“Xanh hóa” trong sản xuất công nghiệp - Bài 2: Đua với công nghiệp xanh
Thứ ba, 13/06/2023
Hạ tầng thiết yếu thuận lợi, nguồn lao động dồi dào là những “điểm 10” cho doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp xanh ở Huế. Tuy vậy, khi đi sâu tìm hiểu mới thấy nhiều DN còn những nỗi bận tâm.
Hạ tầng thiết yếu thuận lợi, nguồn lao động dồi dào là những “điểm 10” cho doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp xanh ở Huế. Tuy vậy, khi đi sâu tìm hiểu mới thấy nhiều DN còn những nỗi bận tâm.
Dây chuyền sản xuất lon hai mảnh ở công ty Baosteel Packing tại KCN Phú Bài
Còn những rào cản
Với tiềm năng và lợi thế, Thừa Thiên Huế được xem là địa phương được quy hoạch và có số lượng KCN đang hoạt động tương đối khá so mặt bằng chung của cả nước. Nhiều năm nay, tỉnh luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành ở khu vực miền Trung thu hút vốn FDI tốt nhờ các lợi thế về địa lý, hạ tầng, môi trường và định hướng phát triển công nghiệp xanh của địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 6.000 DN; trong đó có nhiều tập đoàn đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, như Pháp, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Đức...
Theo TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN, không phải bây giờ mà hơn thập niên về trước, tỉnh thu hút đầu tư có chọn lọc và các dự án đáp ứng tiêu chí sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Cùng với đó những năm qua, tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ DN để nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường; khuyến khích tạo điều kiện phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH).
Tuy nhiên số lượng DN quan tâm đầu tư tìm kiếm, đổi mới công nghệ còn ít; mô hình phát triển KTTH chưa nhiều; trình độ chuyên môn của đội ngũ công nhân trực tiếp sản xuất ở các DN còn thấp nên khó tạo dựng thương hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, nhất là đẩy mạnh xuất khẩu trong tiến trình hội nhập.
Cuộc khảo sát mới đây của chúng tôi cho thấy, các đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN, quan tâm đầu tư hạ tầng, cây xanh bảo đảm diện tích tối thiểu. Mở rộng và nâng cấp hệ thống xử lý nước thải theo nhu cầu của DN. Hàng năm, ban, ngành chức năng thực hiện giám sát thu gom, xử lý nước thải; đôn đốc, nhắc nhở đầu tư các hạng mục bảo vệ, phòng ngừa sự cố môi trường.
Đáng quan ngại, hiện với 6 KCN ở địa phương thì chỉ có KCN Phú Bài xây dựng Khu xử lý nước thải tập trung hoàn thiện với công suất 6.500m3/ngày đêm. Số còn lại hiện vẫn đang là một "bài toán".
Chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung hoàn thiện ở các KCN, thời gian qua làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư của địa phương, cũng như môi trường xung quanh vì quá trình hoạt động nhiều, DN, nhà máy đã tự ý xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến khu dân cư…
Trao đổi bên lề hội thảo "Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, chuyển giao và cải tiến công nghệ trên địa bàn tỉnh" tại TP. Huế vào dịp cuối tháng 5 vừa qua, một chuyên gia đến từ Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN chia sẻ, hiện nay nhiều tỉnh, thành lớn trong nước đang được chọn làm điểm mô hình KCN sinh thái theo khung quốc tế. Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển KCN sinh thái.
Chuyên gia này cho rằng, khi xây dựng mô hình KCN sinh thái sẽ tạo nhiều cơ hội mang lại hiệu quả kinh tế cho các DN tham gia. Trong đó, mỗi DN đã thể hiện vai trò cộng sinh công nghiệp, cùng nhau tối đa hóa việc bảo tồn tài nguyên, giảm phát thải, giúp hình thành các chuỗi cung ứng mang lại lợi ích lớn về kinh tế, môi trường, xã hội.
Cần pháp lý hoàn thiện
Nhiều chủ DN hoạt động tại các KCN ở địa phương cho rằng, một trong những mối lo của nhà đầu tư là chính sách thiếu ổn định, minh bạch. Họ lý giải, ngoài pháp luật ở Việt Nam còn có các thông tư, nghị định, nhưng các bộ, ngành liên quan chậm ban hành văn bản hướng dẫn, không có công cụ hỗ trợ trực tiếp dẫn đến khó khăn trong thực hiện.
Hơn nữa giữa các luật với nhau, giữa luật với nghị định vẫn còn những bất cập. Chẳng hạn về cơ chế khuyến khích tái sử dụng chất thải hiện chưa có hướng dẫn cho việc tái sử dụng chất thải, nhất là vấn đề tái sử dụng nước thải công nghiệp cho mục đích: tưới cây, sản xuất công nghiệp…
Bên cạnh đó là câu chuyện về phát triển năng lượng tái tạo, nhiều DN đang “bó tay” vì quy trình, thủ tục phức tạp.
Nhiều ý kiến nhận xét, Thừa Thiên Huế có lợi thế về điện mặt trời mái nhà, phần lớn các DN cũng vận dụng góp phần giảm chi phí sản xuất nhưng hiện đang gặp khó khăn trong phát triển nguồn năng lượng này. Cụ thể một số dự án năng lượng mặt trời mái nhà phải đảm bảo an toàn điện, an toàn công trình xây dựng, môi trường, phòng, chống cháy nổ theo quy định hiện hành… Mỗi nội dung là một bộ, ngành quản lý, thủ tục còn nhiêu khê và đây là trở ngại lớn, làm lỡ cơ hội cho các nhà đầu tư.
Bà Nguyễn Thị Sửu, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh mới đây khi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về năng lượng trên địa bàn tỉnh cũng xác định khó khăn, vướng mắc, bất cập về chính sách phát triển lĩnh vực này. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh hứa sẽ trao đổi, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành sửa đổi chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các dự án năng lượng hợp lý.
Phát triển công nghiệp xanh là xu hướng tất yếu trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia hội nhập. Để phát triển sản xuất xanh, ngoài nỗ lực của DN, cần các bên liên quan; trong đó Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ về chính sách, như: bổ sung các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh trong sản xuất công nghiệp để DN dễ thực hiện; hỗ trợ về vốn, thuế, đầu ra sản phẩm với DN tiên phong trong sản xuất xanh…
Theo: Báo Thừa Thiên Huế