[In trang]
Tái tạo vòng đời cho rác thải
Thứ tư, 03/08/2022
Qua mô hình nhượng quyền công nghệ, Reform Plastic đang lan tỏa mô hình kinh tế tuần hoàn cho sản phẩm nhựa tái chế tại Việt Nam.

Qua mô hình nhượng quyền công nghệ, Reform Plastic đang lan tỏa mô hình kinh tế tuần hoàn cho sản phẩm nhựa tái chế tại Việt Nam. 

Cuối năm 2021, Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2 (Đồng Nai) đã xuất khẩu sang Scotland lô hàng ván ép từ nhựa tái chế đầu tiên của mình. Đầu năm 2022, doanh nghiệp tiếp tục ký được hợp đồng xuất khẩu lô hàng 1.000 tấm ván ép nhựa tương đương 50 tấn, qua thị trường Mỹ. 

Được biết công nghệ làm ván ép từ rác thải nhựa của doanh nghiệp là kết quả nhượng quyền công nghệ giữa Công ty Thanh Tùng và ReForm Plastic (Công ty Evergreen Social Ventures). Đây là doanh nghiệp đã ghi dấu ấn với nhiều dây chuyền ứng dụng xử lý rác thải cho ra sản phẩm tái chế chất lượng cao, được đón nhận tại nhiều quốc gia trên thế giới. 

Chia sẻ về lần hợp tác này, ông Bùi Xuân Hùng, Giám đốc Công ty Thanh Tùng 2 bộc lộ sự hứng khởi "Sự hợp tác này với tôi như đi theo tiếng gọi của đam mê bởi công nghệ này tôi đã ao ước từ lâu. Tôi thấy mình đang nắm bắt một cơ hội tốt bởi sau COP26, công nghệ này sẽ được ủng hộ nhiều hơn. Tôi cũng sẽ phát triển máy móc và công suất cũng như giới thiệu nó đến khắp Việt Nam". 

Lô hàng ván ép từ nhựa tái chế của Thanh Tùng 2 xuất cho khách hàng EU.

Cơ sở tại Đồng Nai sở hữu nhà máy có khả năng xử lý hơn 30 tấn rác thải công nghiệp mỗi ngày. Ông Hùng cho biết, trước đây các loại chất thải nhựa công nghiệp không bán được như: vải da vụn, vụn đế giày, nhựa công nghiệp tổng hợp đều được xử lý bằng phương pháp đốt nhưng hiện đều được tận dụng. Chất thải về nhà máy được phân loại, băm nhỏ và rửa sạch, phối trộn, sau đó dùng máy ép nóng để định hình thành tấm, rồi dùng máy ép nguội tạo khuôn, cắt theo các kích thước phù hợp. Kết quả phân tích và thử nghiệm cho thấy, sản phẩm ván ép nhựa đạt các tiêu chuẩn về độ bền, an toàn với sức khỏe người sử dụng và môi trường.

Với lô hàng đầu tiên xuất sang Scotland, sản phẩm là 400 tấm ván ép độ dày 10mm và 14mm, kích thước 1,2x2,4m. Lô hàng này được doanh nghiệp Scotland đặt mua làm bàn ghế, thùng rác, chậu cây cảnh xuất đi các nước châu Âu. 

Do được sản xuất từ loại nhựa giá trị thấp nên sản phẩm của Thanh Tùng sản xuất có giá rẻ hơn so với ván gỗ ép, tấm ván nhựa... Hiện trung bình mỗi tháng công ty sản xuất hơn 1,5 ngàn tấm ván ép nhựa (tương đương 62 tấn rác).

ReForm Plastic là một doanh nghiệp xã hội tiên phong tại châu Á biến rác nhựa thành vật phẩm cao cấp, bền chắc và có tính ứng dụng cao. ReForm Plastic đang chuyển giao mô hình nhượng quyền cho các đối tác trong và ngoài nước, đặc biệt tại Đông Nam Á, và gần đây đã đánh dấu hợp tác với nhà máy nhượng quyền thứ năm.

Việt Nam đang chịu áp lực khổng lồ bởi khủng hoảng môi trường khi mức tiêu thụ nhựa bình quân đầu người tăng mạnh từ 3,8kg lên 41kg trong giai đoạn 1990 – 2015 theo Ipsos Business Consulting. Với con số dự kiến tăng cao này, Việt Nam đang rất cần các giải pháp xử lý rác nhựa tối ưu.

Hai nhà sáng lập ReForm Plastic, Jan Zellman và Kasia Weina, bắt đầu tìm kiếm các giải pháp xử lý rác thải triệt để khi họ nhận thấy rác nhựa rải rác khắp các bãi biển Đà Nẵng, ngôi nhà thứ hai của họ. Sau ba năm nghiên cứu và phát triển, ReForm Plastic ra đời. Với bốn nhà máy, hai tại Việt Nam và hai tại Myanmar, tổng công suất xử lý là 3.000 tấn rác mỗi năm. 

Theo ông Jan Zellman, công nghệ này có điểm hay là nhận mọi loại rác, kể cả rác bẩn, rác hỗn hợp hay rác hư hại. Tính chất dễ áp dụng, chi phí phải chăng và hiệu quả để tạo ra những sản phẩm hữu dụng cho bất kỳ mức ngân sách nào, phù hợp làm nội thất và vật liệu xây dựng. Quy trình này cũng hoàn toàn tuần hoàn, bởi sản phẩm cũ sẽ được thu lại và tái chế thành sản phẩm mới. 

Tới thời điểm này, ReForm đã nhân rộng mô hình dưới hình thức nhượng quyền công nghệ tới nhiều nhà máy khác trong và ngoài Việt Nam, gồm Philippines, Bangladesh và Indonesia. Nhà máy Thanh Tùng 2 là nhà máy thứ năm tham gia vào mô hình này.

Bàn ghế, kệ, chậu cây và tranh làm từ tấm ván nhựa của ReForm Plastic.

Đại diện Công ty Thanh Tùng cho biết, đơn vị rất tin tưởng vào tiềm năng của công nghệ này. Bằng chứng là sau khi thành công với đơn hàng đầu tiên xuất sang EU, doanh nghiệp đã ký tiếp hợp đồng với đối tác Hoa Kỳ. Lô hàng thứ hai là 1.000 tấm ván ép nhựa, tương đương 50 tấn. Một vài khách hàng khác ở Campuchia và doanh nghiệp trong nước cũng đang ngỏ ý quan tâm tới sản phẩm. 

Không chỉ sản xuất ván ép từ rác thải nhựa, Thanh Tùng còn có sản phẩm gạch cao su từ nhựa tái chế phù hợp lót nền nhà bếp, nhà tắm, trường mẫu giáo. Tuy nhiên, theo doanh nghiệp, khó khăn hiện tại là tuy các chính sách khuyến khích tái chế nói chung đã rất nhiều nhưng chưa thực sự đến được với doanh nghiệp. Nếu có thêm cơ chế hỗ trợ vốn vay ưu đãi, và các chương trình truyền thông lợi ích sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường, và đặc biệt là xây dựng hệ sinh thái thu gom, tái chế rác thải tốt thì ngành sản xuất tái chế mới đi xa được. 

Thanh Thanh