[In trang]
Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững
Thứ hai, 18/07/2016
Ngày 11 tháng 1 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 76/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quyết định khẳng định quan điểm về phát triển đất nước của Chính phủ, đó là đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả nhưng cũng góp phần bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo và tái cơ cấu nền kinh tế.

Ngày 11 tháng 1 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 76/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quyết định khẳng định quan điểm về phát triển đất nước của Chính phủ, đó là đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả nhưng cũng góp phần bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo và tái cơ cấu nền kinh tế.

Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững sẽ được thực hiện theo hướng tiếp cận vòng đời sản phẩm, đẩy mạnh liên kết trong các khâu của vòng đời sản phẩm, ứng dụng, đổi mới công nghệ, cải tiến thiết bị, quy trình quản lý nhằm sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu phát sinh chất thải và ô nhiễm môi trường; thay đổi hành vi người tiêu dùng trong quá trình mua sắm, sử dụng và thải bỏ sản phẩm.

Mục tiêu của việc ban hành Quyết định là từng bước thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên và năng lượng; tăng cường sử dụng các nguyên vật liệu, năng lượng tái tạo, sản phẩm thân thiện môi trường; giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải; duy trì tính bền vững của hệ sinh thái tại tất cả các khâu trong vòng đời sản phẩm từ khai thác, cung ứng nguyên liệu đến sản xuất chế biến, phân phối, tiêu dùng và thải bỏ sản phẩm.

Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, phấn đấu 60-70% tỷ lệ doanh nghiệp trong các ngành sử dụng nhiều năng lượng, có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, xây dựng và thực hiện lộ trình áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghiệp sạch; 50% các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; giảm đến khoảng 65% tỷ lê sử dụng bao bì khó phân hủy tại các siêu thị, trung tâm thương mại và đến khoảng 50% tại các chơ dân sinh, 90% phế liệu nhựa, giấy, dầu thải và sắt thép trong nước được tái chế; 85% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ; 75% chất thải rắn công nghiệp không nguy hại được thu hồi để tái sử dụng và tái chế và 50% chất thải rắn xây dựng phát sinh tại các đô thị được thu hồi để tái sử dụng hoặc tái chế.

Một số nhiệm vụ chủ yếu được xác định bao gồm:
  • Xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý và chính sách thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững
  • Thúc đẩy sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững
  • Xanh hóa hệ thống phân phối và phát triển chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường
  • Nâng cao khả năng tiếp cận thị trường và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam theo hướng bền vững
  • Thay đổi hành vi tiêu dùng, thực hiện lối sống bền vững
  • Thực hiện giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải
Bộ Công Thương là đơn vị chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành và địa phương thực hiện Chương trình này. Các nguồn vốn thực hiện Chương trình từ Ngân sách nhà nước, vốn viện trợ, tài trợ, các nguồn vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài và những nguồn vốn hợp pháp khác.

Chi tiết Quyết định 76/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, vui lòng download tại đây.
                 
 Văn phòng CPSI (viết)