[In trang]
Quảng Trị: Hiệu quả của nguồn vốn khuyến công
Thứ năm, 14/07/2016
Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, năm 2015, từ nguồn kinh phí khuyến công, Trung tâm khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Trị (Trung tâm) đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất mua sắm máy móc, thiết bị, đổi mới công nghệ, đào tạo nghề, nâng cao hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho lao động nông thôn.

Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, năm 2015, từ nguồn kinh phí khuyến công, Trung tâm khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Trị (Trung tâm) đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất mua sắm máy móc, thiết bị, đổi mới công nghệ, đào tạo nghề, nâng cao hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho lao động nông thôn.

Công ty cổ phần may và thương mại Gio Linh được thành lập từ tháng 2 năm 2014. Đơn vị đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng, mở cơ sở may với 10 dây chuyền, thu hút lao động trên địa bàn huyện Gio Linh, chủ yếu là phụ nữ. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, đơn vị gặp không ít khó khăn, nhất là phần lớn lao động có tay nghề còn thấp. Để hỗ trợ cho doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, năm 2015, Trung tâm đã thực hiện hỗ trợ 150 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công và mời những giáo viên có năng lực và kinh nghiệm giảng dạy.

Chính nhờ vậy, hiện nay hơn 200 lao động của Công ty đều nắm chắc kỹ thuật cắt, may, làm ra những sản phẩm có chất lượng, không chỉ góp phần tăng doanh thu cho đơn vị mà thu nhập của người lao động ngày càng tăng. Ông Hàn Như Nam, Giám đốc Công ty cổ phần may và thương mại Gio Linh nói với chúng tôi: Muốn sản phẩm đảm bảo chất lượng thì phải cần đội ngũ công nhân có tay nghề nhưng đơn vị không đủ sức để đào tạo, do đó sự hỗ trợ kịp thời của Trung tâm là việc làm rất thiết thực. Trong thời gian tới khi đầu tư xây dựng Nhà máy tại Khu công nghiệp Quán Ngang, chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ từ nguồn vốn khuyến công để có điều kiện thu hút thêm công nhân, giải quyết việc làm cho lao động ở vùng nông thôn.

Năm 2015, Trung tâm đã bám sát cơ sở, nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp để có các phương án hỗ trợ phù hợp. Do nguồn kinh phí hỗ trợ của cả Trung ương và địa phương còn hạn chế, chỉ hơn 1,7 tỷ đồng nên Trung tâm đã chọn hỗ trợ cho một số mô hình trình diễn như: Sản xuất ván ghép thanh, chế biến tinh dầu lạc, sản xuất các loại thiết bị phục vụ nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, đặc biệt đã hỗ trợ 319 triệu đồng cho Công ty TNHH MTV Hợp Quốc xây dựng mô hình sản xuất gạch không nung. Ông Nguyễn Văn Trình, Giám đốc Trung tâm cho biết: Nhận thấy đây là ngành sản xuất có công nghệ mới mang lại lợi ích tích cực, nhất là góp phần bảo vệ môi trường, Trung tâm đã phối hợp với doanh nghiệp lập đề án xây dựng mô hình trình diễn.

Quá trình thảo luận về quy mô, lựa chọn công nghệ sản xuất, Công ty này đã đầu tư một Nhà máy tại Khu công nghiệp Quán Ngang có công suất 30 triệu viên/năm, tổng vốn đầu tư gần 14 tỷ đồng. Với dây chuyền, thiết bị tự động hóa, sản phẩm gạch không nung của Công ty có chất lượng đạt tiêu chuẩn Việt Nam và đã được nhiều doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn đưa vào thi công các công trình dân dụng thay gạch đất sét nung. Thực tế cho thấy sản phẩm này không chỉ tận dụng được nhiều nguồn nguyên liệu sẵn có, tạo ra loại vật liệu xây dựng có khả năng cách âm, cách nhiệt, độ bền cao, thời gian thi công nhanh mà giá thành thấp, an toàn và thân thiện với môi trường, phù hợp với chủ trương của Chính phủ và của tỉnh Quảng Trị. Mới đây, Trung tâm đã tổ chức Hội nghị giới thiệu mô hình này và đã được các ngành chức năng đánh giá cao. Theo lãnh đạo Sở xây dựng thì việc hỗ trợ cho Công ty TNHH MTV Hợp Quốc xây dựng mô hình trình diễn gạch không nung là việc làm rất đúng hướng bởi vì theo quy định kể từ ngày 1/12/2013, các dự án đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước tại Thành phố Đông Hà phải sử dụng 50% vật liệu xây dựng không nung và sau năm 2015 tỷ lệ này là 100%.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Trị nhấn mạnh: Những năm qua, Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại Quảng Trị không chỉ hỗ trợ nguồn vốn mà còn cử cán bộ trực tiếp về nắm bắt nhu cầu của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, tư vấn, hướng dẫn triển khai nhiều dự án khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn như đào tạo nghề, truyền nghề, phát triển nghề, hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, đổi mới, ứng dụng máy móc thiết bị và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển các cụm, điểm công nghiệp, tham gia triển lãm để giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn ra cả nước và hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu đối với một số sản phẩm.

Các mô hình khuyến công có ý nghĩa rất lớn, vừa động viên các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa xây dựng mô hình mới để từ đó nhân rộng thành phong trào sản xuất có quy mô phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp của địa phương và thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội. Năm 2016 và những năm tới, bám sát Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Sở Công Thương sẽ chỉ đạo Trung tâm  thực hiện tốt quy chế quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công mà tỉnh đã ban hành vào cuối năm 2014 để triển khai các hoạt động khuyến công. Theo đó ưu tiên vốn để hỗ trợ, khuyến khích các đơn vị sản xuất các sản phẩm trong danh mục sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp trọng điểm của tỉnh được phê duyệt, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh được bình chọn, các sản phẩm đã có hợp đồng xuất khẩu hoặc sản xuất sản phẩm phục vụ xuất khẩu, sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên vật liệu tại chỗ, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghiệp cơ khí, hóa chất phục vụ nông nghiệp, nông thôn và áp dụng sản xuất sạch hơn trong các cơ sở sản xuất công nghiệp.