[In trang]
Nghiên cứu hiện trạng thu gom, tái chế, môi trường một số làng nghề tái chế chất thải điện tử ở Việt Nam và đề xuất các giải pháp xử lý, tái chế chất thải
Thứ bảy, 15/07/2023
Bài viết nghiên cứu hiện trạng thu gom, tái chế và môi trường tại một số làng nghề tái chế chất thải điện tử ở Việt Nam. Qua đó, đề xuất một số giải pháp về quản lý, chính sách và nâng cao nhận thức người dân nhằm phát triển bền vững hoạt động tái chế và bảo vệ môi trường làng nghề.
TÓM TẮT:
Bài viết nghiên cứu hiện trạng thu gom, tái chế và môi trường tại một số làng nghề tái chế chất thải điện tử ở Việt Nam. Kết quả điều tra cho thấy, chất thải điện tử được các hộ gia đình thu gom nhỏ lẻ từ khắp cả nước, được tháo dỡ hoàn toàn thủ công. Các linh kiện sau khi tháo dỡ được phân loại, đóng gói đem đi đúc lại hoặc bán lại. Các vật liệu không có giá trị sử dụng được đổ thải bừa bãi khắp làng nghề, tình trạng đốt rác diễn ra tràn lan. Để khắc phục tình trạng này, tác giả đã đề xuất một số giải pháp về quản lý, chính sách và nâng cao nhận thức người dân nhằm phát triển bền vững hoạt động tái chế và bảo vệ môi trường làng nghề.
Từ khóa: chất thải điện tử, Làng nghề, tái chế, môi trường.
Ảnh minh họa: vietnamplus.vn/
1. Đặt vấn đề                                                            
Tái chế chất thải là quá trình sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật để thu hồi các thành phần có giá trị trong chất thải [1]. Sản phẩm từ hoạt động tái chế chính là thành phần có giá trị thu hồi được từ quá trình tái chế. Sản phẩm từ hoạt động tái chế có thể ở dạng bán thành phẩm (là nguyên liệu đầu vào cho một ngành công nghiệp khác như: Sản phẩm chì từ hoạt động tái chế ắc quy chì; Sản phẩm hạt nhựa tái chế từ bao bì nhựa; Sản phẩm bột giấy từ quá trình tái chế giấy, kim loại quý hiếm từ quá trình tái chế chất thải điện tử…) hoặc ở dạng thành phẩm (là sản phẩm có thể đưa vào sử dụng ngay như: Giấy từ hoạt động tái chế giấy phế liệu, thép từ hoạt động tái chế thép phế liệu, vật liệu xây dựng không nung từ tro xỉ, dầu từ hoạt động tái chế dầu thải…).
Theo báo cáo về chất thải điện tử của Liên hợp quốc năm 2020, tại Việt Nam lượng chất thải điện tử phát sinh năm 2019 khoảng 257.000 tấn, tỷ lệ chất thải phát sinh trên đầu người 2.7 kg/người. Chỉ khoảng 17% lượng chất thải này được thu gom và xử lý đúng cách, lượng chất thải điện tử còn lại không được quản lý đúng cách đang gây những hệ lụy lớn về môi trường và sức khỏe con người. [2]
Theo kết quả nghiên cứu của Nguyễn Đức Quảng, năm 2014, Việt Nam có khoảng 400 nhà sản xuất điện tử, trong đó có 25% là nhà sản xuất sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chiếm 90% tổng số vốn. Các nhà sản xuất này chủ yếu sản xuất/lắp ráp các thiết bị gia dụng (hơn 80%) và thiết bị điện tử để xuất khẩu. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử lớn chỉ thực hiện các hoạt động sản xuất và lắp ráp đơn giản, trong đó các nhà sản xuất sản phẩm sử dụng linh kiện nhập hoàn toàn (CKD) chiếm hơn 80%. Lượng phát thải tivi ở Việt Nam vào năm 2025 có thể lên tới 250.000 tấn, lượng chất thải điện tử ở Việt Nam mỗi năm tăng khoảng 100.000 tấn, chủ yếu phát sinh từ hộ gia đình (đồ gia dụng điện tử), văn phòng (máy tính, máy photocopy, máy fax...), các bộ sản phẩm điện tử lỗi [3]. Ngoài ra, với sự phát triển mạnh của các nhà máy sản xuất điện mặt trời thì trong tương lai gần, rất nhiều tấm pin năng lượng mặt trời của các nhà máy hết hạn sử dụng hoặc hỏng sẽ phải thải bỏ và đây cũng là một lượng chất thải điện tử rất lớn cần có phương án xử lý, tái chế ngay từ bây giờ [4].
Hiện nay, Việt Nam chưa có ngành tái chế chất thải điện tử thực thụ, hầu hết là các cơ sở tái chế nhỏ tại các làng nghề. Việc tái chế chất thải tại các làng nghề đã và đang gây ra những vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hơn nữa, hầu hết các hộ tái chế đều không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại để được xử lý, tái chế các loại chất thải này theo đúng quy định. Ðây là vấn đề lớn của Việt Nam, bởi chất thải điện tử đang gia tăng nhanh hàng năm [5].
Theo quy định hiện hành, các loại chất thải rắn ngành thiết bị điện tử nêu trên đều thuộc danh mục chất thải nguy hại, việc phân loại, lưu giữ, vận chuyển và xử lý các loại chất thải nêu trên đều phải tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại. Tất cả các cơ sở xử lý, tái chế chất thải điện tử đều phải có giấy phép xử lý chất thải nguy hại.
Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả tiến hành khảo sát, điều tra hiện trạng thu gom, phân loại, tái chế và vấn đề môi trường (khí thải, nước thải và chất thải rắn) của một số làng nghề tái chế chất thải điện tử tại Việt Nam. Mục tiêu nghiên cứu đánh giá được đầy đủ các vấn đề đang tồn tại ở làng nghề, từ đó đưa ra các giải pháp quản lý và xử lý phù hợp nhằm bảo vệ môi trường của địa phương.
2. Nội dung và phương pháp nghiên cứu
2.1. Đối tượng nghiên cứu
Hoạt động khảo sát, điều tra được tiến hành tại một số làng nghề tái chế chất thải điện tử lớn ở Việt Nam như:
  • Làng nghề tái chế chất thải điện tử Cẩm Xá - Mỹ Hào, Hưng Yên.
  • Làng nghề tái chế phế liệu Văn Môn - Yên Phong, Bắc Ninh.
  • Làng nghề thu gom, tái chế Tràng Minh - Kiến An, Hải Phòng.
Thời gian nghiên cứu: được thực hiện từ tháng 7/2020 tới tháng 6/2021.
Nội dung và phương pháp nghiên cứu
  • Phạm vi khảo sát: khảo sát hiện trạng sản xuất và môi trường tại các cơ sở tái chế chất thải điện tử của 3 làng nghề này.
  • Phương pháp khảo sát: thu thập tài liệu từ cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và phỏng vấn trực tiếp các hộ tái chế tại địa phương.
- Dựa trên các kết quả điều tra, khảo sát, nhóm tác giả tiến hành phân tích và đưa ra đề xuất các biện pháp phát triển bền vững hoạt động tái chế và bảo vệ môi trường địa phương.
3. Kết quả và thảo luận
3.1. Hiện trạng sản xuất, tái chế chất thải điện tử tại Cẩm Xá - Mỹ Hào, Hưng Yên
Xã Cẩm Xá - huyện Mỹ Hào - tỉnh Hưng Yên có khoảng 100 hộ làm nghề thu mua, tái chế rác thải điện tử, cung cấp việc làm cho hàng trăm lao động trong xã. Tại đây, rác thải điện tử được tháo dỡ và tận thu những chi tiết điện tử có thể tái sử dụng như nhựa, kim loại, các bo mạch điện tử… Tùy theo mục đích sử dụng, người dân sẽ phân loại ra và chuyển tiếp đến các làng nghề tái chế khác tại Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng hoặc cũng có thể xuất khẩu (trái phép) sang Trung Quốc.
Nghề tái chế rác thải điện tử tại xã Cẩm Xá ban đầu chỉ là nghề tay trái trong lúc nông nhàn. Nhưng sau đó, lợi nhuận từ nghề này lại trở thành thu nhập chính của gia đình. Từ năm 2010 đến nay, nghề tái chế rác thải điện tử đã trở thành nghề chính của xã. Tuy nhiên, hoạt động tái chế tại xã Cẩm Xá vẫn chưa có bất kỳ cơ quan nào cấp phép hoạt động cũng như không có cơ quan nào công nhận là làng nghề.
Theo người dân Cẩm Xá, hàng ngày có hàng chục xe tải của các hộ làm nghề tản đi khắp các tỉnh tại miền Bắc gom hàng. Khi mới bắt đầu có nghề, các hộ làm nghề chỉ thu gom những vật liệu cơ bản như ổ cứng, đầu đĩa, ti vi, dây điện,… Nhưng càng ngày, quy mô làm nghề càng lớn, với các loại vật liệu đa dạng, phong phú hơn.
- Xưởng tái chế thiết bị điện tử gia đình ông Hoàng Văn Sơn: Nguồn hàng được gia đình đánh xe đi thu mua ở nhiều nơi, nhưng chủ yếu tại các thành phố lớn, như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh… Bình quân mỗi tháng, xưởng thu gom, xử lý từ 20 - 30 tấn rác thải điện tử các loại. Sau khi tháo dỡ, phân loại xong, hàng sẽ được chuyển cho các làng nghề tái chế, các cửa hàng sửa chữa, hoặc bán lại.
- Xưởng tái chế gia đình ông Nguyễn Văn Nam trong xã Cẩm Xá: Lúc cao điểm, mỗi ngày, gia đình thu gom 5.000 ổ cứng máy tính. Các chất thải điện tử sau khi thu gom về được người dân tháo dỡ các vật liệu có thể tái chế hoặc tái sử dụng được như linh kiện, sắp thép, đồng, nhôm, nhựa được phân loại, đóng gói và bán lại cho người dân ở các làng tái chế hoặc bán lại.
Hầu hết các loại rác thải điện tử sau khi được thu mua về đều được xử lý rất thủ công, các công đoạn tháo dỡ hoàn toàn bằng tay. Trong điều kiện nhiều khí độc, ô nhiễm, nhưng người lao động được bảo hộ khá thô sơ, chỉ có găng tay và khẩu trang thường. Các loại chất thải không thể tái chế bị thải thẳng ra môi trường mà không qua một công đoạn xử lý nào gây ô nhiễm nghiêm trọng. Đến nay, tại xã Cẩm Xá có riêng một bãi rác thải điện tử rộng hàng ngàn m2, phần lớn rác thải điện tử ở đây đều trong tình trạng bị đốt cháy, phát sinh khí bụi độc hại gây ô nhiễm không khí.
3.2. Hiện trạng sản xuất, tái chế chất thải điện tử tại Văn Môn - Yên Phong - Bắc Ninh
Làng nghề tại xã Văn Môn - huyện Yên Phong - tỉnh Bắc Ninh đã có từ những năm 1960 với ngành nghề chính là đúc nhôm, chì, sản phẩm chính là đồ gia dụng bằng đồng, nhôm. Hiện nay, hoạt động chính của làng nghề là đúc nhôm. Cả xã có khoảng 450 hộ làm nghề cô đúc nhôm, trong đó có khoảng 100 hộ có quy mô sản xuất lớn. Ngoài ra, còn có khoảng 236 hộ chuyên thu gom phế liệu. Sản phẩm nhôm, đồng chế biến hàng năm khoảng trên 3.000 tấn. Các mặt hàng chính gồm:
Đúc nhôm: 450 hộ sản xuất gồm các mặt hàng như đồ gia dụng, đồ thờ.
Đúc chì: 1 hộ sản xuất chì kẹp công tơ điện với sản lượng khoảng 100 kg/ngày.
Đúc kẽm: 2 hộ với sản lượng trên 2 tấn/ngày.
Sản xuất đồng: 1 hộ sản xuất kéo dây cáp điện.
Nguyên liệu sử dụng là các loại phế liệu kim loại màu (nhôm, đồng, chì) như: dây điện, dụng cụ gia dụng, vỏ máy các loại... với lượng tiêu thụ khoảng trên 4.000 tấn/năm và công nghệ sản xuất thủ công nên thành phẩm chì chiếm khoảng 70 - 80%, còn lại 20 - 30% là bã xỉ kim loại và tạp chất.
Thôn Quan Độ là 1 trong số 5 thôn có làng nghề chế biến phế liệu tại xã Văn Môn (huyện Yên Phong, Bắc Ninh). Hoạt động chính của các hộ sản xuất tại thôn Quan Độ là thu gom phế liệu dây cáp điện, dây điện và các thiết bị gia dụng chứa đồng, nhôm (quạt điện, nồi cơm điện...). Trong thôn có khoảng 80 hộ chuyên hành nghề thu mua phế liệu kim loại. Việc chế biến phế liệu hiện đang được thực hiện thủ công, áp dụng công nghệ thô sơ, lạc hậu.
Các phế liệu được thu mua về tập kết tại các bãi tập kết của các hộ sản xuất. Dây đồng, kim loại được tháo dỡ, tách rời khỏi phế liệu bằng thủ công. Các loại nhựa có khả năng tái chế được thu hồi tách riêng bán cho các hộ tái chế nhựa, các vật liệu còn lại không có giá trị sử dụng (sốp, nhựa không có khả năng tái chế...) đang được các hộ dân đổ thải quang khu vực ruộng, đồng của làng. Tình trạng đổ thải bừa bãi, tái chế thủ công đang gây nên ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của các người dân.
3.3. Hiện trạng sản xuất, tái chế chất thải điện tử tại Tràng Minh - Kiến An - Hải Phòng
Tràng Minh là một phường thuộc quận Kiến An, thành phố Hải Phòng. Phường được thành lập theo Quyết định của Chính phủ năm 1994, tổng diện tích tự nhiên: 321,42 ha. Địa giới hành chính phường Tràng Minh: phía Đông giáp phường Phù Liễn; phía Tây giáp huyện An Lão; phía Nam giáp huyện Kiến Thuỵ; phía Bắc giáp phường Ngọc Sơn và phường Trần Thành Ngọ.
Phường Tràng Minh từ lâu đã là một điểm nóng về hoạt động tái chế chất thải trong đó có chất thải điện tử. Nhiều hộ dân hoạt động tái chế chất thải tập trung như một làng nghề, với thực trạng:
- Các hoạt động tái chế diễn ra ngay trong khuôn viên nhà và các bãi tập kết rác thải nằm ven đường nội bộ, nơi tập trung dân cư đông đúc;
- Làng nghề hoạt động gần Bệnh viện Lao phổi, Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi Chức năng, gần Trường Cao đẳng Cộng đồng; đe dọa sức khỏe của nhiều người và ảnh hưởng tới khả năng phục hồi của các bệnh nhân.
Hiện nay, Tràng Minh có gần 100 hộ kinh doanh, buôn bán và tái chế phế liệu. Phần lớn phế liệu đều chưa được làm sạch. Các hộ kinh doanh tập kết các bãi phế liệu trong khu dân cư, trong sân nhà. Vào ngày nắng mùi hôi bốc lên nồng nặc. Khi trời mưa, nước mưa cuốn theo các chất cặn dầu mỡ từ các phế thải chảy vào hệ thống thoát nước của khu dân cư...
Đáng chú ý, hiện nay, một số cơ sở tái chế phế liệu đổ rác thải ra khu đất trống gần ruộng lúa để đốt, gồm: nhựa, vỉ mạch, vỏ dây điện, túi ni lon…. Ngoài ra, các loại kim loại, hóa chất chứa chì, axit… được tập kết tại sát mép các dòng sông là nguồn cung cấp nước thô để sản xuất nước sạch của thành phố. Theo thời gian, nước mưa cuốn các chất thải nguy hại này ngấm xuống đất, chảy ra sông gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.
4. Kết luận và đề xuất
Kết quả điều tra cho thấy, các cơ sở sản xuất và hộ gia đình thuộc 3 làng nghề thu gom, tái chế chất thải điện tử trên có những đóng góp rất lớn trong việc tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, đóng góp và ngân sách của tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động thu gom phế liệu còn rất tự phát, công nghệ tái chế phế liệu lạc hậu và không có bất kỳ biện pháp xử lý chất thải nào do các hoạt động này gây ra. Chất thải hầu hết đều được tập kết tại các bãi rác trong làng và thiêu đốt, gây ô nhiễm môi trường không khí, nước mặt, nước ngầm nghiêm trọng.
Để giải quyết một cách hiệu quả các vấn đề trên, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp sau:
  • Chính quyền địa phương cần rà soát các cơ sở tái chế chưa có giấy phép hoạt động, từ đó hướng dẫn cho người dân các thủ tục cấp phép kịp thời, tránh bị xử phạt và dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh;
  • Theo quy định pháp luật thì Việt Nam cấm mọi hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu chất thải, đồ điện tử đã qua sử dụng [6]. Do đó, để tạo được nguồn nguyên liệu cho làng nghề tái chế chất thải điện tử thì điều quan trọng là phải phát triển được hệ thống thu hồi sản phẩm điện tử thải bỏ theo đúng quy định pháp luật. Việc làm này sẽ giúp truy xuất nguồn gốc chất thải điện tử và tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển sản phẩm thải bỏ;
  • Chính quyền địa phương và các cơ sở tái chế nên đề xuất lên các cơ quan quản lý nhà nước chính sách ưu đãi trong việc thu hồi, xử lý sản phẩm điện tử sau sử dụng bởi mục đích tái chế chất thải đã góp phần tránh lãng phí tài nguyên thiên nhiên và giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Chính sách ưu đãi có thể bao gồm giảm thuế sử dụng đất, vay vốn ưu đãi. Nguồn kinh phí tiết kiệm được sẽ được sử dụng để đầu tư hệ thống xử lý chất thải rắn, khí thải phát sinh từ hoạt động tái chế này.
  • Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân địa phương về hoạt động phân loại chất thải có khả năng tái chế, hiểu biết về chất thải nguy hại, có kiến thức và kỹ năng bảo vệ môi trường, an toàn lao động khi sinh sống và làm việc tại các làng nghề tài chế chất thải điện tử.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1] Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2020), Luật Bảo vệ môi trường, số 72/2020/QH14, ngày 17/11/2020.
[2] Thu Hòa (2020), Rác thải điện tử, mối lo ngại toàn cầu, Tạp chí Con số và Sự kiện, Kỳ 1 - 12/2020.
[3] Nguyễn Đức Quảng (2014), Quản lý chất thải điện tử tại Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội.
[4] Trung tâm Môi trường và Sản xuất sạch (2021), Báo cáo tổng kết nhiệm vụ: Đánh giá nguy cơ ô nhiễm môi trường và xây dựng Đề án quốc gia thiết lập hệ thống thu hồi, xử lý và tái chế tấm pin điện mặt trời thải bỏ, Bộ Công Thương.
[5] Bộ Công Thương (2016), Báo cáo kết quả thực hiện Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2015, 2016.
[6] Thủ tướng Chính phủ (2015), Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg, Quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, ngày 22/05/2015.
A study on the current environmental conditions, electronic waste collecting and recycling processes in Vietnamese craft villages and some electronic waste management methods
MSc. Trinh Van Thuan1
PhD. Trinh Ngoc Tuan2
1Industrial Safety Techniques and Environment Agency
2Energy Technology Faculty, Electric Power University
Abstract:
This study assesses the current environmental conditions, electronic waste collecting and recycling processes in Vietnamese craft villages. The study finds out that electronic waste is collected across the country by households and individuals, then it is treated unmechanically without any labor protection. The components from electronic waste are classified and packed in order to recycle or re-sell. Meanwhile, unused components are dumped messily everyplace causing pollution on land, surface and underground water. In order to solve this problem, this study propose some management, policy, and awareness-raising methods to develop the electronic waste recyclying process sustainably and protect local environment.
Keywords: electronic waste, craft village, recycle, environment.
Theo tapchicongthuong.vn/