Vicem Bút Sơn tiên phong phát triển bền vững bằng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất công nghiệp
Thứ hai, 22/08/2022
Việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn không những giúp Vicem Bút Sơn đảm bảo chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị sản xuất mà còn tạo ra nhiều giá trị mới, hướng đến xu thế kinh tế xanh, phát triển bền vững.
Việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn không những giúp Vicem Bút Sơn đảm bảo chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị sản xuất mà còn tạo ra nhiều giá trị mới, hướng đến xu thế kinh tế xanh, phát triển bền vững.
Được thành lập từ năm 1997, VICEM Bút Sơn – thành viên của Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM), mang trong mình sứ mệnh trở thành doanh nghiệp tiêu biểu thời kỳ đổi mới, hướng tới mục tiêu trở thành đơn vị phát triển hàng đầu trong ngành vật liệu xây dựng của đất nước. Đồng thời, doanh nghiệp này còn đóng vai trò là kim chỉ nam trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao nguồn thu cho ngân sách tỉnh Hà Nam. Do vậy trong quá trình phát triển, VICEM Bút Sơn đã được chọn lựa là nhà thầu tham gia, đáp ứng vật liệu xây dựng cho nhiều công trình trọng điểm quốc gia như: thủy điện Sơn La, đường Hồ Chí Minh, cầu Thanh Trì, đường vành đai 3 Hà Nội…
Dù được tin tưởng với nhiều trọng trách, nhưng VICEM Bút Sơn trong những năm trở lại đây vẫn không ngừng tiến hành đổi mới, áp dụng nhiều thành quả khoa học công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất. Tất cả đều tập trung hướng đến kế hoạch chuyển đổi mô hình sang kinh tế tuần hoàn, hiện thực hóa chủ trương phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Toàn cảnh nhà máy Xi măng VICEM Bút Sơn
Cụ thể, trong hoạt động sản xuất, VICEM Bút Sơn tiến hành thực hiện chuyển đổi xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường và bùn thải, tro xỉ thành nguyên, nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng. Hoạt động này giúp giảm thiểu không nhỏ lượng rác thải trong quá trình sản xuất, với khối lượng xử lý rác thải công nghiệp thông thường lên đến 8.000 tấn/ tháng, xử lý rác thải nguy hại gần 1.500 tấn/tháng, xử lý bùn thải khoảng 4.500 tấn/tháng.
Từ quá trình xử lý, chất thải đốt cháy đã tạo thành nguồn nhiệt sử dụng trực tiếp, thay thế cho nhiên liệu than cám truyền thống vốn là nguồn nguyên liệu đốt chính. Ngoài ra, sử dụng bùn thải, tro xỉ sau khi cháy kết tinh thay thế cho đất sét trong sản xuất clinker, làm phụ gia xi măng, cũng góp phần giảm tối đa việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu chi phí đầu vào cho hoạt động thu mua nguyên liệu và nâng cao hiệu quả hoạt động trong sản xuất kinh doanh của công ty.
Theo đại diện doanh nghiệp, "Chương trình này là điển hình của việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất công nghiệp mang lại hiệu quả kép cả về kinh tế - xã hội và môi trường. Chỉ riêng trong năm 2021, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của Covid -19, VICEM Bút Sơn đã xử lý gần 92.500 tấn rác thải và 52.800 tấn bùn thải, mang lại hiệu quả kinh tế hơn 60 tỷ đồng cho công ty"
“Trong những năm tiếp theo, Công ty sẽ tiếp tục mở rộng nghiên cứu, thử nghiệm một số thành tựu khoa học mới về vật liệu xây dựng carbon thấp, xi măng thân thiện với môi trường, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, tham gia vào quá trình chuyển đổi xây dựng không carbon”. Đại diện công ty cho biết thêm.
Từ sự thay đổi của VICEM Bút Sơn, có thể thấy việc phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn đang là hướng đi đúng đắn cho các công ty, doanh nghiệp sản xuất Việt Nam trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế năng động 4.0. Để có được những giải pháp, cách làm hiệu quả, bên cạnh sự thay đổi của doanh nghiệp, Nhà nước cũng có những quy định, hướng dẫn cụ thể và cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chuyển đổi, xây dựng nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.
Quang Ngọc