Thừa Thiên Huế định hướng sản xuất vật liệu xây dựng trở thành ngành công nghiệp xanh, bền vững
Thứ tư, 09/08/2023
Thừa Thiên Huế định hướng đến năm 2050, ngành sản xuất vật liệu xây dựng của tỉnh được tự động hóa hoàn toàn trong quá trình sản xuất và trở thành ngành công nghiệp xanh, bền vững.
Thừa Thiên Huế định hướng đến năm 2050, ngành sản xuất vật liệu xây dựng của tỉnh được tự động hóa hoàn toàn trong quá trình sản xuất và trở thành ngành công nghiệp xanh, bền vững.
Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 1601/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến 2050.
Theo đó, phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 phải phù hợp với Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.
Phát triển vật liệu xây dựng phải đảm bảo tính bền vững, gắn hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội, bảo vệ tốt nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái... và không chồng chéo với các kế hoạch, quy hoạch khác.
Tập trung đầu tư và phát triển các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh, sản xuất vật liệu xây dựng có nguồn nguyên liệu tại chỗ. Sử dụng hiệu quả tài nguyên, triệt để tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu. Khuyến khích phát triển công nghệ sạch, công nghệ sử dụng phế thải, phế liệu của các ngành khác làm vật liệu xây dựng để giảm ô nhiễm môi trường. Từng bước loại bỏ công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.
Phát triển vật liệu xây dựng đảm bảo tính bền vững, gắn hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội, bảo vệ tốt nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái... (Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet)
Đồng thời, từng bước sắp xếp lại các cơ sở sản xuất vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung. Đa dạng hóa hình thức đầu tư, thu hút mọi nguồn lực vào phát triển vật liệu xây dựng. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng. Ưu tiên đầu tư nghiên cứu sử dụng các loại phế thải, chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu sản vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp.
Phát triển đa dạng chủng loại và mẫu mã sản phẩm; chú trọng phát triển các sản phẩm có tính năng mới, có giá trị kinh tế cao và các loại sản phẩm, cấu kiện phục vụ thi công xây dựng nhanh, đáp ứng nhu cầu trong nước. Chỉ xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tính cạnh tranh mạnh trên thị trường thế giới.
Mục tiêu là phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng của tỉnh Thừa Thiên Huế có năng lực cạnh tranh trong vùng, đảm bảo hài hòa các lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường; đáp ứng nhu cầu xây dựng và xuất khẩu hiệu quả; đa dạng hóa các chủng loại sản phẩm giá trị cao, thân thiện với môi trường.
Đồng thời, phát triển ngành vật liệu xây dựng với công nghệ sản xuất đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, cải tạo công nghệ hoặc dừng sản xuất đối với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng có công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nhiên liệu, năng lượng và gây ô nhiễm môi trường theo quy định.
Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, đa dạng nguyên liệu, nhiên liệu; sử dụng, tận dụng tối đa các loại chất thải công nghiệp, khai thác mỏ để sản xuất vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp.
Ưu tiên các dự án, chuỗi dự án sản xuất vật liệu xây dựng tập trung tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, sử dụng công nghệ hiện đại, tiêu hao nhiên liệu và năng lượng thấp, tỷ lệ nội địa hóa cao về thiết bị trong sản xuất.
Đến năm 2030 ngành sản xuất vật liệu xây dựng của tỉnh đạt được trình độ công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường: cơ giới hóa và tự động hóa trong sản xuất vật liệu xây dựng đáp ứng nhu cầu thị trường trong tỉnh, trong vùng, xuất khẩu một phần đối với những sản phẩm chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Định hướng đến năm 2050 ngành sản xuất vật liệu xây dựng của tỉnh được tự động hóa hoàn toàn trong quá trình sản xuất và trở thành ngành công nghiệp xanh, bền vững.
Chi tiết Quyết định số 1601/QĐ-UBND tại đây.
Khánh An