Đổi mới công nghệ, hướng tới phát triển xanh
Thứ hai, 05/06/2023
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm, đẩy mạnh đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ, nhất là các lĩnh vực mới phục vụ phát triển xanh, bền vững, thân thiện môi trường, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế tuần hoàn.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm, đẩy mạnh đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ, nhất là các lĩnh vực mới phục vụ phát triển xanh, bền vững, thân thiện môi trường, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế tuần hoàn.
Thăm trang trại bò sữa của Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH, nhiều người bị thu hút bởi mầu xanh ngát của những cánh đồng cỏ, ngô bạt ngàn, những chiếc xe chuyên dụng hiện đại trong nông nghiệp: máy cày, máy cắt cỏ, ép cỏ… Nhờ đưa những thành tựu khoa học 4.0 vào chăn nuôi bò sữa nói riêng và phát triển nông nghiệp sạch nói chung, Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH đã làm thay đổi vùng đất Nghĩa Đàn (Nghệ An).
Thăm trang trại bò sữa của Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH, nhiều người bị thu hút bởi mầu xanh ngát của những cánh đồng cỏ, ngô bạt ngàn, những chiếc xe chuyên dụng hiện đại trong nông nghiệp: máy cày, máy cắt cỏ, ép cỏ… Nhờ đưa những thành tựu khoa học 4.0 vào chăn nuôi bò sữa nói riêng và phát triển nông nghiệp sạch nói chung, Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH đã làm thay đổi vùng đất Nghĩa Đàn (Nghệ An).
Tại trang trại chăn nuôi bò sữa, hệ thống chuồng trại đều có kết cấu thép mạ hợp kim, có mái che, được trang bị hệ thống làm mát bằng phun nước và quạt khô, bảo đảm cho bò sữa luôn cảm thấy thoải mái nhất.
Được biết, Dự án "Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao" của Tập đoàn TH được triển khai từ tháng 10/2009 với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD. Tới nay, đã vận hành 9 trang trại với gần 70.000 con bò sữa.
Sau hơn 10 năm phát triển, Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH đã thiết lập những thành tựu trong ngành sữa, với cụm trang trại công nghệ cao khép kín.
Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH đã xây dựng chuỗi sản xuất khép kín từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch, kết hợp khoa học, công nghệ và khoa học quản trị trong vận hành. Cùng với đó là phương thức vận hành bài bản và phát triển bền vững, nghiên cứu các giải pháp sản xuất tuần hoàn, đóng góp một hình mẫu cho nền kinh tế tuần hoàn còn đang mới mẻ ở Việt Nam.
Giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH, ông Gilad Efrat, tự hào cho biết: Trang trại ứng dụng những công nghệ hàng đầu trong chăn nuôi bò sữa như: Hệ thống quản lý đàn Afifarm - Israel tiên tiến nhất thế giới; quy trình quản lý dịch bệnh và thú y của New Zealand; quy trình, thiết bị xử lý nước sạch của Hà Lan; quy trình, thiết bị xử lý nước thải và chất thải Nhật Bản, Israel, Hà Lan; hệ thống vắt sữa tự động khép kín. Mỗi con bò sữa còn được đeo chíp cảm biến ở chân để hằng ngày có thể kiểm tra các chỉ số sức khỏe tâm lý, thể chất của bò.
Khai thác tiềm năng nông nghiệp trên mảnh đất miền trung khắc nghiệt về thời tiết, khí hậu, nhưng Tập đoàn TH luôn ý thức được việc phát triển bền vững, cải tạo và giữ gìn môi trường. Thực tế, Tập đoàn TH đã tiên phong áp dụng các quy trình sản xuất tuần hoàn từ rất sớm.
Trong chuỗi sản xuất tuần hoàn, sản phẩm phụ và rác thải của quy trình này lại trở thành nguyên liệu đầu vào của một quy trình khác. Nhờ vậy, vòng đời của vật liệu được duy trì lâu nhất có thể trước khi thải ra môi trường, từ đó phát thải được giảm thiểu.
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chuỗi thực phẩm TH, ông Sudipta Kumar cho biết, phân bò được đưa vào hệ thống ép, tách phân. Sau khi được tách, đảo trộn ở nhiệt độ 65-70oC để diệt trừ vi khuẩn có hại, phân sẽ phối trộn với bã mía và một số men trong 45 ngày để cho ra thành phẩm phân hữu cơ.
Phân hữu cơ chủ yếu dùng để bón cho cỏ và cỏ làm thức ăn cho bò, một phần còn lại cung cấp ra thị trường. Đến năm 2020, Tập đoàn TH triển khai lắp đặt pin năng lượng mặt trời trên các mái chuồng trại và nhà máy, vừa sản xuất nguồn điện xanh, vừa góp phần hạn chế quá trình hấp thu nhiệt, từ đó giảm nhiệt cho chuồng nuôi.
Tập đoàn TH cũng đã triển khai nhiều hoạt động và giải pháp bảo vệ môi trường như: Sáng lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam; sáng lập Liên minh Doanh nghiệp vì môi trường Việt Nam (VB4E), thu gom pin tại văn phòng; bảo tồn đa dạng sinh học tại các trang trại, nhà máy; các chương trình "Không plastic trong văn phòng", "Tái chế để phát triển bền vững"… nhằm mục đích giảm thiểu rác thải nhựa gây hại cho môi trường.
Vận hành dây chuyền sản xuất giấy tại Công ty TNHH Miza Nghi Sơn.
Bảo vệ môi trường phải lấy bảo vệ sức khỏe của người dân làm mục tiêu hàng đầu, ưu tiên chủ động phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm. Đó là mục tiêu của Công ty TNHH Miza Nghi Sơn (Thanh Hóa), hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tái chế giấy. Hiện nay, Công ty TNHH Miza Nghi Sơn có hệ thống xử lý nước thải được đầu tư bài bản, quy mô lớn, tự động.
Được xây dựng trên diện tích rộng 6.000m2 với tổng tích là 12.000m3, hệ thống xử lý được 4.000m3 nước thải/ngày đêm, có thể đáp ứng được khi sản lượng tăng trên 120.000 tấn giấy/năm. Đặc biệt, công ty còn có thêm hệ thống xử lý khí với công nghệ tiên tiến nhất (tháp kỵ khí IC) giúp loại bỏ mầu, mùi và nhiều khí độc hại.
Việc đầu tư và vận hành thường xuyên những hệ thống xử lý chất thải, khí thải không chỉ góp phần giúp công ty bảo vệ môi trường chung quanh mà còn tiết kiệm nhiều chi phí, nhân lực, đồng thời tái sử dụng tối đa lượng nước thải. Bên cạnh đó, để cung cấp nhiệt cho quá trình sản xuất giấy, nhà máy đã đầu tư hệ thống lò hơi tầng sôi đa nhiên liệu kèm theo hệ thống xử lý khí thải bài bản, hiện đại, sử dụng nguồn nguyên liệu thân thiện với môi trường như: vỏ cây, mùn cưa, trấu...
Ông Lê Văn Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Miza Nghi Sơn cho biết, hệ thống xử lý khí thải lò hơi gồm: hệ thống Cyclone tổ hợp, sau đó được quạt thổi than hoạt tính vào dòng khí thải trước khi sang hệ thống lọc bụi túi vải. Sau khi qua hệ thống lọc bụi túi vải, khí thải được qua hệ thống đập bụi dạng ướt (Cyclone đơn), tại đây, nước vôi trong được phun vào để hấp thụ.
Khí thải sau khi qua hệ thống xử lý đạt theo tiêu chuẩn QCVN 30:2012/BTNMT được dẫn sang ống khói có chiều cao 30m. Hệ thống được kiểm soát bằng hệ thống quan trắc khí thải online, kết nối dữ liệu 24/24 giờ tới Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa.
Ông Lê Văn Hiệp cho biết thêm, không chỉ xây dựng một mô hình sản xuất, kinh doanh vì môi trường mà còn dựa vào môi trường, gắn kết chặt chẽ với môi trường. Chỉ khi bảo vệ, tái thiết môi trường thì kết quả nhận lại được mới văn minh, bền vững.
Nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển bền vững là vấn đề cấp bách của doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay. Để xanh hóa nền kinh tế, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là giải pháp trọng tâm, trong đó chú trọng công nghệ cao.
Tuy nhiên, thực tế, mức độ tuân thủ quy định môi trường của doanh nghiệp đang được cải thiện nhưng chưa cao, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang đối diện nhiều thách thức. Nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với phát triển xanh do phải đầu tư khá cao, thiếu hụt về chính sách phát triển doanh nghiệp xanh.
Do đó, cần có chính sách ưu đãi doanh nghiệp đầu tư theo hướng sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, ít tiêu hao năng lượng, tài nguyên, phát thải thấp, thân thiện với môi trường.
Hệ thống xử lý khí thải lò hơi gồm: hệ thống Cyclone tổ hợp, sau đó được quạt thổi than hoạt tính vào dòng khí thải trước khi sang hệ thống lọc bụi túi vải. Sau khi qua hệ thống lọc bụi túi vải, khí thải được qua hệ thống đập bụi dạng ướt (Cyclone đơn), tại đây, nước vôi trong được phun vào để hấp thụ. Ông Lê Văn Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Miza Nghi Sơn |
Theo Nhandan.vn