[In trang]
Cần có lộ trình và ưu tiên phát triển kinh tế tuần hoàn
Thứ tư, 24/05/2023
Theo TS. Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, những cơ sở pháp lý ban hành gần đây, nhất là Quyết định số 687/QĐ-TTg ban hành ngày 7/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam được kỳ vọng giúp đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam trong thời gian tới.
Theo TS. Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, những cơ sở pháp lý ban hành gần đây, nhất là Quyết định số 687/QĐ-TTg ban hành ngày 7/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam được kỳ vọng giúp đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, để phát triển kinh tế tuần hoàn, cần có lộ trình và ưu tiên dựa trên mức cầu thị trường, nhất là những phân khúc liên quan, nguồn lực xã hội, nhất là ngân sách nhà nước cũng như những thói quen, nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam trong bối cảnh nhiều yếu tố bất lợi mới, nhất là quốc tế.
TS. Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
Đối với Việt Nam, nhận thức về “kinh tế tuần hoàn” (KTTH) vẫn còn chưa đầy đủ, còn có những khác biệt, nhất là về vai trò và cách thức phát triển nền kinh tế này, trong khi chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, với hiệu quả sử dụng các nguồn lực. Ở góc độ nghiên cứu, ông có thể cho biết những kinh nghiệm mà các nước đi trước chúng ta đã thành công khi triển khai mô hình này?
TS. Lê Xuân Sang: Quan niệm, nội hàm về KTTH khá rộng và phong phú, nhất là khái niệm về nền kinh tế này có đến hàng trăm. Nội hàm đơn giản, song sâu sắc trong đầu tư, sản xuất, tiêu dùng và xả rác thải sản phẩm công nghiệp trong nền KTTH có thể nêu ngắn gọn như sau: Rác thải là tài nguyên đặt sai chỗ, nghĩa là nền kinh tế sẽ tăng hiệu quả, giảm rác thải khi rác thải không bị bỏ đi mà được dùng làm nguồn đầu vào sản xuất cho doanh nghiệp khác. Như vậy, KTTH không chỉ là hướng tới mục tiêu duy nhất là bảo vệ môi trường (BVMT) khỏi các tác động tiêu cực, mà mô hình này còn hướng tới nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực vốn khan hiếm, sản xuất ra các sản phẩm an toàn, thân thiện hơn với môi trường sống.
Có nhiều quốc gia thành công trong phát triển KTTH, nhưng tôi muốn nhắc đến 2 quốc gia đó là Trung Quốc và Nhật Bản. Trung Quốc là quốc gia có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, đã có những chính sách phát triển KTTH sớm và đã có thành tựu. Hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển KTTH hình thành tại Trung Quốc cách đây 20 năm. Năm 2005, nước này đã ban hành một số chỉ đạo về “thúc đẩy phát triển nền kinh tế tái sử dụng”, trong đó nhấn mạnh, Trung Quốc cần tăng cường sử dụng các sản phẩm được dán nhãn tiết kiệm nước, nhãn tiết kiệm và sử dụng năng lượng có hiệu quả, nhãn môi trường, nhãn thực phẩm xanh và thực phẩm hữu cơ xanh, giảm sử dụng các sản phẩm dùng nhiều bao bì và sản phẩm chỉ dùng 1 lần. Ngoài ra, tất cả các cơ quan chính phủ đều phải thực hiện mua sắm xanh. Năm 2009, nước này đã có luật thúc đẩy KTTH.
Nhật Bản là một trong những quốc gia chủ trương phát triển và xây dựng hệ thống cơ sở pháp lý hoàn thiện nhất dành cho KTTH. Quá trình phát triển KTTH của Nhật Bản bao gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu vào những năm 70 và 80 của thế kỷ 19, Nhật Bản đề xuất KTTH như một giải pháp để đối phó với khủng hoảng dầu mỏ. Giai đoạn thứ hai, chủ trương nâng cao các công nghệ khoa học tri thức nhằm tìm kiếm các nguyên liệu thay thế. Giai đoạn thứ 3, phát triển KTTH dựa trên hai trụ cột chính đó là hệ thống kinh tế và con người…
Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Đối với Việt Nam dù đang ở thời điểm đầu triển khai nhưng đã có nhiều doanh nghiệp tiên phong trong phát triển KTTH. Theo ông, hệ thống cơ sở pháp lý của chúng ta đã đủ mạnh để đẩy mạnh phát triển KTTH trong thời gian tới?
TS. Lê Xuân Sang: Nhìn chung, khung pháp lý và chính sách và nguồn lực tài chính Việt Nam đến nay vẫn dành chủ yếu và trực diện cho các chương trình dự án BVMT, tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu... Không có nhiều nguồn tài chính công trực tiếp cho phát triển KTTH. Hiện nay, cơ sở pháp lý để thực hiện mô hình KTTH là Luật BVMT năm 2020. Theo đó, tại Khoản 11 Điều 5 Luật BVMT 2020 quy định việc lồng ghép, thúc đẩy các mô hình KTTH, kinh tế xanh trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội để làm cơ sở thực hiện nhất quán nhà nước về BVMT. Điều 142 Luật BVMT cũng nêu rõ định nghĩa về KTTH; quy định tiêu chí, lộ trình, cơ chế khuyến khích thực hiện KTTH phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Gần đây (tháng 6/2022), Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 687/QĐ-TTg về Đề án Phát triển KTTH ở Việt Nam. Quyết định này được kỳ vọng giúp đẩy nhanh quá trình phát triển KTTH tại Việt Nam trong tương lai.
KTTH là một nền kinh tế hướng đến mục tiêu tối thiểu hóa tác động đến môi trường, tạo ra việc làm và tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, tuy nhiên, để có thể chuyển đổi sang nền KTTH yêu cầu cần phải có rất nhiều điều kiện, từ cơ sở pháp lý, nguồn lực, nhận thức của cộng đồng... Để phát triển KTTH hướng tới kinh tế xanh, chúng ta cần phải làm gì, thưa ông?
TS. Lê Xuân Sang: Tôi cho rằng, thời gian tới, KTTH có cả cơ hội phát triển, tuy nhiên, trong ngắn và trung hạn, thách thức là chủ yếu. Còn rất nhiều thách thức để thực hiện KTTH đến từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, ví như: tác động của đại dịch Covid-19, khủng hoảng địa chính trị; hệ thống kinh tế Việt Nam đang mang tính truyền thống, các mô hình sản xuất - kinh doanh theo nền KTTH chưa phổ biến; còn nhiều bất cập về cơ sở pháp lý, nguồn lực và nhân lực cho phát triển KTTH...
Do đó, để thúc đẩy phát triển KTTH, cần sớm hoàn thiện chính sách pháp luật đầy đủ, chi tiết. Chính phủ cần ban hành khung pháp lý đầy đủ, rõ ràng cho việc hình thành, phát triển các mô hình KTTH, đóng vai trò kiến tạo hiệu quả.
Ngoài ra, cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính cho KTTH. Chính phủ cần cân nhắc cách tiếp cận trong xây dựng chính sách thuế đối với KTTH trong 3 vòng đời sản phẩm theo khung của EU, tính đến đặc điểm, trình độ phát triển và các điều kiện nội tại của Việt Nam, xem xét cả cơ hội, thách thức và các nhân tố mới ảnh hưởng phát triển KTTH của Việt Nam.
Nhìn chung, các chính sách ưu đãi về thuế cho phát triển KTTH phải được nghiên cứu chuyên sâu để bổ sung và hoàn thiện, có cơ chế khuyến khích, cũng như chế tài thực hiện. Chính phủ tiếp tục thực hiện rà soát và sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách thuế, phí hiện hành (thuế BVMT, thuế tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, các loại phí về BVMT…) để khuyến khích phát triển KTTH.
Tôi cho rằng, việc thực hiện phát triển KTTH cần có lộ trình và ưu tiên trong phát triển dựa trên nhu cầu thị trường và đòi hỏi của xã hội Việt Nam. Do đó cần khuyến khích doanh nghiệp, người dân tham gia sâu hơn, tích cực hơn trong công tác hoạch định chiến lược sản xuất, kinh doanh một cách bền vững, ứng dụng các mô hình KTTH, sản xuất kinh doanh gắn liền với BVMT. Quy định chặt chẽ về trách nhiệm của doanh nghiệp và chế tài hữu hiệu đối với các hành vi vi phạm. Đồng thời, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức, hành vi để người dân thay đổi tư duy, hành vi về tiêu dùng theo hướng sử dụng các sản phẩm hàng hóa thân thiện với môi trường, các sản phẩm dán nhãn KTTH.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam