Đồng Nai phát triển bền vững nhờ công nghiệp tái chế rác thải
Thứ năm, 24/11/2022
Nhằm đảm bảo việc phát triển kinh tế song hành với bảo vệ môi trường, giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ tại COP 26, tỉnh Đồng Nai trong thời gian qua đã và đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, ghi nhận kết quả đáng chú ý.
Nhằm đảm bảo việc phát triển kinh tế song hành với các mục tiêu bảo vệ môi trường, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ tại COP 26, tỉnh Đồng Nai trong thời gian qua đã và đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, ghi nhận kết quả đáng chú ý.
Nổi bật trong số đó là công tác tái chế rác thải nhựa, góp phần giải quyết các hậu quả ô nhiễm môi trường do phát sinh rác thải hàng ngày tại Đồng Nai - một trong những tỉnh công nghiệp hàng đầu cả nước. Ước tính, trung bình mỗi ngày sẽ có 3.600 tấn chất thải các loại sẽ phát sinh ra môi trường trên địa bàn tỉnh, với khoảng 8% trong đó là các loại rác thải nhựa và nilon.Theo Lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đồng Nai: "Nếu như trước đây đa phần các loại rác thải công nghiệp từ nhựa sau khi phân loại được xử lý theo phương pháp đốt, thì nay việc tái chế ra sản phẩm để sử dụng là bước đi quan trọng trong thực hiện bảo vệ môi trường theo hướng bền vững, giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa không chỉ trong nước mà còn cả trên thế giới."
Điển hình cho công tác tái chế rác thải này là Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2 (Công ty Thanh Tùng 2), có địa chỉ tại Khu xử lý chất thải Vĩnh Tân (Đồng Nai). Ngay từ khi tiếp nhận chủ trương, định hướng của các cấp lãnh đạo tỉnh, Công ty Thanh Tùng đã nhanh chóng triển khai các quy trình, áp dụng thành quả của khoa học - công nghệ, trang bị nền tảng kỹ thuật mới để sẵn sàng cho công tác tái chế chất thải, phát triển sản phẩm mới.
Ván ép từ nhựa tái chế của Công ty Thanh Tùng 2 được xuất khẩu sang Scotland (Ảnh: congthuong.vn/)
Kết quả, ngay từ trong năm đầu triển khai 2021, doanh nghiệp đã sản xuất thành công các tấm ván ép tái chế và xuất khẩu sang thị trường Scotland, trở thành doanh nghiệp đầu tiên trên cả nước tái chế và sản xuất thành công ván ép để xuất khẩu ra nước ngoài. Thành công này tiếp tục duy trì và triển khai trong năm nay, khi doanh nghiệp này đã xuất khẩu hơn 3.000 tấm ván ép tái chế cho phía đối tác tại Scotland. Dự kiến đến năm 2023 sẽ có khoảng 4.000 tấm ván ép được Công ty Thanh Tùng 2 tái chế và chuyển giao cho khách hàng này.
Bên cạnh việc xuất khẩu các sản phẩm tái chế cho thị trường nước ngoài, Công ty Thanh Tùng 2 cũng triển khai sản xuất một số mặt hàng dành riêng cho thị trường trong nước như bàn, ghế, tủ,... có chất lượng không thua kém các mẫu mã được bày bán trên thị trường. Những sản phẩm này bên cạnh việc được cung cấp ra thị trường với mức giá phải chăng, Công ty Thanh Tùng 2 còn tiến hành dành tặng cho các trường học, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, giúp cải thiện chất lượng học tập và đời sống của người dân. Qua đó cũng góp phần phát triển việc nhận diện thương hiệu, nâng cao nhận thức của người dân về các sản phẩm nhựa tái chế.
“Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh luôn hướng cho các doanh nghiệp tham gia vào xử lý chất thải công nghiệp phải sử dụng công nghệ cao. Do đó các doanh nghiệp tiếp nhận và ứng dụng công nghệ xử lý chất thải, tái chế thành công các sản phẩm từ rác thải đạt chất lượng xuất khẩu không chỉ là thành công lớn của doanh nghiệp mà còn có ý nghĩa rất lớn trong việc góp phần bảo vệ môi trường nói chung nhất là khi trên địa bàn tỉnh có đến 32 khu công nghiệp” - Lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh.
Đáng chú ý, khi thời điểm Tết Nguyên đán cận kề, Công ty Thanh Tùng 2 còn tạo ra bước tiến mới trong công tác tái chế, khi cho ra mắt dòng sản phẩm tranh 3D được phát triển từ rác thải nhựa.
Theo ông Bùi Xuân Hùng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2, sản phẩm từ tấm ván nhựa tái chế có thể thay thế cho vật liệu tranh gỗ truyền thống phù hợp với thời tiết, môi trường axit, nước biển, thời gian sử dụng lâu dài, có thể dùng nước lau rửa không bay màu… Mỗi tấm tranh nhựa tái chế tiêu thụ khoảng từ 5 - 7 kg rác thải nhựa, tùy theo kích cỡ bức tranh.
Các bức tranh in 3D từ nhựa tái chế của Công ty Thanh Tùng 2 nhận được đông đảo sự quan tâm từ khách hàng (Ảnh: tapchimoitruong.vn/)
Đồng thời, nhựa in 3D tái chế là loại nhựa dẻo có thể chuyển thành các sợi filament một cách dễ dàng mà không cần nhiệt độ cao. Nhờ đó mà những người thực hiện có thể tùy ý tạo nên hình hài độc đáo cho bức tranh, thu hút sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng với lượng lớn đơn đặt hàng đã được chuyển giao.
“Để sản phẩm tranh phục vụ Tết Nguyên đán 2023, mỗi tháng công ty sản xuất hàng trăm sản phẩm tranh các loại theo yêu cầu đặt hàng của khách hàng, trong đó nhiều nhất là tranh truyền thống, tĩnh vật, tranh dân gian, phong cảnh…” ông Bùi Xuân Hùng cho biết thêm.
Công Ty TNHH MTV Thanh Tùng 2 được thành lập vào năm 2000, hoạt động trong lĩnh vực "Tái chế, xử lý, vận chuyển chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp" và "Dịch vụ tư vấn môi trường". Hiện nay, định hướng trọng tâm của công ty là nghiên cứu, sản xuất thêm nhiều sản phẩm từ rác thải tái chế, tuân thủ theo quy định của Luật Bảo Vệ Môi Trường với khẩu hiệu “Chung tay bảo vệ môi trường”. Mục tiêu nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm, tạo những sản phẩm có lợi ích kinh tế, giảm bớt nguồn nguyên liệu ngày càng cạn kiệt của đất nước. |
Quang Ngọc