[In trang]
Nhiều địa phương hưởng ứng phong trào “biến” rác thải thành cây xanh
Thứ hai, 03/07/2023
Việc các địa phương trên cả nước tích cực tham gia các chương trình đổi rác thải lấy cây xanh không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn góp phần lan tỏa lối sống xanh, phát triển bền vững trong cộng đồng.
Mục đích chung của các hoạt động đổi rác thải nhựa lấy cây xanh đều nhằm giúp hình thành thói quen phân loại rác sinh hoạt tại nguồn cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Bởi lẽ, theo quy định Luật Bảo vệ môi trường 2020, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Theo đó, chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân sẽ được phân loại thành 3 nhóm chính: Chất thải thực phẩm và hữu cơ hay còn gọi là rác dễ phân hủy; chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải rắn sinh hoạt khác.
Nhiều năm qua, công tác vệ sinh môi trường đã được các cấp, các  ngành và toàn dân chung tay thực hiện và đem lại những kết quả bước đầu. Từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều địa phương trên cả nước đã tổ chức chương trình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn để đổi lấy cây xanh thu hút được đông đảo sự quan tâm và hưởng ứng của người dân. 
Tại TP. Lai Châu, Đoàn phường Tân Phong đã phối hợp với Trường Trung học cơ sở (THCS) Tân Phong tổ chức Ngày hội “Thiếu nhi bảo vệ môi trường, đổi rác thải nhựa lấy cây xanh”. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm nâng cao nhận thức cho các em học sinh về công tác bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường học tập, môi trường sống sáng – xanh – sạch – đẹp.
Hoạt động đổi rác thải lấy cây xanh được tổ chức tại Trường Trung học cơ sở (THCS) Tân Phong, TP. Lai Châu (Ảnh: Cổng thông tin Lai Châu)
Với mong muốn lan tỏa lối sống xanh, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, đặc biệt là nâng cao nhận thức cho các em học sinh về phân loại rác thải, ngày hội đã thu hút được sự tham gia đông đảo của giáo viên, học sinh trong toàn trường. Các loại rác thải được thu gom bao gồm: giấy, vở học sinh đã qua sử dụng, sách báo, bìa, vỏ hộp sữa, nhựa, kim loại, vỏ lon đã đập bẹp, pin và thiết bị điện tử. Rác thải mang đến Ngày hội sẽ được quy đổi tương ứng với các loại cây xanh.
Tại TP. Yên Bái, hoạt động đổi rác thải lấy cây xanh đã được tổ chức tại phường Đồng Tâm, TP. Yên Bái với sự tham gia đông đảo của người dân địa phương. Chỉ trong thời gian rất ngắn, ban tổ chức đã thu được về hàng chục kg chất thải tái chế như: Chai, lọ nhựa, giấy báo, bìa carton…
Hành động đổi rác thải lấy cây xanh thu hút sự tham gia đông đảo người dân Yên Bái (Ảnh: TNMT)
Chị Nguyễn Hồng Minh – Tổ 9, P. Đồng Tâm, TP. Yên Bái chia sẻ: “Sau khi được nghe tuyên truyền về lễ phát động này có hoạt động đổi rác thải tái chế lấy cây xanh tôi cảm thấy rất hào hứng. Đây là hoạt động lần đầu tiên được tổ chức tại thành phố Yên Bái. Nhờ hoạt động này mà tôi biết đến việc phân loại rác thải tại nguồn. Trước đây gia đình tôi chỉ mới vứt rác thải sinh hoạt vào chung một thùng chứa chứ chưa phân loại rác. Sau ngày hôm nay gia đình tôi sẽ dần thay đổi thói quen và bắt đầu phân loại rác thải của gia đình mình”.
Tại tỉnh Hậu Giang, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ cũng đã triển khai mô hình “Biến rác thải thành cây xanh”. Mô hình này mới chỉ được thành lập cách nay hơn nửa năm nhưng cũng đã thu hút được sự tham gia của nhiều hội viên, phụ nữ trên địa bàn. 
Rác thải được thu gom để quy đổi thành những cây giống (Ảnh: Báo Hậu Giang)
Kể từ khi ra mắt đến nay, các thành viên mô hình “Biến rác thải thành cây xanh” đã tập trung rác vô cơ lại để bán phế liệu được 4 lần, với số tiền gần 1 triệu đồng. Từ số tiền này, mua được 200 cây sao trồng dọc tuyến đường nông thôn của ấp 3; đồng thời, mua cây giống ổi nữ hoàng trao tặng cho 3 hội viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn ấp. 
Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh là chương trình mang ý nghĩa thiết thực trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ môi trường. Để phong trào này tiếp tục được lan rộng cần sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, của cả hệ thống chính trị các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; sự phối hợp của các cấp, ban ngành; sự đồng lòng ý thức của người dân trong việc gìn giữ bảo vệ môi trường, trong việc tuyên truyền người dân tự phân loại, thu gom rác thải tại nguồn.
Theo ước tính, hiện trên cả nước lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 60.000 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị chiếm 60%; dự kiến, đến năm 2025, tỷ lệ này dự báo tăng 10-16%/năm. 
Sự gia tăng chất thải nhựa trong thành phần chất thải rắn sinh hoạt là một trong những vấn nạn đối với xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Việt Nam. Tái chế rác thải nhựa đồng nghĩa với việc thu hồi nguyên liệu, sản phẩm nhựa đã qua sử dụng để tạo thành những vật dụng hữu ích sẽ giúp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, giảm thiểu được phần nào chất thải rắn, chất ô nhiễm, giúp môi trường sống của chúng ta trở nên sạch – đẹp hơn.
Bên cạnh đó, khi Trái Đất đang dần nóng lên, tái chế rác thải sẽ giúp giảm thiểu tối đa hiệu ứng nhà kính. Rác thải nhựa được xử lý kịp thời sẽ tạo nên những khoảng đất trống thuận lợi cho việc cải tạo và trồng cây xanh, giúp cân bằng sinh thái và giữ sự trong lành cho không khí.
Minh Khuê