Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn
Thứ ba, 20/06/2023
Chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống sang mô hình kinh tế tuần hoàn là một cách tiếp cận hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đã được Chính phủ của nhiều quốc gia triển khai. Tại Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, cần hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật theo hướng đồng bộ để phát triển kinh tế tuần hoàn.
Chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống sang mô hình kinh tế tuần hoàn là một cách tiếp cận hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đã được Chính phủ của nhiều quốc gia triển khai. Tại Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, cần hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật theo hướng đồng bộ để phát triển kinh tế tuần hoàn.
Phân tích về những hạn chế của mô hình kinh tế truyền thống, PGS, TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, mô hình kinh tế truyền thống, còn gọi là mô hình kinh tế tuyến tính, bắt đầu từ khai thác tài nguyên đầu vào cho hệ thống kinh tế, sản xuất, phân phối, tiêu dùng và cuối cùng là thải loại. Ðây là quá trình biến tài nguyên thành chất thải, do đó tất yếu sẽ dẫn tới cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường.
Mô hình kinh tế tuần hoàn là một giải pháp thay thế bền vững cho mô hình kinh tế tuyến tính, bởi nó khắc phục những hạn chế và hệ quả của kinh tế tuyến tính, trong đó tác động tiêu cực đến môi trường, được xem là hậu quả nặng nề, lâu dài và khó khắc phục nhất.
Kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần giải quyết bài toán tài nguyên, nhân công, chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Về cơ bản, mô hình kinh tế tuần hoàn được thực hiện trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, cho nên chủ các doanh nghiệp đóng vai trò chính.
Ðặt trong bối cảnh mở cửa và hội nhập kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, nhất là thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm hàng hóa. Do vậy, việc thực hiện kinh tế tuần hoàn đối với các sản phẩm hàng hóa, nhất là hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường như: EU, Mỹ, Nhật, Australia… chính là đạt các tiêu chí môi trường và các tiêu chí khác.
Ô nhiễm nhựa là vấn đề toàn cầu, rác thải nhựa đang làm thay đổi môi trường sống và các quá trình tự nhiên, làm giảm khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế cũng như khả năng sản xuất và phúc lợi xã hội.
Theo thống kê của Hiệp hội nhựa Việt Nam, lượng chất thải nhựa và túi ni-lông ở Việt Nam chiếm khoảng 8% đến 12% chất thải rắn sinh hoạt, nhưng chỉ có khoảng 11% đến 12% số lượng chất thải nhựa, túi ni-lông được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường.
Ðề cập đến phát triển kinh tế tuần hoàn trong tái chế nhựa, Tiến sĩ Nguyễn Ðình Ðáp (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) chia sẻ: Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa theo thống kê tăng trung bình 20%/năm. Ðiều này cho thấy, tiềm năng phát triển ngành nhựa tái chế là rất lớn, đồng thời kinh doanh tái chế chất thải nhựa cũng mang lại nhiều lợi ích.
Chẳng hạn như tiết kiệm năng lượng cho sản xuất nhựa nguyên sinh, giúp tiết kiệm tài nguyên không thể tái tạo là dầu mỏ; giải quyết hàng loạt vấn đề môi trường như mất mỹ quan đô thị, tắc nghẽn cống rãnh, suy thoái đất... Tuy nhiên, số lượng các nhà máy xử lý rác thải nhựa của Việt Nam còn quá ít, dẫn đến sự lãng phí tài nguyên rác như hiện nay.
Với hơn 90 triệu dân, mỗi năm lượng rác thải lại gia tăng thêm 10%, tương đương hàng trăm nghìn tấn rác bị lãng phí. Nếu như số lượng rác được tái chế và tái sử dụng, Việt Nam có thể tiết kiệm được một lượng tài nguyên không nhỏ.
Tiến sĩ Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Ðịa lý nhân văn (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, để giảm rác thải nhựa, đồng thời hướng tới nền kinh tế tuần hoàn ngành nhựa, Việt Nam cần phải quản lý theo chuỗi giá trị của nhựa, bắt đầu từ khâu thiết kế sản xuất và kiểm soát nguyên liệu đầu vào; đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn sản xuất, thương mại và tiêu thụ; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, vật liệu đóng gói...
Theo các nhà khoa học Viện Ðịa lý nhân văn, đối với nước ta, cần xây dựng môi trường đầu tư xanh. Trong đó, cần phải có những nỗ lực từ các cơ quan Chính phủ, tổ chức, cá nhân ở trong nước nhằm hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật theo hướng đồng bộ để phát triển kinh tế tuần hoàn.
Trong ngắn hạn, Việt Nam cần tập trung đưa các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 vào cuộc sống, sớm xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện kinh tế tuần hoàn để lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên. Về dài hạn, hệ thống pháp luật có liên quan cần lồng ghép tư duy của kinh tế tuần hoàn để hoàn thiện các quy định khác có liên quan như pháp luật về đầu tư công để hướng đến thúc đẩy mua sắm công xanh; pháp luật về thuế, phí bảo vệ môi trường hướng đến điều chỉnh hành vi của người sản xuất, tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường; pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn để giao trách nhiệm rõ ràng cho các bộ, ngành trong việc phát triển các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với nguyên liệu, vật liệu thứ cấp; pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng để hướng đến bảo đảm "quyền được sửa chữa, cập nhật các sản phẩm, kéo dài vòng đời sản phẩm".
Hệ thống pháp luật cần phát huy vai trò kiến tạo của Chính phủ trong điều hành, hoạch định chính sách nhằm kích thích ngày càng nhiều các tổ chức, cá nhân đổi mới, sáng tạo, áp dụng các giải pháp kinh tế tuần hoàn vào trong quá trình thiết kế, sản xuất, phân phối, tiêu dùng và quản lý chất thải để tạo ra những vòng lặp tuần hoàn, kết nối một cách hệ thống để tạo dựng một xã hội tuần hoàn.
Theo: Nhân dân