Theo nhiều chuyên gia, một trong những yếu quan trọng, góp nâng cao hiệu quả của việc đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam thực hiện EPR chính là việc xây dựng lộ trình và mức đóng góp phù hợp đối với từng đối tượng, từng sản phẩm. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã và đang từng bước hoàn thiện các quy định này.
Hoạt động tái chế được ưu tiên hỗ trợ tài chính
Theo ông Nguyễn Thi - chuyên viên Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT, đối tượng phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam để tái chế chất thải được quy định tại Điều 81 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Quy trình hỗ trợ hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì
Mức đóng góp vào Quỹ BVMT Việt Nam của từng loại sản phẩm, bao bì được xác định theo một công thức nhất định. Theo đó, số tiền này bằng tổng của tỷ lệ tái chế bắt buộc nhân với khối lượng sản phẩm đưa ra thị trường và định mức chi phí tái chế.
Hiện nay, Bộ TN&MT đang xây dựng và hoàn thiện quy định về định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì, bao gồm chi phí phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu.
Tiền đóng góp được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu.
Cũng theo quy định, trước ngày 30/9 hằng năm, Bộ TN&MT công bố công khai tiêu chí, ưu tiên, mức hỗ trợ tài chính cho hoạt động, sản phẩm tái chế của năm tiếp theo. Các đề nghị hỗ trợ tài chính của cơ quan, tổ chức sẽ gửi về Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia. Hội đồng EPR quốc gia tổ chức thẩm định và trình Bộ TN&MT phê duyệt. Sau đó, Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia thông báo công khai kết quả phê duyệt và ký kết hợp đồng hỗ trợ với các cơ quan, tổ chức được nhận hỗ trợ tài chính. Trên cơ sở đó, Quỹ BVMT Việt Nam thực hiện thanh toán số tiền hỗ trợ cho cơ quan, tổ chức theo hợp đồng ký kết.
Xây dựng mức đóng góp phù hợp
Cũng theo ông Nguyễn Thi, đối tượng, mức đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động xử lý chất thải được quy định cụ thể tại Điều 83 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu các loại sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó tái chế như: thuốc bảo vệ thực vật, kẹo cao su, pin dùng một lần, tã bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt, thuốc lá, đồ nhựa dùng một lần, đồ nội thất, vật liệu xây dựng, quần áo, đồ da, giày dép, đồ chơi và túi nilon khó phân hủy kích thước nhỏ... đều phải đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam để thực hiện nghĩa vụ thu gom, xử lý chất thải.
Mỗi sản phẩm trên có một mức đóng góp phù hợp, trong đó, bao bì thuốc bảo vệ thực vật bằng chai hoặc hộp nhựa sẽ đóng từ 50 đến 100 đồng/sản phẩm, nếu bằng thủy tinh mức đóng là 150 đồng một sản phẩm; đối với pin, tã lót, bỉm, băng vệ sinh, kẹo cao su mức đóng là 0,1% doanh thu của sản phẩm; đối với thuốc lá là 60 đồng/20 điếu…
Ngoài ra, định kỳ 5 năm một lần, mức đóng góp này được điều chỉnh tăng dần theo yêu cầu BVMT.
“Mức đóng góp này đã được Bộ TN&MT nghiên cứu, tham vấn và lấy ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp trước khi luật hóa”, ông Nguyễn Thi nhấn mạnh.
Đặc biệt, pháp luật cũng quy định rõ các hoạt động sẽ được hỗ trợ sử dụng tiền đóng góp thực hiện trách nhiệm xử lý chất thải. Đó là, hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; Nghiên cứu, phát triển công nghệ, kỹ thuật, sáng kiến xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật.
Nguồn Báo TN&MT