[In trang]
Ngành xi măng chuyển dịch mô hình sang "kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh"
Thứ năm, 13/07/2023
Việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn không những giúp các doanh nghiệp xi măng đảm bảo chất lượng sản phẩm mà còn tiết kiệm chi phí, giảm phát thải CO2.
Là ngành sử dụng tài nguyên thiên nhiên của đất nước, xi măng đang nỗ lực thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đi đầu là Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM). Cụ thể, tại Đề án Tái cơ cấu trong giai đoạn 2019 – 2025, lãnh đạo VICEM đã định hướng, sử dụng, xử lý chất thải làm nguyên, nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng là những nội dung trọng điểm và đặt mục tiêu tái sử dụng triệt để rác thải sẽ tăng dần theo từng năm (năm 2019 là hơn 26.000 tấn rác, năm 2020 là hơn 120.000 tấn rác, năm 2021 là hơn 200.000 tấn rác). Việc xử lý an toàn khối lượng lớn chất thải, bao gồm cả chất thải nguy hại, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, duy trì tăng trưởng sản phẩm cho xã hội, đồng thời đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế tuần hoàn… Góp sức vào việc thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0”.
Với khát vọng biến ngành xi măng thành ngành có thể xử lý các vấn đề môi trường cho đất nước, VICEM đang tiếp tục đẩy mạnh việc xử lý rác thải, bùn thải thay thế nguyên liệu, nhiên liệu trong sản xuất với mục mục tiêu thay thế 25 - 30% nhiệt lượng; 40 - 50% sét trong giai đoạn tới. Đồng thời, ứng dụng các thuật toán trong lĩnh vực điện toán để thiết lập hệ điều khiển thông minh đáp ứng việc luân chuyển tuần hoàn khí, sử dụng nguyên nhiên liệu thay thế, xử lý rác thải, nâng cao hiệu suất sử dụng và phát điện. 
Kinh tế tuần hoàn sẽ giúp các doanh nghiệp xi măng giảm phát thải C02, tiết kiệm kiệm chi phí, phát triển bền vững
Những năm qua, VICEM tích cực chỉ đạo các đơn vị thành viên, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đầu tư chiều sâu, tăng cường sử dụng tro, xỉ, thạch cao nhân tạo và các chất thải làm nguyên, nhiên liệu thay thế, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong sản xuất clinker, xi măng.
Là doanh nghiệp tiên phong, VICEM Bút Sơn đã sử dụng chất thải rắn công nghiệp thông thường (phế thải giày da, may mặc, nylon, nhựa, cao su, mùn cưa…) làm nhiên liệu thay thế. Hoạt động này giúp giảm thiểu không nhỏ lượng rác thải trong quá trình sản xuất, với khối lượng xử lý rác thải công nghiệp thông thường lên đến 8.000 tấn/ tháng, xử lý rác thải nguy hại gần 1.500 tấn/tháng, xử lý bùn thải khoảng 4.500 tấn/tháng.
Từ quá trình xử lý, chất thải đốt cháy đã tạo thành nguồn nhiệt sử dụng trực tiếp, thay thế cho nhiên liệu than cám truyền thống vốn là nguồn nguyên liệu đốt chính. Ngoài ra, sử dụng bùn thải, tro xỉ sau khi cháy kết tinh thay thế cho đất sét trong sản xuất clinker, làm phụ gia xi măng, cũng góp phần  giảm tối đa việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu chi phí đầu vào cho hoạt động thu mua nguyên liệu và nâng cao hiệu quả hoạt động trong sản xuất kinh doanh của công ty.
VICEM Bút Sơn có khả năng xử lý chất thải quy mô lớn nhờ áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất công nghiệp. (Ảnh: Congnghiepmoitruong.vn)
Theo đại diện doanh nghiệp, "Chương trình này là điển hình của việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất công nghiệp mang lại hiệu quả kép cả về kinh tế - xã hội và môi trường. Chỉ riêng trong năm 2021, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của Covid -19, VICEM Bút Sơn đã xử lý gần 92.500 tấn rác thải và 52.800 tấn bùn thải, mang lại hiệu quả kinh tế hơn 60 tỷ đồng cho công ty" 
“Trong những năm tiếp theo, Công ty sẽ tiếp tục mở rộng nghiên cứu, thử nghiệm một số thành tựu khoa học mới về vật liệu xây dựng carbon thấp, xi măng thân thiện với môi trường, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, tham gia vào quá trình chuyển đổi xây dựng không carbon”. Đại diện công ty cho biết thêm.
Hay tại VICEM Hạ Long đã áp dụng đa dạng các giải pháp tận dụng chất thải để làm nguyên liệu đầu vào. Cụ thể, từ năm 2015, VICEM Hạ Long đã tập trung nghiên cứu sử dụng tro bay, tro xỉ nhiệt điện, tro xỉ thép làm phụ gia sản xuất xi măng. 
Bên cạnh đó, từ cuối năm 2020, VICEM Hạ Long đã đưa vào sản xuất thử nghiệm bùn thải từ các Khu Công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh để thay thế một phần đất sét. Được biết, năm 2022, đơn vị đã đưa vào sử dụng 20.000 tấn bùn thải, khoảng 8.000 tấn rác thải các loại của các Khu Công nghiệp để thay thế cho đất sét và 5 - 10% lượng than cám (tương đương khoảng 6.000 tấn than cám).
Dây chuyền xử lý rác thải thay thế cho đất sét và than cám trong sản xuất clinker tại Công ty CP Xi măng Vicem Hạ Long (Ảnh: Công thông tin Quảng Ninh)
Với hiệu quả nhờ tận dụng tối đa các nguyên liệu thay thế, VICEM Hạ Long đặt mục tiêu trong năm 2023 nâng tỷ lệ đốt rác thải tạo nhiệt trong sản xuất lên khoảng 10 - 20%. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Xi măng Hạ Long dự kiến đầu tư thêm khoảng 20 - 30 tỷ đồng đầu tư dây chuyền, hạ tầng thu gom, xử lý rác thải theo những công nghệ mới nhất.
Từ sự thay đổi trên của các doanh nghiệp, có thể thấy việc phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn đang là hướng đi đúng đắn cho các công ty, doanh nghiệp sản xuất Việt Nam trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế năng động 4.0. Để có được những giải pháp, cách làm hiệu quả, bên cạnh sự thay đổi của doanh nghiệp, Nhà nước cũng có những quy định, hướng dẫn cụ thể và cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chuyển đổi, xây dựng nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. 
Mục tiêu đến năm 2025, VICEM đặt tỷ lệ sử dụng clinker trong sản xuất xi măng trung bình toàn VICEM tối đa ở mức 65%; phụ gia cho xi măng sử dụng tối thiểu 35%... Đến năm 2030, sử dụng tối thiểu 30% tro bay nhiệt điện hoặc chất thải công nghiệp khác làm nguyên, nhiên liệu thay thế trong sản xuất clinker và làm phụ gia trong sản xuất xi măng tại những dây chuyền có lợi thế. Sử dụng nhiên liệu thay thế lên đến 15% tổng nhiệt năng dùng để sản xuất clinker xi măng. Mở rộng quy mô công suất các dây chuyền, đổi mới công nghệ, cải tạo chiều sâu tăng năng lực sản xuất đến năm 2025 công suất sản xuất clinker trên 23 triệu tấn/năm, xi măng trên 35 triệu tấn/năm giữ vững thị phần là nhà sản xuất xi măng lớn nhất nước.
Mai Anh