Mô hình kinh tế tuần hoàn của nông dân Hậu Giang
Thứ sáu, 30/06/2023
Thay vì loay hoay giữa việc lựa chọn trồng cây gì, nuôi con gì, nhiều nông dân tại Hậu Giang đã kết hợp vừa trồng trọt và chăn nuôi để tận dụng nguồn phụ phẩm, chất thải thay vì tiêu tốn chi phí xử lý, hạn chế tối đa chất thải ra môi trường. Đây là mô hình kinh tế tuần hoàn đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Thay vì loay hoay giữa việc lựa chọn trồng cây gì, nuôi con gì, nhiều nông dân tại Hậu Giang đã kết hợp vừa trồng trọt và chăn nuôi để tận dụng nguồn phụ phẩm, chất thải thay vì tiêu tốn chi phí xử lý, hạn chế tối đa chất thải ra môi trường. Đây là mô hình kinh tế tuần hoàn đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật cho 16 hộ nông dân trong tỉnh thực hiện mô hình chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Tùy theo điều kiện, mỗi gia đình có thể chọn chuỗi tuần hoàn khác nhau nhưng phải khép kín. Đây là cơ hội giúp các hộ nông dân tiếp cận với mô hình chăn nuôi, canh tác mới hứa hẹn đem đến những hiệu quả vượt bậc.
Là một trong số những hộ nông dân triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn từ rất sớm, gia đình ông Lương Hùng Khanh, ở xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A đã lựa chọn chuỗi tuần hoàn gồm bò, cá thát lát và trùn quá để phát triển kinh tế. Theo đó, ông tận dụng chất thải của bò để làm thức ăn cho trùn quế. Sau hơn 2 tháng nuôi, ông thu hoạch trùn quế làm thức ăn cho cá thát lát. Phân trùn quế bón cho cỏ nuôi bò, trong mô hình này không có phụ phẩm nào bỏ đi.
Mô hình kinh tế tuần hoàn của anh Huỳnh Văn Tấn, ở xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang (Ảnh: Báo Hậu Giang)
Hay như anh Huỳnh Văn Tấn, ở xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy cũng áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với ốc bươu đen, dê, sầu riêng và mít. Mô hình của anh gồm 10 công sầu riêng và mít xen kẽ nhau, lấy ngắn nuôi dài. Dê hiện tại có 10 con cái và 1 con dê đực. Còn ốc bươu đen thì nuôi chủ yếu là cung cấp ốc giống cho các hộ có nhu cầu. Phân dê sẽ đưa vào bồn ủ lại làm phân hữu cơ bón cho sầu riêng và mít. Còn nước thải của dê sẽ đưa xuống ao nuôi bèo cám làm thức ăn cho ốc bươu đen.
Đây là hai trong số nhiều hộ nông dân tại Hậu Giang đã lựa chọn kinh tế tuần để làm mô hình phát triển. Hiệu quả rõ rệt nhất có thể nhận thấy từ mô hình này là tận dụng được phụ phẩm của cây trồng, vật nuôi này để làm đầu vào cho cây trồng, vật nuôi khác, giúp giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận. Còn về lâu dài, mô hình này cũng giúp giảm nhẹ chi phí đầu tư cho các hộ nông dân cũng như giảm ô nhiễm môi trường đáng kể.
Từ thành công tại các mô hình kinh tế tuần hoàn đã triển khai, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang sẽ tăng cường hướng dẫn, khuyến khích nông dân chuyển đổi sản xuất theo hướng tuần hoàn.
“Kinh tế tuần hoàn hướng đi đúng đắn nhằm hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững, quan trọng là giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng, thay vì tiêu tốn chi phí xử lý, giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên, hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường, đặc biệt là tăng thêm hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị đất canh tác…”, ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cho biết.
Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang sẽ hỗ trợ 2 hộ trong Đề án phát triển nông nghiệp bền vững và khoảng 10 hộ làm kinh tế tuần hoàn. |
Minh Khuê