Doanh nghiệp tăng trưởng 40% nhờ chuyển sang sản xuất bền vững
Thứ ba, 25/04/2023
Một doanh nghiệp ở Long An cho biết, nhận thấy nhu cầu thị trường về dòng sản phẩm mới, doanh nghiệp đã phát triển 20 loại vải có nguồn gốc hữu cơ, sẵn sàng sản xuất khi khách hàng tăng nhu cầu. Với tín hiệu này, doanh nghiệp dự kiến tăng trưởng 35- 40% trong năm nay.
Một doanh nghiệp ở Long An cho biết, nhận thấy nhu cầu thị trường về dòng sản phẩm mới, doanh nghiệp đã phát triển 20 loại vải có nguồn gốc hữu cơ, sẵn sàng sản xuất khi khách hàng tăng nhu cầu. Với tín hiệu này, doanh nghiệp dự kiến tăng trưởng 35- 40% trong năm nay.
Chia sẻ về giá trị gia tăng của sản phẩm dệt may khi đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất bền vững, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (TPHCM) cho biết, sản phẩm dệt may truyền thống xuất sang thị trường châu Âu có giá khoảng 11 USD/cái, trong khi sản phẩm sử dụng nguyên liệu hữu cơ, hoặc nguyên liệu tái chế, đáp ứng tiêu chí sản xuất bền vững có thể bán được 23 USD/cái.
Tuy nhiên, để tăng được giá trị của sản phẩm như vậy, đòi hỏi doanh nghiệp phải minh bạch nguồn gốc chuỗi cung ứng, sẵn sàng cho các yêu cầu tra soát từ các nhãn hàng, đối tác.
Việt Thắng Jean đầu tư chuyển đổi “xanh hóa”, minh bạch nguồn gốc chuỗi cung ứng đã gia tăng giá trị sản phẩm từ 11 USD lên 23 USD/sản phẩm
Đơn hàng mới từ sản xuất bền vững
Việt Thắng Jean xuất khẩu vào châu Âu, Hoa Kỳ theo hình thức ODM và OBM. Theo đó, doanh nghiệp hoàn toàn chủ động các khâu từ nghiên cứu thị trường, thiết kế bộ sưu tập mang thương hiệu riêng của mình, phát triển và đặt mua nguyên phụ liệu sản xuất, hoàn thiện sản phẩm, đóng gói và thương mại hóa sản phẩm của mình.
Đây cũng là phương thức sản xuất mà ngành dệt may đặt ra trong chiến lược phát triển đến năm 2035, giá trị của ngành chủ yếu đóng góp từ xuất khẩu các sản phẩm thời trang mang thương hiệu Việt.
Hiện nay, châu Âu là thị trường đánh giá các tiêu chuẩn sản xuất xanh khắt khe nhất, từ nguyên liệu, công nghệ, lợi ích xã hội và khả năng tái chế theo tiêu chuẩn Ecotech mà thị trường này đặt ra.
Đây là điều kiện bắt buộc với sản phẩm dệt may vào thị trường này, may mắn là chính sách của châu Âu cho phép doanh nghiệp chuyển đổi theo lộ trình cam kết.
"Họ sẽ đánh giá và nếu mình đủ tiêu chuẩn thì sản phẩm được gắn thẻ xanh. Trong lộ trình chuyển đổi thì sản phẩm được gắn thẻ vàng, còn doanh nghiệp không đầu tư chuyển đổi thì các tổ chức đánh giá sẽ gắn thẻ đỏ và sản phẩm bị cấm nhập vào châu Âu", ông Phạm Văn Việt chia sẻ.
Hiện tỉ lệ sản phẩm đạt tiêu chuẩn Ecotech của Việt Thắng Jean đang chiếm 35% cơ cấu sản xuất của doanh nghiệp. Ông Việt cho biết, đây cũng là nhóm sản phẩm có thị trường ổn định nhất vì rất được người tiêu dùng EU đón nhận.
Cũng đón nhận cơ hội từ sản xuất bền vững, công ty TNHH Dệt may Trung Quy ở KCN Hải Sơn, Long An đã xuất hai container vải có nguồn gốc sợi hữu cơ cho đối tác Hoa Kỳ trong tháng 3/2023.
Ông Trần Văn Quy, Tổng giám đốc công ty cho biết, sản phẩm truyền thống chưa phục hồi đơn hàng song một số đối tác đặt đơn hàng mới cho loại vải có nguồn gốc hữu cơ, nguyên liệu tái chế.
Nhận thấy nhu cầu thị trường có tín hiệu tốt cho dòng sản phẩm mới, công ty đã phát triển 20 loại vải khác có nguồn gốc hữu cơ, sẵn sàng sản xuất khi khách hàng tăng nhu cầu.
"Với tín hiệu này, chúng tôi có thể tăng trưởng 35- 40% trong năm nay. Thuận lợi là nhà máy được đầu tư đồng bộ công nghệ tiên tiến của Đức nên có thể chuyển đổi 100% công suất, sản xuất khoảng 300 tấn vải hữu cơ một tháng theo yêu cầu của nhãn hàng", ông Trần Văn Quy chia sẻ.
Từ năm 2024, các yếu tố năng lượng sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu, môi trường sản xuất, khả năng tái chế sẽ được đưa vào báo cáo kiểm toán độc lập liên quan đến phát triển xanh của dệt may Việt Nam
Nỗ lực đáp ứng tiêu chí 20% năng lượng xanh
Chuyển đổi sản xuất xanh không chỉ là xu hướng mà dần dần sẽ trở thành điều kiện bắt buộc của nhiều thị trường.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, doanh nghiệp đang chuyển đổi sang sử dụng năng lượng từ hệ thống năng lượng mặt trời áp mái để thực hiện cam kết của Chính phủ đến năm 2050 không sử dụng năng lượng hóa thạch.
Ngoài ra, May 10 cũng đang trong lộ trình tăng tỉ trọng nguyên liệu tái chế, nguyên liệu hữu cơ theo yêu cầu của khách hàng. Đồng thời, liên tục cải thiện môi trường làm việc tốt hơn cho người lao động, đảm bảo tuân thủ quy tắc của Tổ chức lao động quốc tế cũng như tiêu chuẩn sản xuất bền vững từ các nhãn hàng.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay, trong 5 năm trở lại đây, Tập đoàn đã sản xuất nhiều loại sợi từ nguồn nguyên liệu tái chế, hoặc nguyên liệu hữu cơ.
Một số đơn vị thuộc Vinatex gia tăng tỉ lệ sản phẩm có sợi tái chế, sợi hữu cơ lên đến 35% trong cơ cấu tổng sản lượng. Ngoài ra, toàn bộ các nhà máy sản xuất nguyên liệu của Vinatex đã đầu tư hệ thống điện mặt trời nhằm đáp ứng 20% năng lượng sử dụng trong các nhà máy là năng lượng xanh. Đây là tiêu chuẩn mới của nhiều thị trường nhập khẩu.
"Chúng ta phải bám chặt những yêu cầu đặt ra của chuỗi cung ứng để chuẩn bị sản xuất, chuẩn bị năng lượng, chuẩn bị nguyên liệu sẵn sàng đáp ứng đòi hỏi của nhãn hàng, đối tác. Đến năm 2024, những yêu cầu này được đưa vào báo cáo kiểm toán độc lập liên quan đến phát triển xanh", Chủ tịch Vinatex chia sẻ.
Linh hoạt cơ cấu mặt hàng
Trong khi đó, từ kinh nghiệm của hai năm vừa qua, nhất là tình hình Quý I/2023, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đánh giá cao sự nhạy bén của cộng đồng doanh nghiệp trong việc đa dạng thị trường.
Nhiều năm qua, các doanh nghiệp chủ yếu tập trung cho thị trường Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản thì gần đây chúng ta mở rộng vào Trung Đông, châu Phi, Canada, Australia và các nước thuộc cộng đồng SNG.
Bên cạnh vấn đề đa dạng thị trường, đầu tư chuyển đổi phát triển xanh và bền vững, Vitas cũng khuyến cáo các doanh nghiệp tiếp tục linh hoạt đa dạng mặt hàng sản xuất.
Trước đây, khi các thị trường chủ lực có sức mua ổn định, các doanh nghiệp có thể tổ chức nhà máy theo hướng chuyên môn hóa, chỉ sản xuất một dòng sản phẩm. Nhưng mô hình này không hiệu quả trong bối cảnh hiện nay, thậm chí trở thành thách thức với doanh nghiệp khi sức mua sụt giảm thời gian dài.
Ông Vũ Đức Giang cho rằng, mô hình hiệu quả hiện nay là tổ chức linh hoạt, với cơ cấu sản xuất từ 4-5 mặt hàng trong một nhà máy. "Bố trí như vậy thì doanh nghiệp giảm sự bị động, các mặt hàng hỗ trợ cho nhau để ổn định sản xuất", ông Giang nhận định.
Ngoài ra, trong tầm nhìn chiến lược của ngành cũng đặt ra các giải pháp với quản trị số, chuyển đổi công nghệ sản xuất, đặc biệt là đầu tư công nghệ tự động hóa ở những máy chuyên dùng cho may, song song với đào tạo nguồn nhân lực vận hành máy móc hiệu quả. Những giải pháp này sẽ là điểm cộng cho doanh nghiệp trong mắt các nhãn hàng và đối tác khi đàm phán đơn hàng mới.
Nguồn: Báo Chính Phủ