Kinh nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn từ Nhật Bản
Thứ ba, 04/04/2023
Nhận thấy lợi ích lâu dài của kinh tế tuần hoàn (KTTH) nên nhiều nước trên thế giới, trong đó có Nhật Bản đã chuyển đổi nền kinh tế của mình từ nền kinh tế tuyến tính sang nền KTTH, từ kinh tế nâu sang kinh tế xanh nhằm phát triển bền vững đất nước.
Nhận thấy lợi ích lâu dài của kinh tế tuần hoàn (KTTH) nên nhiều nước trên thế giới, trong đó có Nhật Bản đã chuyển đổi nền kinh tế của mình từ nền kinh tế tuyến tính sang nền KTTH, từ kinh tế nâu sang kinh tế xanh nhằm phát triển bền vững đất nước.
Nhật Bản có cách tiếp cận, quyết định thực hiện KTTH từ năm 1991 với mục tiêu trở thành một “xã hội dựa trên tái chế” thông qua việc ban hành và triển khai nhiều văn bản pháp luật liên quan.
Theo đó, hàng loạt các chính sách đã được nước này ban hành như: Đạo luật cơ bản xây dựng xã hội dựa trên tái chế có hiệu lực từ năm 2002; Luật Tái chế thiết bị ban hành năm 2001; Chiến lược năng lượng sinh khối ban hành năm 2003; Kế hoạch hành động cho một xã hội các-bon thấp ban hành năm 2008.
Bên cạnh KTTH, tăng trưởng xanh (TTX) cũng là một nội dung rất quan trọng được Chính phủ Nhật Bản đưa ra trong Chiến lược tăng trưởng mới ban hành vào năm 2009. Chiến lược này phác thảo một mô hình tăng trưởng dựa trên nhu cầu trong nước, đổi mới và hội nhập.
Nhật Bản triển khai “đổi mới xanh” - đổi mới trong lĩnh vực môi trường và năng lượng để đạt được một xã hội các-bon thấp.
Chiến lược có tính đến những thách thức của BĐKH và tình trạng dân số già của Nhật Bản với các mục tiêu chính về tăng trưởng xanh được đề cập trong Chiến lược, bao gồm: Thúc đẩy “đổi mới xanh”, tức là đổi mới trong lĩnh vực môi trường và năng lượng để đạt được một xã hội các-bon thấp; Xanh hóa hệ thống thuế là một trong những công cụ sẽ được sử dụng để thúc đẩy đổi mới xanh.
Trong triển khai thực hiện KTTH và TTX, Chính phủ Nhật Bản đã áp dụng một số biện pháp cụ thể như sau:
Một là, thực hiện sản xuất sạch hơn: Theo nguyên tắc “3R” (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế) của nền kinh tế tuần hoàn là tiết kiệm tài nguyên.
Hai là, làm rõ trách nhiệm của nhà sản xuất: Luật cơ bản xây dựng xã hội dựa trên tái chế của Nhật Bản chỉ rõ doanh nghiệp phải thực hiện hoạt động tái chế và tái sử dụng nguyên vật liệu và sản phẩm cũ trong phạm vi chịu trách nhiệm của mình.
Ba là, kiến tạo những khu công nghiệp sinh thái: Việc liên kết các quy trình sản xuất và chia sẻ tài nguyên giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp sinh thái có thể gia tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực, giảm bớt lượng chất thải và thực hiện tái chế tối đa nguyên vật liệu sử dụng trong sản xuất.
Bốn là, xây dựng hệ thống thu gom sản phẩm tái chế tiện dụng: Tại Nhật Bản hệ thống thu gom các thiết bị cũ để tái chế rất toàn diện và dễ sử dụng cho nên phần lớn người tiêu dùng Nhật Bản thường xuyên áp dụng. Các thiết bị cũ được các nhà bán lẻ thu nhận lại tại cửa hàng hoặc khi cung cấp thiết bị mới.
Năm là, người tiêu dùng trả phí trước: Đối với một số sản phẩm gia dụng như thiết bị điện tử, chi phí vận chuyển và thu hồi sản phẩm cũ đã được người tiêu dùng thanh toán tại thời điểm mua hàng. Thêm vào đó là mức xử phạt rất cao nếu người dân không tuân thủ các quy định về xả rác, thu gom và xử lý sản phẩm cũ.
Sáu là, cơ sở hạ tầng tái chế là đồng sở hữu: Luật pháp quy định rõ các doanh nghiệp sản xuất lớn đồng thời phải đầu tư xây dựng các nhà máy tái chế, đảm bảo cho các doanh nghiệp có thể được hưởng lợi trực tiếp từ việc thu hồi các nguyên liệu hay các bộ phận trong các sản phẩm cũ, đồng thời doanh nghiệp hiểu rõ những khó khăn khi phải tái chế các sản phẩm. Do đó, doanh nghiệp có ý thức về tài chế ngay từ khâu thiết kế sản phẩm, đến sản xuất, phân phối và thu hồi sản phẩm sau sử dụng.
Để thực hiện mô hình TTX, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành nhiều chính sách đồng bộ gồm: Đầu tư xanh; Nghiên cứu và triển khai công nghệ xanh; Trợ cấp và ưu đãi thuế cho việc mua bán công nghệ xanh, sản phẩm xanh; Tuyên truyền, đào tạo nhân lực, hợp tác quốc tế, đặc biệt là áp dụng hệ thống thuế xanh - một trong các công cụ quan trọng được sử dụng để thúc đẩy các sáng kiến xanh.
Đáng chú ý, Chính phủ cũng đã xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế biển. Đầu thế kỷ XXI, trước thực tế các hoạt động của con người có tác động to lớn đối với môi trường biển và tài nguyên đại dương, tạo ra các thách thức với nhân loại, Nhật Bản đã ban hành sách trắng về đại dương và chính sách đại dương đầu tiên vào năm 2004.
Theo đó, nước này đã xác định phát triển bền vững và quản lý đại dương toàn diện. Sách trắng về đại dương và chính sách đại dương của Nhật Bản năm 2021 đã tập trung vào những chủ đề liên quan đến Thập kỷ khoa học biển vì sự phát triển bền vững và đặc biệt là chủ đề “hồi phục xanh” sau đại dịch COVID-19.
Tựu chung, kinh nghiệm phát triển nền KTTH từ Nhật Bản cho thấy, cần xây dựng và ban hành hệ thống chính sách, pháp luật bao gồm cả quy định về giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải, công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường và khung thể chế quy định rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện các chương trình, sáng kiến ứng dụng mô hình KTTH.
Bên cạnh việc xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách hỗ trợ và khung thể chế, cần có các giải pháp đồng bộ gồm truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ của người dân, doanh nghiệp hướng đến tiêu dùng, sản xuất xanh bền vững, và xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể thực hiện mô hình KTTH…
Theo: Tạp chí tài chính