vào tài nguyên và lao động tác động xấu đến môi trường sang ngành chế biến chế sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường; hoàn thành xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu, cụm công nghiệp. Phấn đấu đến năm 2025, các KCN trên địa bàn tỉnh phải đạt chuẩn theo mô hình KCN kiểu mẫu.
Tại các buổi làm việc với đoàn công tác, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kiến nghị Chính phủ hàng năm hỗ trợ 50% số thu phí BVMT đối với khai thác dầu thô và khí thiên nhiên trên địa bàn tỉnh để có kinh phí triển khai các dự án, đề án cải thiện, khắc phục ô nhiễm môi trường; Chỉ đạo các Bộ, ngành trung ương sớm hướng dẫn mô hình chuẩn về xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt, phát điện để các địa phương trong cả nước có cơ sở triển khai thực hiện, bảo đảm các yêu cầu về BVMT. UBND tỉnh cũng kiến nghị Bộ TN-MT sớm ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường theo quy định của Luật BVMT năm 2020, ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện theo quy định của Luật BVMT năm 2020; Sớm ban hành các quy định hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; Ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể thủ tục, trình tự các bước thực hiện trong việc sử dụng tiền ký quỹ để cải tạo, phục hồi môi trường đối với các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã giải thể hoặc phá sản. Ngoài ra, tỉnh cũng kiến nghị Bộ TN-MT và Bộ Tài chính hỗ trợ bố trí kinh phí BVMT trên cơ sở dự toán do tỉnh lập hàng năm. |
Song song với các giải pháp về công nghiệp xanh, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng hướng đến những mô hình kinh tế tuần hoàn để BVMT. Cụ thể, tháng 3/2023, UND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo” giai đoạn 2022-2025. Đề án hướng đến năm 2030 đạt được tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Côn Đảo đạt 50%, 100% rác thải hữu cơ; tỷ lệ thu gom và xử lý nước mưa phục vụ sinh hoạt đạt 10%, tăng diện tích trồng và phục hồi rạn san hô lên 6 - 7ha. Phấn đấu đạt 100% xe vận tải hành khách thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt 30%.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Quốc hội, thời gian tới, để phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, các cơ quan chức năng của tỉnh cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật BVMT đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, các KCN và các khu du lịch; xử phạt nghiêm những cơ sở, DN vi phạm về xả thải ảnh hưởng đến môi trường theo quy định; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm cơ sở chế biển hải sản không có hệ thống xử lý môi trường đảm bảo theo quy định. Đồng thời, UBND các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức trách nhiệm và hành động thực tiễn của người dân, DN về BVMT; nhận thức lợi ích kinh tế - xã hội từ hoạt động kinh doanh gắn với BVMT.
Theo: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu