Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua sản phẩm sử dụng bao bì thân thiện với môi trường của khách hàng tại Bình Dương
Thứ sáu, 30/06/2023
Bài viết "Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua sản phẩm sử dụng bao bì thân thiện với môi trường của khách hàng tại Bình Dương" do Nguyễn Hán Khanh - Nguyễn Thị Thanh Nhung (Khoa Kinh tế, Đại học Thủ Dầu Một) thực hiện.
TÓM TẮT:
Trong nghiên cứu này, các tác giả đã xác định được các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua sản phẩm sử dụng bao bì thân thiện với môi trường của khách hàng tại Bình Dương, gồm có: Yếu tố giá; Thái độ với môi trường; Nhận thức về môi trường; Chất lượng bao bì. Dựa trên kết quả này, tác giả đã đề xuất các giải pháp để khuyến khích người tiêu dùng mua và sử dụng sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường, những giải pháp này là nền tảng cho sản xuất và phát triển bền vững.
1. Đặt vấn đề
Theo các số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới, chỉ riêng trong năm 2018 ước tính Việt Nam đã thải ra trên 31 triệu tấn rác thải sinh hoạt và gần 5 triệu tấn rác thải nhựa (nhựa chiếm đến 64% tỷ lệ vật liệu dùng trong ngành bao gói và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên). Trong khi đó, chỉ khoảng 14% lượng rác thải nhựa được thu gom chủ yếu bởi những người nhặt rác, tái chế bởi các doanh nghiệp nhỏ. Hàng ngày, người dân đều sử dụng rất nhiều đồ nhựa, như: chai nhựa, cốc nhựa, thìa nhựa, bàn ghế nhựa, quạt nhựa, túi nhựa, ống hút, đồ chơi bằng nhựa,... các sản phẩm đó sau khi sử dụng bịvứt bỏ ra môi trường xung quanh và trở thành một loại rác thải rất đáng lo ngại, vì đây là những sản phẩm rất khó phân hủy và rất khó xử lý. Chính vì vậy, rác thải nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia đang phải đối mặt. Việc lạm dụng sản phẩm sử dụng bao bì nhựa, nhất là túi nilon khó phân hủy, bao bì sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường. Trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến năm 2015, số lượng tiêu thụ nhựa ở Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng, từ 3,8 kg/người/năm lên đến 41 kg/người/năm. Còn theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người của Việt Nam trong khoảng 20 năm qua đã tăng hơn 10 lần, từ 3,8 kg/năm/người năm 1990 lên mức 54 kg/năm/người vào năm 2018.
Trước vấn nạn ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa tăng cao, người tiêu dùng có xu hướng sử dụng bao bì thân thiện môi trường - bao bì xanh thay thế và hướng đến việc đảm bảo sức khỏe, cải thiện chất lượng môi trường sống. Bao bì thân thiện môi trường là xu hướng đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm hiện nay, việc sử dụng các loại bao bì thân thiện môi trường - bao bì xanh không chỉ góp phần vào việc giảm thiểu tác nhân gây ảnh hưởng xấu đến môi trường mà còn mang nhiều lợi ích thiết thực, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, phát triển bền vững,…
Từ sự cấp thiết của xu hướng tiêu dùng thân thiện và bảo vệ môi trường, sự cần thiết, khuyến khích phát huy các quyết định mua sản phẩm sử dụng bao bì thân thiện với môi trường của khách hàng, tác giả đã thực hiện nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua sản phẩm sử dụng bao bì thân thiện với môi trường của khách hàng ở Bình Dương.
2. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu
2.1. Cơ sở lý thuyết
Bao bì là một loại sản phẩm không thể thiếu trong công nghiệp, được dùng để bao gói và chứa đựng thành phẩm sản xuất nhằm mục đích bảo vệ giá trị sử dụng của hàng hóa. Bao bì giúp cho việc vận chuyển, xếp dỡ, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm dễ dàng và thuận lợi hơn, đồng thời cung cấp thông tin chi tiết về sản phẩm và quảng cáo sản phẩm. Vật liệu làm bao bì được chia thành 2 loại chính sau:
Các vật liệu cứng: thủy tinh, gốm, sứ, gỗ, bìa cứng, kim loại…
Các vật liệu mềm: giấy, nilon, màng vật liệu trùng hợp.
Bao bì thân thiện với môi trường có nghĩa là ít tác động tiêu cực đến môi trường, có khả năng cải thiện môi trường mà không làm thay đổi chất lượng phía trong của sản phẩm.
Sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường là sản phẩm mà bao bì của nó bao gồm đầy đủ các đặc điểm theo nguyên tắc 4R1D (Reduce - Reuse - Reclaim - Recycle - Degradable). Cụ thể:
Giảm thiểu (Reduce): Sử dụng bao bì thân thiện với môi trường làm giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường. Những bao bì được thiết kế sao cho mỏng, nhẹ, thậm chí có khả năng tái sử dụng nhiều lần.
Tái sử dụng (Reuse): Những bao bì cũ, sau khi được xử lý đơn giản có thể tái sử dụng mà vẫn giữ nguyên vẹn các đặc tính ban đầu. Việc có thể tái sử dụng các bao bì này làm giảm đáng kể khối lượng chất thải ra môi trường mỗi ngày.
Cải tạo (Reclaim): Thông qua việc tái chế chất thải bao bì, sản xuất các sản phẩm tái tạo (như sử dụng đốt nhiệt, ủ phân và các biện pháp khác) giúp cải thiện điều kiện đất đai và đạt được mục đích tái sử dụng.
Tái chế (Recycle): Sử dụng nguyên liệu thô, chi phí thấp, ô nhiễm thấp làm nguyên liệu đóng gói, đặc biệt là được lựa chọn làm bằng những vật liệu dễ tái chế, không chỉ giúp giảm ô nhiễm môi trường mà còn tiết kiệm nguyên liệu thô, thuận tiện để tái chế tài nguyên.
Phân hủy dễ dàng (Degradable): Bao bì thân thiện với môi trường được làm từ chất liệu dễ phân hủy, chất thải bao bì cuối cùng không thể tái sử dụng và không tạo thành chất thải vĩnh viễn.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp định tính: Trong thời gian nghiên cứu, tác giả phỏng vấn chuyên sâu ý kiến chuyên gia (là những người có kinh nghiệm từ 5 năm trở lên trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất và sử dụng bao bì thân thiện với môi trường), từ đó lập ra bảng câu hỏi để khảo sát các khách hàng ở Bình Dương về các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua sản phẩm sử dụng bao bì thân thiện với môi trường.
Phương pháp định lượng: Sau khi thu thập được các dữ liệu, tác giả sử dụng phần mềm thống kê Excel, SPSS 20.0, để hỗ trợ cho việc tính toán, phân tích, từ đó làm cơ sở xác định các yếu tố tác động đến quyết định mua sản phẩm sử dụng bao bì thân thiện với môi trường, phân tích, đánh giá và đề xuất các giải pháp cho nghiên cứu này.
2.3. Mô hình nghiên cứu
Dựa trên các nghiên cứu trong và ngoài nước trước đây, các tác giả xây dựng mô hình nghiên cứu gồm 6 nhân tố độc lập tác động đến quyết định mua sản phẩm sử dụng bao bì thân thiện với môi trường của khách hàng tại Bình Dương như trình bày tại Hình 1.
Hình 1: Mô hình nghiên cứu
3. Kết quả nghiên cứu
3.1. Độ tin cậy của các thang đo
Trong nghiên cứu này, các tác giả kiểm định độ tin cậy của các thang đo bằng hệ số Cronbach’s Alpha. Thang đo đạt độ tin cậy khi hệ số Cronbach’s Alpha lớn hơn 0,6 và hệ số tương quan biến tổng lớn hơn 0,3. Kết quả kiểm định độ tin cậy thang đo trước khi phân tích nhân tố khám phá thu được trong Bảng 1.
Bảng 1: Độ tin cậy thang đo
3.2. Phân tích nhân tố khám phá
Kết quả phân tích nhân tố khám phá thu được KMO = 0,914 (0,5 ≤ 0,914 ≤1 nên thỏa điều kiện) cho thấy phân tích nhân tố trong nghiên cứu này là phù hợp. Kết quả kiểm định Bartlett's: Có giá trị Sig. = 0,000 < 0,05. Vì vậy các biến quan sát có tương quan với nhau trong mỗi nhóm nhân tố. Tổng phương sai trích bằng 58,427% ≥ 50% đáp ứng tiêu chuẩn (58,427% thay đổi của các nhân tố được giải thích bởi các biến quan sát).
Bảng 2: Ma trận xoay
Nguồn: Kết quả tính toán của tác giả
Khi xây dựng mô hình nghiên cứu, tác giả đã phỏng vấn chuyên sâu ý kiến các chuyên gia và thiết lập bảng hỏi gồm 6 nhân tố độc lập (có tất cả 30 biến quan sát), sau khi khảo sát 272 khách hàng tại Bình Dương, kết quả phân tích nhân tố khám phá thu được 6 nhân tố (chỉ còn lại 26 biến quan sát) như trong Bảng 2, tất cả các biến quan sát đều có hệ số tải nhân tố lớn hơn 0,5.
Phân tích nhân tố phụ thuộc: Thước đo KMO = 0,733 (0,5 ≤ 0,733 ≤1; Sig. = 0,000 < 0,05) nên phân tích nhân tố là phù hợp với dữ liệu thực tế và các biến quan sát có tương quan với nhau trong mỗi nhóm nhân tố. Tổng phương sai trích bằng 56,309% ≥ 50% đáp ứng tiêu chuẩn. (Bảng 3)
Bảng 3: Độ tin cậy các nhân tố sau khi phân tích nhân tố khám phá
Kết quả Bảng 4 cho thấy R2 = 0,459, nghĩa là các biến độc lập trong nghiên cứu này đã giải thích được 45,9% sự thay đổi của biến phụ thuộc.
Bảng 5: Kết quả quy hồi
Phương trình hồi quy có dạng:
Y= 0,207X11 + 0,201X22 + 0,241X44 + 0,140X55
Trong đó: Y là biến phụ thuộc (quyết định mua sản phẩm sử dụng bao bì thân thiện với môi trường của khách hàng ở Bình Dương). Các nhân tố X11, X22, X44, X55 là các nhân tố độc lập theo thứ tự lần lượt là: Yếu tố giá; Thái độ với môi trường; Nhận thức về môi trường; Chất lượng bao bì. (Bảng 5)
Bao bì thân thiện với môi trường có chất lượng tốt không chỉ bảo vệ sản phẩm khỏi các tác động bên ngoài như va chạm vật lý, nước, bụi bẩn mà còn giúp tăng tính thẩm mỹ và giá trị thương hiệu của sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng. Ngoài ra, bao bì thân thiện với môi trường còn là một giải pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu sự lãng phí tài nguyên và các chất độc hại khi đóng gói sản phẩm nên rất cần thiết nêu cao nhận thức của người tiêu dùng về vấn đề sử dụng loại bao bì này để bảo vệ môi trường. Bao bì thân thiện với môi trường được sản xuất từ nguyên liệu tái chế, giúp giảm thiểu lượng rác thải và ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí cho việc sản xuất bao bì mới. Tuy nhiên, để tối đa hóa lợi ích của bao bì thân thiện với môi trường, các doanh nghiệp cần phải đảm bả quá trình sản xuất và sử dụng bao bì được thực hiện một cách khoa học thì mới có khả năng tái sử dụng.
4. Giải pháp
Nêu cao nhận thức và thái độ cho người dân
Để khuyến khích sử dụng bao bì thân thiện với môi trường, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người tiêu dùng về những ưu điểm và lợi ích của bao bì thân thiện với môi trường so với các loại bao bì truyền thống như túi nhựa, hộp giấy, chai nhựa. Thông tin có thể được cung cấp thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, website, các bài viết chia sẻ trên mạng xã hội, hoặc trực tiếp tại các cửa hàng bán lẻ. Bên cạnh đó, cần tạo các chương trình mang hiệu ứng lan tỏa cho toàn cộng đồng (tương tự như hưởng ứng Giờ Trái đất ngày 26/3 hàng năm).
Nêu cao nhận thức và thái độ cho người dân cần được lồng ghép với các hoạt động của các cấp cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức có ảnh hưởng đến người dân, ví dụ các ngân hàng tạo thẻ tín dụng xanh liên kết với thẻ tín dụng của khách hàng mua sắm sử dụng bao bì thân thiện với môi trường sẽ được tích điểm thưởng và sẽ có những phần quà hoặc chính sách ưu đãi đi kèm. Các doanh nghiệp có thể liên kết với các ngân hàng sản xuất các sản phẩm mẫu mã thân thiện đi kèm nếu khách hàng tới giao dịch, kèm theo đó là những thông điệp bằng thiệp hay in ấn trên sản phẩm để người tiêu dùng có thể nhìn thấy rõ công dụng của sản phẩm và hướng suy nghĩ tới việc tái sử dụng và sử dụng.
Với các cấp quản lý giáo dục ngay từ cấp nhỏ nhất là mầm non cũng cần phải hướng dẫn cho học sinh về ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường thông qua các hình ảnh, phóng sự, truyện ngắn để giáo dục cho các em. Các cấp tiểu học, THCS, THPT, cao đẳng và đại học cần đưa vào chương trình đào tạo nhiều hơn các nội dung về môi trường, cùng với các hoạt động thu gom tái chế và tạo ra các sản phẩm sử dụng hữu ích, từ đó nêu cao nhận thức và thái độ cho người dân về ý thức bảo vệ môi trường.
Giải pháp về giá thành
Hiện nay, nhiều nguyên liệu để sản xuất bao bì thân thiện với môi trường phải nhập khẩu từ các nước khác, điều này làm tăng chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm và ảnh hưởng đến sự tiếp cận của người tiêu dùng đến các sản phẩm này. Do đó, cần khuyến khích các doanh nghiệp trong nước chuyển đổi quy trình, công nghệ sản xuất, cũng như cách thức vận hành của các doanh nghiệp theo các mô hình hiện đại trên thế giới hiện nay.
Để làm được điều này, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay vốn, hỗ trợ lãi suất tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ của thế giới. Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ đối với những doanh nghiệp có hướng sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường như: giảm thuế, hỗ trợ nhập khẩu, bồi dưỡng cho đi tu nghiệp các khóa học về công nghệ sản xuất, khoa học,…
5. Kết luận
Tình trạng ô nhiễm môi trường xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ các loại bao bì sản phẩm sản xuất từ các túi nilon, nhựa và các chất khó phân hủy khác. Những năm gần đây tình trạng này rất đáng báo động, chính quyền các quốc gia đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sản xuất và tiêu dùng bền vững, giảm thiểu rác thải nhựa, đồng thời tổ chức thu gom, tái chế chất thải nhựa, túi nilon. Nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng trong việc đề xuất các giải pháp để khuyến khích người tiêu dùng mua và sử dụng sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường, làm nền tảng cho sản xuất và phát triển bền vững của các doanh nghiệp.
Bài viết "Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua sản phẩm sử dụng bao bì thân thiện với môi trường của khách hàng tại Bình Dương" do Nguyễn Hán Khanh - Nguyễn Thị Thanh Nhung (Khoa Kinh tế, Đại học Thủ Dầu Một) thực hiện.
Theo: Tạp chí Công Thương