[In trang]
Chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn: Nhu cầu cấp thiết để bảo vệ môi trường
Thứ hai, 24/04/2023
Kinh tế tuần hoàn là mô hình thay đổi thiết kế sản xuất để làm sao có thể tăng cơ hội tái sử dụng, tái chế nhằm tiết kiệm tài nguyên, hạn chế rác thải.
Kinh tế tuần hoàn là mô hình thay đổi thiết kế sản xuất để làm sao có thể tăng cơ hội tái sử dụng, tái chế nhằm tiết kiệm tài nguyên, hạn chế rác thải. Hiện nay việc chuyển đổi sang mô hình này trong mọi hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trở nên cấp bách trước các vấn đề như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên; và người tiêu dùng cũng đang ngày càng quan tâm hơn đến môi trường.
Ông Binu Jacob, tổng giám đốc Nestlé Việt Nam, chia sẻ những trải nghiệm khi đến thăm các điểm chôn lấp rác thải chưa qua xử lý.
Chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn: Không thể chần chừ
Chia sẻ tại Hội nghị Phát triển Bền vững 2023 do Forbes Việt Nam tổ chức, quy tụ khoảng 400 đại diện từ các doanh nghiệp cùng các chuyên gia, ông Binu Jacob - tổng giám đốc Nestlé Việt Nam - thẳng thắn nhìn nhận hoạt động của con người và phát triển kinh tế trong những năm qua gây ra sự mất cân bằng tự nhiên, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường.
Ông dẫn chứng về chuyến thăm mới đây đến các điểm chôn lấp rác tại một số tỉnh phía Bắc để trực tiếp thấy việc chôn lấp rác thải (nhựa, hữu cơ…) chưa qua xử lý tác động tiêu cực ra sao đối với môi trường. Những "ngọn núi" rác thải tạo nên những hệ lụy vô cùng lớn đối với môi trường. 
"Mẹ thiên nhiên không được sinh ra để giải quyết các vấn đề này. Chính con người chúng ta đã làm gián đoạn các chu trình tự nhiên" - ông Binu Jacob chia sẻ.
Tại hội nghị, câu chuyện tìm giải pháp cho việc hài hòa hai mục tiêu: hiệu quả kinh doanh và phát triển bền vững được đưa ra thảo luận. 
Theo một khảo sát, các lãnh đạo toàn cầu của doanh nghiệp nằm trong danh sách Fortune 500 đưa ra quan điểm rằng họ nhận thức được trách nhiệm và vai trò của mình trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu hiện nay.
Mặc dù vậy, trách nhiệm đối với chính các cổ đông, nhà đầu tư là một áp lực lớn khi phần lớn cho rằng chi phí dành cho phát triển bền vững sẽ rất tốn kém. Điều này ảnh hưởng đến lợi nhuận và khó được sự đồng thuận từ cổ đông trong việc chi trả chi phí này. 
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng lo ngại người tiêu dùng trên thực tế không quan tâm đến vấn đề này.
Tuy nhiên, ông Binu Jacob cho rằng doanh nghiệp nên tiên phong chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn để đảm bảo phát triển bền vững, tạo giá trị và lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, đặc biệt góp phần bảo vệ tài nguyên và môi trường cũng như đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng và tuân thủ các quy định.
Vị CEO này đã trích dẫn khảo sát của Công ty tư vấn Bain về Quản trị môi trường, xã hội và doanh nghiệp khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2022 cho thấy người tiêu dùng ở các nước đang phát triển, như Việt Nam, Philippines, Indonesia, quan tâm về môi trường và xã hội nhiều hơn so với các nước phát triển như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc. 
Đáng chú ý, khảo sát cũng cho thấy người tiêu dùng tại Việt Nam đứng đầu danh sách về mong muốn doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt quá trình chuyển đổi để phát triển bền vững. Trong khi đó, ở các nước như Malaysia, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, người tiêu dùng kỳ vọng chính phủ giữ vai trò này. 
Kết quả khảo sát dựa trên ý kiến của gần 17.000 người tại 11 quốc gia.
Những doanh nghiệp chấp nhận thách thức để đi đầu
Để chuyển đổi thành công từ kinh tế tuyến tính (sử dụng tài nguyên để sản xuất nguyên liệu và sản phẩm phục vụ tiêu dùng, sau đó thải rác ra môi trường) sang kinh tế tuần hoàn cần đảm bảo 3 nguyên tắc, gồm loại bỏ rác thải và ô nhiễm, tăng vòng đời sản phẩm và nguyên vật liệu, tái tạo các hệ sinh thái tự nhiên.
Đồng thời, mô hình này cần được doanh nghiệp áp dụng trong 5 giai đoạn: cải tiến thiết kế sản phẩm nhằm tăng khả năng tái chế và tái sử dụng; quá trình sản xuất hạn chế/không tạo ra rác thải; tiêu dùng có trách nhiệm; quản lý rác thải; và biến chất thải thành nguồn nguyên liệu giá trị thông qua việc tái sử dụng và tái chế. 
Trong đó, khâu thiết kế đóng vai trò quan trọng vì có thể giúp giảm chất thải ngay từ lúc sản phẩm chưa đến tay người tiêu dùng.
Trên thực tế, tại Việt Nam, đã có những doanh nghiệp đi đầu trong việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn và bắt đầu hành trình này từ nhiều năm qua. Trong đó, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn đã giúp tất cả các nhà máy của Nestlé Việt Nam đạt mục tiêu "Không chất thải chôn lấp ra môi trường" từ năm 2015, thông qua hoạt động thu gom, phân loại, tái chế và tái sử dụng chất thải.
Hiện 100% bã cà phê sau sản xuất của Nestlé Việt Nam được tái sử dụng làm nguyên liệu sinh khối, giúp giảm tiêu thụ khí đốt và giảm thải khí CO2. Bùn thải không nguy hại từ hoạt động sản xuất sau khi được xử lý cũng dùng để sản xuất phân bón. Cát thải lấy từ lò hơi được cung cấp cho nhà sản xuất gạch không nung tại địa phương, phục vụ cho các công trình xây dựng.
Cát thải lấy từ lò hơi trong sản xuất cà phê của Nestlé Việt Nam được dùng để tạo ra gạch không nung phục vụ cho các công trình xây dựng - ông Binu Jacob chia sẻ.
Doanh nghiệp này còn đi đầu trong việc sử dụng các nguyên liệu thân thiện môi trường mặc dù người đi đầu thường đối mặt với không ít thách thức. Đơn cử việc Nestlé chuyển đổi từ ống hút nhựa sang ống hút giấy đối với sản phẩm của công ty không hề dễ dàng khi khiến chi phí giá thành đội lên gấp 3 lần. 
"Chúng tôi quyết định đầu tư vào nó vì chúng tôi tin rằng đây là việc làm đúng đắn. Nếu chỉ tập trung vào kết quả lợi ích trước mắt thì khó đi xa, nhưng muốn vươn cao và vươn xa thì phát triển bền vững là con đường duy nhất" - ông Binu Jacob khẳng định.
Với mục tiêu không có bao bì nào của Nestlé, kể cả bao bì nhựa, bị chôn lấp hoặc trở thành rác thải, hiện các cải tiến thiết kế nhằm loại bỏ những phần bao bì không cần thiết, giảm sử dụng nhựa nguyên sinh, thay thế bằng nguyên liệu thân thiện môi trường đã giúp Nestlé Việt Nam giảm gần 2.500 tấn bao bì nhựa trong 2 năm (2021 - 2022). 
Đến nay, khoảng 94% bao bì sản phẩm của công ty được thiết kế có thể tái chế và tái sử dụng.
Tuy nhiên, nỗ lực của một số ít doanh nghiệp là chưa đủ. Hành trình bước đi trên con đường phát triển bền vững cần sự chung tay mạnh mẽ từ chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong đó, các doanh nghiệp cần có sự hợp tác chặt chẽ.
Hiện Nestlé đang hợp tác với Công ty nhựa tái chế Duy Tân sử dụng nguyên liệu nhựa tái chế từ trong nước. Những chai nhựa thu gom sau khi sử dụng sẽ được tái chế, đưa vào vòng sản xuất lại để được "tái sinh".
Nestlé Việt Nam và La Vie - hai thành viên của Tập đoàn Nestlé tại Việt Nam còn là thành viên sáng lập của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) - nơi quy tụ những công ty hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bao bì nhằm giúp quá trình thu gom và tái chế bao bì thực hiện theo cách dễ tiếp cận, bền vững hơn.
Tại hội nghị Phát triển Bền vững 2023, các doanh nghiệp và chuyên gia thảo luận về các chủ đề thời sự như giảm phát thải CO2, xử lý rác thải, chống biến đổi khí hậu, nền kinh tế tuần hoàn... 
Các diễn giả cũng chia sẻ kinh nghiệm thực hành giúp doanh nghiệp chuyển dịch mô hình hoạt động trong lúc vẫn duy trì tăng trưởng, để thúc đẩy phát triển kinh doanh bền vững.
Theo: Tuổi trẻ