[In trang]
Ngành may mặc chọn năng lượng điện mặt trời để đáp ứng “xanh hóa”
Thứ hai, 27/02/2023
Trong bối cảnh thực hiện mục tiêu giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu, ngành may mặc buộc chuyển đổi kết hợp dùng năng lượng xanh để đáp ứng quy trình về “xanh hóa”.
Trong bối cảnh thực hiện mục tiêu giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu, ngành may mặc buộc chuyển đổi kết hợp dùng năng lượng xanh để đáp ứng quy trình về “xanh hóa”.
Hệ thống điện mặt trời áp mái do công ty GreenYellow đầu tư tại Công ty CP Woodsland Việt Nam. 
Xu thế toàn cầu
Năng lượng mặt trời đã được phát triển trong một thập kỷ qua, nhưng việc sử dụng nguồn năng lượng xanh vào các doanh nghiệp sản xuất còn hạn chế vì phần lớn chưa hiểu rõ những lợi ích mà nó mang lại. Chia sẻ về thông tin này với Diễn đàn doanh nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất May mặc cho biết, hiện nay, riêng với chương trình “xanh hoá”, một mặt doanh nghiệp luôn luôn phải tiến đến những xu thế của thế giới.
Mặt khác, doanh nghiệp cũng bị áp lực bởi chính những khách hàng nhập khẩu, khi họ yêu cầu những tiêu chuẩn về nhà máy xanh, môi trường làm việc cho người lao động, giảm khí thải ô nhiễm, giảm chất thải độc hại…Đặc biệt yêu cầu càng ngày càng khắt khe với các doanh nghiệp muốn tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường lớn.
Đơn cử như mới đây, do tác động lớn của môi trường và khí hậu của ngành dệt may, luật pháp sắp tới của EU và khách hàng đưa ra những yêu cầu chặt chẽ đối với các công ty dệt may và thời trang Đan Mạch, đòi hòi phải thay đổi cả mô hình kinh doanh và sản xuất. Các doanh nghiệp trong ngành thời trang và dệt may Đan Mạch đang hướng tới các giải pháp xanh tương lai, thúc đẩy đầu tư nghiên cứu xanh trong thiết kế thời trang và dệt may. Do đó để đáp ứng các yêu cầu sắp tới của quy định về thiết kế sinh thái của EU, Đan Mạch đang tiến hành thúc đẩy nghiên cứu xanh trong thời trang và dệt may, thực hiện hợp tác toàn ngành từ chính trị đến các quỹ nghiên cứu, ngành công nghiệp dệt may để có thể đạt được mục tiêu trở thành quốc gia đầu trong lĩnh vực xanh.
Nỗ lực xanh hóa
Đối với Việt Nam, khi được hỏi về các điều kiện hội nhập và thực hiện trách nhiệm xã hội, trong đó có điều kiện về sử dụng năng lượng sạch đối với ngành may mặc, đại diện Công ty cổ phần Phong Phú cho biết, việc sử dụng năng lượng mặt trời giúp tận dụng tối đa tài nguyên bức xạ mặt trời, góp phần giảm tải cho hệ thống lưới điện trong giờ cao điểm buổi trưa và bảo vệ môi trường. Khi sử dụng điện mặt trời, doanh nghiệp giảm được chi phí tiền điện hàng tháng, từ đó góp phần giảm chi phí sản xuất.
Với ngành dệt may thuộc nhóm sản phẩm bắt buộc phải tuân thủ các tiêu chuẩn xanh hóa hiện nay với 75 - 96 tiêu chí đánh giá. Hơn 10 năm trước, hàng loạt quy trình đã được doanh nghiệp thay đổi, từ việc quản lý chặt chẽ tiêu thụ năng lượng điện, nước, khí thải, nước thải, xây dựng kế hoạch giảm tiêu hao năng lượng, hóa chất từng tháng đến thay thế dần các thiết bị cũ, tạo môi trường làm việc cho người lao động tốt hơn. 
Để xây dựng vị thế có tính bền vững cho ngành dệt may Việt Nam, phải triển khai các giải pháp tuân thủ trong từng doanh nghiệp về vấn đề năng lượng sạch.
Ông Thân Đức Việt- Tổng giám đốc, Tổng Công ty May 10 (TCT May 10) cho biết, một vấn đề khó khăn của đa số doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn trên thế giới đã tiếp nhận những yêu cầu “xanh hóa” trong sản xuất, như thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm phát thải… Đây cũng là những tiêu chí để đánh giá năng lực cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế, nhưng cũng lại là rào cản lớn nhất hiện nay với các doanh nghiệp vì phải dành khoản đầu tư lớn cho máy móc, công nghệ và hạ tầng cũng như cho nguồn năng lượng mới.
Trong thời gian qua, bên cạnh việc đầu tư trang thiết bị, máy móc, dây chuyền công nghệ hiện đại để phục vụ cho sản xuất, TCT May 10 còn đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng năng lượng tái tạo sau khi nhận thấy tiềm năng và những lợi ích to lớn của điện mặt trời. Do đó, lãnh đạo Tổng Công ty May 10 đã quyết định hợp tác cùng chủ đầu tư GreenYellow Việt Nam để triển khai dự án điện mặt trời, địa điểm đầu tiên triển khai là nhà xưởng xuất khẩu may Bỉm Sơn - Thanh Hóa.
Tổng Công ty May 10 hợp tác cùng đơn vị đầu tư GreenYellow Việt Nam để triển khai dự án điện mặt trời mái nhà tại nhà May 10 Thanh Hóa.
Với việc triển khai dự án điện năng lượng mặt trời khởi đầu kết hợp với nhiều hoạt động xanh đã được triển khai, May 10 mong muốn xây dựng chuỗi “nhà máy xanh” chuẩn của May 10, thực hiện những cam kết với Chính phủ Việt Nam về bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu sử dụng năng lượng hóa thạch như than đá… giảm khí thải cacbon và phát triển bền vững.
Toàn bộ hệ thống nhà máy của May 10 về xuất khẩu đều đảm bảo được yêu cầu của khách hàng về “xanh hóa sản xuất”. Tuy nhiên, với một số chứng chỉ và tiêu chuẩn mới, May 10 cũng đang xây dựng lộ trình "xanh hóa" theo chiến lược đề ra. Ngoài câu chuyện nhà máy xanh, một yếu tố nữa phải nói đến là nguyên liệu xanh. Hiện nay, rất nhiều khách hàng yêu cầu May 10 phải sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, nguyên liệu tái chế để không khai thác nhiều nguồn tài nguyên và sau khi sử dụng xong chỉ 5-10 năm tự phân huỷ. Đó chính là mục tiêu May 10 đang tập trung triển khai.
Đưa ra quan điểm về xanh hóa trong ngành may mặc, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng; “để xây dựng vị thế có tính bền vững cho ngành dệt may Việt Nam, phải triển khai các giải pháp tuân thủ trong từng doanh nghiệp về vấn đề năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng nguồn nước, đảm bảo vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tuy nhiên các doanh nghiệp đề xuất để thúc đẩy mô hình điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo, Nhà nước nên có cơ chế hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp sử dụng điện tái tạo nhằm tạo động lực chuyển đổi mạnh hơn nữa mô hình này ở doanh nghiệp.
Trong đó cần hoàn thiện các cơ chế chính sách, có những giải pháp đột phá trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để hợp tác phát triển và thực hiện các dự án về chuyển đổi năng lượng. Đồng thời, cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp hiểu được những cơ hội, lợi ích lâu dài từ việc tham gia các sáng kiến toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính cũng như những thách thức trong ngắn hạn về chuyển đổi năng lượng, chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo…
Hiện nay các nhãn hàng đánh giá sự phát triển bền vững trên cơ sở mức độ tuân thủ của doanh nghiệp về môi trường, xã hội, trách nhiệm đối với người lao động, người tiêu dùng toàn cầu. Trong các FTA thế hệ mới cũng đều có cam kết về bảo vệ môi trường và phát thải thấp. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để doanh nghiệp hướng đến đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm khi xuất khẩu, tăng uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng.
Theo: Diễn đàn Doanh nghiệp