Kinh nghiệm tái chế, cắt giảm rác thải nhựa của Unilever Việt Nam
Thứ tư, 05/07/2023
Unilever Việt Nam sử dụng nhựa tái sinh trong sản xuất bao bì, góp phần giảm nhựa nguyên sinh, bảo vệ mội trường.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó có đến gần 1 triệu tấn bị thải ra biển, nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng. Riêng ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, số lượng rác thải nhựa mỗi ngày đưa ra môi trường lên đến 80 tấn.
Tuy vậy, việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế.
Một nghiên cứu toàn cầu cũng đã chỉ ra rằng nếu chúng ta không có những hành động ngay lập tức và bền vững, rác thải nhựa vào đại dương có thể tăng gần gấp 3 lần vào năm 2040.
Từ những thực trạng trên, đã có nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó tái chế và cắt giảm là phương pháp bền vững mà Unilever Việt Nam lựa chọn, thông qua mô hình “Ít nhựa hơn, nhựa tốt hơn, không dùng nhựa”, hướng đến mục tiêu xây dựng một thế giới không rác thải.
Sản phẩm có bao bì nhựa tái sinh từ Unilever Việt Nam. Ảnh: Unilever Việt Nam
Thông qua mô hình này, Unilever đặt ra 2 mục tiêu cụ thể trong giai đoạn đến năm 2025: 100% bao bì của sản phẩm đều có thể tái sử dụng, tái chế hoặc dễ dàng phân hủy; và cắt giảm 50% lượng nhựa nguyên sinh trong sản xuất thông qua 2 hoạt động: giảm sử dụng nhựa nguyên sinh và tăng cường sử dụng nhựa tái chế.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Chủ tịch Unilever Việt Nam chia sẻ về mô hình Ít - Tốt - Không: “Đầu tiên, chúng tôi cần đảm bảo mọi thứ chúng tôi sản xuất đều có thể tái chế. Thứ hai, chúng tôi phải sử dụng tối đa vật liệu tái chế, chính bởi khi sử dụng vật liệu tái chế là chúng ta sẽ gia giảm sử dụng nhựa nguyên sinh”.
Nhờ vào công nghệ mới mà hiện nay 100% vỏ chai của các sản phẩm Sunlight, Comfort, Love Beauty & Planet đều được sản xuất từ nhựa tái sinh PCR; công nghệ nén và cô đặc sản phẩm giúp công ty cắt giảm đáng kể lượng nhựa sử dụng trong sản xuất bao bì. Công nghệ Smartsense, Unilever chuyển bao bì dầu gội dây CLEAR sang bao bì Mono PE thúc đẩy quá trình tái chế sau đó diễn ra dễ dàng hơn.
Ngoài ra, các nhãn hàng của Unilever như: Comfort, Sunlight, Tresemme, Love Beauty & Planet, Dove, Sunsilk... khuyến khích khách hàng nạp đầy sản phẩm vào chai rỗng cũ tại nhà. Bên cạnh đó, việc cho ra đời các sản phẩm có kết cấu đậm đặc hơn cũng giúp sử dụng “ít nhựa hơn” của Unilever.
Nạp đầy sản phẩm vào chai nhựa rỗng là hoạt động tái sử dụng nhựa và giảm nhựa trong sản xuất bao bì của Unilever
Để sử dụng “nhựa tốt hơn”, các nhãn hàng tại Unilever đang nghiên cứu và tiến hành đổi mới cấu trúc bao bì sản phẩm để có thể tái chế mà vẫn đảm bảo chất lượng bao bì. Đồng thời để “tiến tới không dùng nhựa”, Unilever đã mang đến những phát minh mới, như các sản phẩm bánh xà phòng, que khử mùi có thể thay lõi, bàn chải tre…
“Việc cấm nhựa không phải là giải pháp, mà cần xuất phát ở việc đảm bảo tất cả nhựa chỉ xuất hiện trong nền kinh tế tuần hoàn. Hiểu một cách đơn giản: chúng ta cần xem nhựa như một nguồn tài nguyên thay vì chất thải,” bà Vân nhận định. Do đó, Unilever đã hợp tác cùng bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa từ năm 2020.
Từ năm 2020 đến nay, Unilever Việt Nam đã có hơn 17.000 tấn rác thải nhựa đã được thu gom, xử lý và tái chế, đạt 77% bao bì có khả năng tái chế, cũng như giảm 55% nhựa nguyên sinh trong sản xuất bao bì nhờ vào cắt giảm trực tiếp và sử dụng nhựa tái sinh. |
Chủ tịch Unilever Việt Nam kỳ vọng hành động của các doanh nghiệp như Unilever sẽ trở nên có ý nghĩa và tạo ra cộng hưởng lớn hơn nếu cũng có các hành động tương tự của các doanh nghiệp trong nước. “Chúng tôi kêu gọi hành động từ các doanh nghiệp, tổ chức và cộng đồng để cùng chung tay với chúng tôi tạo ra sức mạnh tổng hòa nhằm nâng cao hơn nữa các tác động tích cực đến môi trường,” bà Vân nói.
Anh Thư