[In trang]
Cộng đồng bên bờ sông Hồng thúc đẩy lối sống bền vững
Thứ ba, 30/08/2022
Bãi rác tự phát với hơn 200 tấn rác thải đã được "quét" sạch, nhường chỗ cho một sân chơi từ vật liệu tái chế và vườn cộng đồng. Quá trình này đã góp phần thúc đẩy lối sống bền vững tại cộng đồng dân cư phường Chương Dương, đồng thời gợi ý nhiều hướng xử lý vật liệu loại thải như lốp xe, gỗ pallet… thành các sản phẩm hữu ích cho đời sống.

Bãi rác tự phát với hơn 200 tấn rác thải đã được "quét" sạch, nhường chỗ cho một sân chơi từ vật liệu tái chế và vườn cộng đồng. Quá trình này đã góp phần thúc đẩy lối sống bền vững tại cộng đồng dân cư phường Chương Dương, đồng thời gợi ý nhiều hướng xử lý vật liệu loại thải như lốp xe, gỗ pallet… thành các sản phẩm hữu ích cho đời sống.

Một không gian sống trong lành, không ô nhiễm là mong muốn chính đáng của mọi người dân. Tuy nhiên, đối với nhiều cộng đồng dân cư thì mong muốn này chưa thành hiện thực. Dưới sức ép dân số đô thị gia tăng, lượng rác thải cũng theo đó tăng cao. Cộng thêm ý thức hạn chế của một bộ phận dân cư về việc xả rác cũng làm cho vấn đề ô nhiễm môi trường trở nên nhức nhối.  

Trước những thách thức hiện hữu, việc tạo ra các mô hình không gian công cộng xanh được xem là một giải pháp giúp giải quyết những bức bối về môi trường, nâng cao chất lượng sống trong cộng đồng, đồng thời thúc đẩy lối sống bền vững. Quá trình xây dựng sân chơi tái chế và vườn cộng đồng tại phường Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) dưới đây là một minh chứng rõ nét. Mô hình sân chơi tái chế đồng thời cũng gợi ý nhiều hướng xử lý vật liệu loại thải như lốp xe, gỗ pallet… thành các sản phẩm hữu ích cho đời sống. 

Biến bãi rác thành sân chơi tái chế và vườn rừng

Nếu đến bãi bồi ven sông Hồng đoạn dọc khu vực từ đền Sơn Hải tới ngách 43/32 đường Bạch Đằng, phường Chương Dương (Hà Nội), khó có thể hình dung chỉ cách đây hơn một năm đây là bãi rác khổng lồ chứa hơn 200 tấn rác, trong đó có nhiều rác thải độc hại như bơm kim tiêm, rác thải rắn xây dựng, rác thải hộ kinh doanh chưa xử lý…. Theo bà Phạm Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Chương Dương thì nơi đây vốn là khu vực dùng để thoát lũ. Lâu dần theo thời gian do điều kiện tự nhiên thay đổi, bãi bồi ngày càng rộng thêm, cây cỏ mọc um tùm và theo đó cũng hình thành một bãi rác tự phát.  

Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng xấu đến chất lượng sống của người dân, đặc biệt là các hộ sinh sống ngay sát bờ sông mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác. Bà Hạnh cho biết vì rác thải ngày càng nhiều nên người dân cũng ngại ra đây, cộng thêm việc cỏ dại mọc um tùm đã tạo điều kiện cho các nhóm cá cược, nghiện hút kéo đến hoạt động. “Đây là những thực trạng nhức nhối mà chính quyền địa phương và người dân mong muốn xử lý từ lâu nhưng chưa làm triệt để được”, đại diện Hội Phụ nữ phường cho hay. 

Khi biết vấn đề này, năm 2021 Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống đã về đây khảo sát với ý định giúp cộng đồng và chính quyền phường cải tạo khu vực thành một không gian công cộng thân thiện hơn với con người và môi trường. Các chuyên gia trong Mạng lưới gồm nhiều kiến trúc sư, kỹ sư, nhà hoạt động xã hội từ các tổ chức, doanh nghiệp Think Playgrounds, Keep Hanoi Clean, Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) và ECUE. 

Người dân và các đội tình nguyện dọn rác để chuẩn bị cải tạo khu vực

Qua khảo sát thực tế, lên ý tưởng và thiết kế, ý tưởng xây dựng sân chơi tái chế và vườn rừng đã được hình thành. Cùng với sự góp sức của các nhà tài trợ, sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương và đặc biệt là quyết tâm của cộng đồng, bãi rác tưởng như “trường tồn” đã biến mất, dần được thay thế bằng một sân chơi bằng các vật liệu tái chế và vườn sinh thái, mà người dân gọi là “vườn rừng”. 

Chia sẻ lại về quá trình này, bà Hạnh không giấu vẻ tự hào: “Để có một khu vườn và sân chơi đẹp như thế này là công sức của hàng trăm người dân địa phương, tình nguyện viên và chuyên gia. Chúng tôi đã dọn dẹp hơn 200 tấn rác, cuốc đất, làm vườn, xây dựng sân chơi…” 

Ông Đinh Văn Quyền, một người dân sinh sống gần đó cho hay trước khi cải tạo, vào những ngày trở trời  mùi rác thải bốc lên từ khu vực này rất khó chịu. “Từ lúc có sân chơi và vườn không còn hiện tượng này nữa. Cảm giác không khí dễ chịu hẳn”, ông Quyền nói.  

Theo Chủ tịch Hội Phụ nữ phường, vườn rừng và sân chơi không chỉ góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống mà còn thúc đẩy quá trình thay đổi nhận thức, thói quen của người dân trong việc xả rác. “Từ ngày có sân chơi và vườn rừng, người dân không còn vứt rác bừa bãi ra bờ vở nữa. Chính tay họ đã dọn dẹp, cuốc đất, tham gia cải tạo không gian nên cũng có ý thức hơn trong việc giữ gìn môi trường xanh, sạch, an toàn”, bà Hạnh chia sẻ. 

Được biết, tổng diện tích cải tạo là gần 2.000 m2 trải dọc bờ vở sông Hồng. Việc biến bãi rác thành vườn rừng và sân chơi tái chế không chỉ trực tiếp nâng cao chất lượng môi trường sống cho gần trăm hộ dân sinh sống ngay sát khu vực bờ sông, mà còn làm lợi cho nhiều cá nhân khác tại địa phương, đặc biệt là các em nhỏ đến tham quan thực địa và vui chơi. 

Không gian khu vực được cải tạo tại phường Chương Dương

Con người địa phương giải quyết vấn đề địa phương

Không chỉ có khu vực bãi bồi dọc sông Hồng, Hà Nội cũng tồn tại nhiều khu đất xen kẹt, đất bỏ hoang dễ biến tướng thành các bãi rác tự phát gây mất mỹ quan và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống của cộng đồng dân cư xung quanh. Việc cải tạo các khu vực này thành không gian chung, như vườn hoa, sân chơi sẽ giải quyết các vấn đề trên. 

Theo kiến trúc sư Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, đồng sáng lập Think Playgrounds (TPG), thì cải tạo các khu vực lấn chiếm, đất xen kẹt như bãi bồi Chương Dương thành sân chơi là giải pháp được nhiều cộng đồng ủng hộ. Lý giải về việc này, ông Đạt cho rằng hiện nay người dân đã có nhận thức về việc thiếu sân chơi có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ nhỏ. “Vì sân chơi không chỉ là nơi để chơi, mà còn là nơi trẻ giao tiếp, tương tác với các cá thể cùng lứa tuổi, từ đó hình thành mạng lưới quan hệ xã hội riêng của trẻ. Ngoài ra, khi được chơi trong một không gian “mở” cũng là cơ hội để trẻ tiếp xúc với thiên nhiên, từ đó góp phần hình thành mối quan hệ tốt với thiên nhiên và học cách sống tôn trọng thiên nhiên”, đại diện TPG chia sẻ.

Sân chơi sử dụng nhiều vật liệu tái chế như gỗ pallet, lốp xe 

Là đại diện của tổ chức có nhiều năm kinh nghiệm hỗ trợ cộng đồng xây dựng không gian chung gồm vườn cộng đồng và hơn 200 sân chơi, ông Đạt cho rằng nhân tố quyết định tính thành bại của các không gian chung chính là người dân. “Khi cộng đồng thống nhất cải tạo khu vực thành một sân chơi thì dự án thường diễn ra khá nhanh. Ví dụ như ở phường Chương Dương, mặc dù bị COVID ảnh hưởng, chúng tôi chỉ mất khoảng 4 tháng từ lúc lên ý tưởng, tìm đối tác hỗ trợ, dọn dẹp và xây dựng hoàn thiện”, ông Đạt cho biết. 

Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng suôn sẻ. Thách thức đầu tiên nằm ở việc thống nhất ý tưởng giữa các thành viên trong cộng đồng, giữa cộng đồng và đội ngũ dự án. “Nếu cộng đồng coi không gian này là không cần thiết, ý tưởng không phù hợp, vì nhiều lý do, đôi khi cũng có cả vấn đề quyền lợi cá nhân, thì rất khó để hình thành một không gian chung”, ông Đạt chia sẻ. 

Ngoài ra, khó khăn có thể phát sinh từ vấn đề gây quỹ, như không có đủ nguồn tài chính để làm đến tận cùng ý tưởng. Vậy nên không phải dự án nào cũng thành công.  

Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không làm được. Thực tế cho thấy, trong thời gian gần đây, ngày càng nhiều sân chơi, vườn cộng đồng được dựng lên bởi chính tay người dân và nhóm tình nguyện địa phương, cùng với sự góp sức của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà tài trợ.  

Cách bền vững nhất là để con người địa phương giải quyết vấn đề địa phương.

Nhận định về khả năng nhân rộng của các mô hình sân chơi hay vườn cộng đồng, ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt cho rằng điều này phụ thuộc vào chính các nhóm địa phương. “Cách bền vững nhất là để con người địa phương giải quyết vấn đề địa phương. Họ hiểu vấn đề trong chính cộng đồng của họ và cũng chỉ họ mới giải quyết được vấn đề đó”, đại diện TPG khẳng định. 

Chính ông Đạt cũng cho biết đã nhận được yêu cầu giúp đỡ từ một số nhóm tình nguyện địa phương để làm sân chơi tái chế. “Một số nhóm tình nguyện tại Tây Nguyên, miền Trung đã chủ động liên hệ với TPG để được hỗ trợ. Qua trao đổi, truyền đạt kinh nghiệm và truyền cảm hứng từ TPG, các bạn ấy đã thực hiện được nhiều sân chơi tái chế từ lốp xe, gỗ pallet, vật liệu tận dụng… cùng các cộng đồng”, đại diện TPG chia sẻ.  

Dễ nhận thấy sân chơi tái chế là phương án được ưa thích trong các mô hình sân chơi cộng đồng. Ví dụ như ở Hà Nội, các sân chơi mới được cải tạo tại Chương Dương, Kim Liên, Bạch Đằng… đều sử dụng tối đa vật liệu tái chế như lốp xe, gỗ pallet... Theo ông Đạt, các vật liệu này có thể được xử lý tương đối dễ dàng. “Chỉ có một chút kinh nghiệm đóng đồ, làm mộc và nhiệt tình là có thể làm được”. Cộng thêm chi phí rẻ, vật liệu dễ kiếm, thậm chí có thể gom góp từ đồ bỏ đi của các gia đình… khiến cho mô hình sân chơi tái chế có thể lan tỏa tới bất cứ nơi đâu cộng đồng sẵn sàng đón nhận.

Được biết, TPG, các nhóm tình nguyện địa phương, tổ chức phi chính phủ đã hỗ trợ các cộng đồng dân cư xây dựng khoảng hơn 200 sân chơi và nhiều vườn cộng đồng trên khắp cả nước từ năm 2014 đến nay. Các mô hình sử dụng nhiều vật liệu tái chế, bền vững như gỗ pallet, lốp xe, gạch tái chế, pin năng lượng mặt trời... Bên cạnh đó, các sự kiện chơi cũng được tổ chức thường xuyên tại cộng đồng, như chơi sáng tạo (loose parts play) với nhiều loại nguyên liệu gồm cả đồ bỏ đi, giúp người dân sáng tạo trong việc tái chế (recycling và upcycling), đồng thời nâng cao ý thức về lối sống bền vững. 

Think Playgrounds (TPG) là doanh nghiệp xã hội hoạt động với mục tiêu tìm kiếm các giải pháp đơn giản, sáng tạo để xây dựng các sân chơi chi phí hiệu quả tại các đô thị. Từ khi thành lập năm 2014 đến nay, TPG đã hỗ trợ các cộng đồng xây dựng hơn 200 sân chơi trên khắp cả nước, trong đó có nhiều sân chơi với các giải pháp sáng tạo như: sân chơi tái chế, sân chơi phiêu lưu…
Vì một Hà Nội đáng sống là một diễn đàn thảo luận về không gian công cộng, điều kiện môi trường cũng như các hạ tầng cơ sở ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân ở Hà Nội. Diễn đàn mở cho các chuyên gia, các nhà hoạt động xã hội, các nhà quản lý và đặc biệt người dân chia sẻ, thảo luận và góp ý cho việc phát triển thành phố.

  Giang Nguyễn - Hoàng Loan