“Xanh hóa” trong sản xuất công nghiệp - Bài 1: Tiên phong với sản xuất “xanh”
Thứ hai, 12/06/2023
Dù vẫn còn nhiều rào cản, nhưng hiện nay Thừa Thiên Huế đang nỗ lực hướng đến nền sản xuất nền công nghiệp xanh để phát triển bền vững.
Dù vẫn còn nhiều rào cản, nhưng hiện nay Thừa Thiên Huế đang nỗ lực hướng đến nền sản xuất nền công nghiệp xanh để phát triển bền vững.
Với tiêu chí cân bằng kinh tế - xã hội và môi trường mà Thừa Thiên Huế đặt ra, nhiều doanh nghiệp (DN) ở địa phương đã tiên phong đổi mới thiết bị công nghệ (ĐMCN), sản xuất xanh, thân thiện với môi trường. Điều này không chỉ giúp DN tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng ưu thế cạnh tranh mà còn tạo cho xã hội nhiều sản phẩm sạch.
Cán bộ công nhân lao động thường phối hợp sáng kiến làm sạch đẹp môi trường ở Phenikaa Huế
Những hình mẫu
Hơn một thập niên trở lại đây, tỉnh đã thu hút đầu tư có chọn lọc, khuyến khích và hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, tăng sức cạnh tranh và tạo nền tảng cho phát triển bền vững. Nhiều tập đoàn, DN trong, ngoài nước ngoài đã “đậu” tại các khu công nghiệp (KCN) Phong Điền, Phú Bài; khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (KKT CM-LC)… và tiên phong đổi mới, ứng dụng công nghệ để tiết kiệm năng lượng mang lại hiệu quả trong kinh doanh sản xuất (KDSX).
Ba năm nay, dù nghe nhiều nhưng mới đây ghé thăm Công ty TNHH MTV Đầu tư và Chế biến khoáng sản Phenikaa Huế (Phenikaa Huế) tại KCN Phong Điền thấy Phenikaa Huế đúng là điểm sáng trong việc ứng dụng KHCN vào sản xuất. Khi vào đây chúng tôi cứ ngỡ như vào công viên; sạch sẽ, thoáng mát, không ồn ào ngay từ lối vào dù những robot, dây chuyền băng tải liên tục ra vào "quặm" những khối hàng lớn.
Phenikaa Huế hiện là đơn vị thứ 5 trên thế giới, có dây chuyền áp dụng công nghệ Đức sản xuất đá Tobalit gốc thạch anh từ nguyên liệu cát ở huyện Phong Điền, công suất 72.000 tấn/năm, nhưng năm nào cũng vượt công suất. Sản phẩm của Phenikaa Huế cung cấp cho các nhà máy sản xuất đá nhân tạo gốc thạch anh của Tập đoàn Phenikaa và xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Pháp, Bỉ.
Ông Nguyễn Văn Được, Trưởng phòng Tổ chức hành chính, Phenikaa Huế cho biết, Phenikaa Huế đang hướng đến xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ cát để gia tăng giá trị cho vùng cát nguyên liệu, cùng với tỉnh hình thành KCN vật liệu xây dựng công nghệ cao. Với hướng đi này, Phenikaa Huế luôn chú trọng đầu tư ĐMCN, sản xuất xanh sạch theo kinh tế tuần hoàn vừa tăng công suất cho nhà máy vừa đảm bảo yếu tô thân thiện với môi trường. Mỗi tháng, đơn vị có hơn 150 đề tài, sáng kiến cải tiến được áp dụng, góp phần tăng năng suất, tiết kiệm chi phí sản xuất, nghiên cứu phát triển...
Ra đời ở KCN Phú Bài từ năm 2015, công ty Baosteel Packing chuyên sản xuất lon nhôm 2 mảnh đã có giải pháp đầu tư ĐMCN trên tất cả các khâu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu khách hàng. Trong khâu tổ chức sản xuất, công ty đã chọn dây chuyền sản xuất đồng bộ dựa trên công nghệ Mỹ và châu Âu. Với một dây chuyền nhưng đã giúp đa dạng hóa đặc tính sản phẩm, công suất đạt 1,2 tỷ lon/năm đáp ứng tốt cho khách hàng trong, ngoài nước.
Ông Lê Quý Huy, Giám đốc Kỹ thuật Công ty Baosteel Packing chia sẻ, DN đã có giải pháp hướng đến sản xuất sạch theo chủ trương của Thừa Thiên Huế và xu hướng chung của thế giới. Các thiết bị, công nghệ dây chuyền ít tiêu hao năng lượng. Bên cạnh đó, công ty khuyến khích người lao động đóng góp sáng kiến, cải tiến trong sản xuất…
Doanh nghiệp lớn, nhỏ đã đồng tâm
Không chỉ các DN lớn, có tiềm lực đầu tư ĐMCN, sản xuất xanh mà các DN nhỏ ở địa phương cũng không đứng ngoài cuộc.
Từ năm 2010, Thừa Thiên Huế đã triển khai chương trình sản xuất sạch hơn với nhiều giải pháp thiết thực; trong đó, có hỗ trợ tập huấn kiến thức, chi phí ĐMCN, kiểm toán năng lượng. Nhờ đó, nhiều DN trở thành bạn hàng với các thương hiệu đa quốc gia, tập đoàn kinh tế lớn.
Ông Nguyễn Tiến Hậu, Giám đốc Điều hành Công ty CP Dệt may Huế chia sẻ, trong xu thế hiện nay sản xuất xanh là yêu cầu bắt buộc để DN dệt may giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng hành yếu tố này mà nhiều năm nay, Công ty CP Dệt may Huế đã trở thành đối tác lớn có uy tín các bạn hàng ở châu Âu. Thời gian qua dù gặp nhiều khó khăn do áp lực lạm phát tại các thị trường xuất khẩu chủ lực gia tăng nhưng công ty CP Dệt may Huế luôn đạt và vượt doanh thu theo kế hoạch đề ra.
Đại diện lãnh đạo một đơn vị dệt may tại KCN Phú Đa cho rằng, sản xuất xanh là xu thế tất yếu hiện nay của thế giới. Để những đơn hàng nhập vào các bạn lớn cần đảm bảo các tiêu chuẩn về nhà máy xanh, môi trường làm việc cho người lao động không khói bụi, không chất thải độc hại. Chính vì thế, đơn vị luôn chú trọng đầu tư thiết bị hiện đại tiết kiệm năng lượng, nhiên, nguyên, phụ liệu, thân thiện môi trường vào quá trình sản xuất. Lãnh đạo này chia sẻ, ngoài tiêu chí xanh sạch đẹp cảnh quan, khâu xử lý chất thải, nước thải của đơn vị cũng đặt lên hàng đầu. Hiện tại trạm xử lý nước thải của đơn vị này 3 tháng/lần được tổ chức kiểm tra thông số để đảm bảo không xả các chất thải nguy hại ra môi trường…
Công ty CP Chế biến lâm sản xuất khẩu Pisico Huế ở KKT CM-LC tìm hướng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh bằng giải pháp ĐMCN, thân thiện môi trường. Theo ông Huỳnh Thặng, Giám đốc công ty, đơn vị chuyên sản xuất kinh doanh chế biến sản phẩm dăm gỗ thô xuất khẩu ra nước ngoài, nhưng trước đây thiết bị máy móc phụ trợ lạc hậu, làm mất nhiều thời gian, chi phí cho đơn vị.
Khắc phục những hạn chế trên, đơn vị đầu tư hai robot tự động bốc hàng với kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Thiết bị được thiết kế nhỏ gọn, với công suất cao gấp gần 10 lần so với sử dụng sức người, giảm hẳn khói bụi và tiếng ồn. Trước đây, khâu vận chuyển với thiết bị băng chuyền cũ để vận chuyển 300 tấn hàng/ngày cần hơn 30 lao động, nay có hai robot hỗ trợ chỉ cần 4 lao động điều khiển.
(Còn nữa)
Bài 2: Đua với công nghiệp xanh
- Theo: Báo Thừa Thiên Huế