[In trang]
Công nghệ tiên tiến giải quyết vấn đề môi trường trong lĩnh vực dệt may
Thứ hai, 03/10/2022
Công nghệ là lời giải cho vấn đề môi trường tiềm ẩn trong ngành dệt may. Bài viết tổng hợp một số công nghệ tiêu biểu đang được áp dụng tại Việt Nam và trên thế giới, tham khảo nguồn từ Báo cáo Tiềm năng ứng dụng tín dụng xanh trong ngành dệt may của WWF Việt Nam.

Công nghệ là lời giải cho vấn đề môi trường tiềm ẩn trong ngành dệt may. Bài viết tổng hợp một số công nghệ tiêu biểu đang được áp dụng tại Việt Nam và trên thế giới, tham khảo nguồn từ Báo cáo Tiềm năng ứng dụng tín dụng xanh trong ngành dệt may của WWF Việt Nam.

Công nghệ Plasma

Công nghệ plasma được ứng dụng khá đa dạng trong lĩnh vực dệt may. Một trong những ứng dụng phổ biến là xử lý sợi. Vì plasma không xâm nhập sâu vào sợi mà chỉ phản ứng với bề mặt vải nên không ảnh hưởng đến cấu trúc bên trong. Các nhà sản xuất sử dụng plasma để sửa đổi các đặc tính bề mặt vật liệu dệt bằng cách lắng đọng hóa chất theo phương pháp trùng hợp plasma nhằm cải thiện chức năng nhuộm hoặc loại bỏ các hóa chất dư thừa khỏi vật liệu (khắc plasma).

Do không làm thay đổi đặc tính vốn có của vật liệu dệt, và được thực hiện ở giai đoạn khô nên không phát sinh vấn đề xử lý nước thải. So với quá trình liên tục thì công nghệ này được đánh giá có nhiều tính ưu việt hơn. 

Ngoài ra, công nghệ plasma lạnh cũng đang được ứng dụng trong xử lý nước thải dệt nhuộm. Gần đây, các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Môi trường và Tài nguyên (Đại học Bách Khoa Tp. Hồ Chí Minh) đã thử nghiệm công nghệ này trên quy mô phòng thí nghiệm và cho thấy tiềm năng ứng dụng rất khả quan. Cụ thể, qua thử nghiệm với nước thải dệt nhuộm chưa qua công đoạn xử lý nào, sử dụng plasma lạnh cho hiệu quả đạt 90,09% với độ mà và 85,75% với giảm nồng độ COD. 

Sử dụng các công nghệ hiện đại giúp tăng cường hiệu quả xử lý vật liệu, giảm các nguy cơ tiềm ẩn về môi trường trong ngành dệt may.

Công nghệ nhuộm sóng siêu âm

Sử dụng sóng siêu âm trong chế biến ướt hàng dệt giúp tăng cường độ bền, cải thiện khả năng hấp thụ thuốc nhuộm và giảm năng lượng, thời gian xử lý và tiêu thụ nước. Khả năng tiết kiệm năng lượng tới 20%, cải thiện hiệu quả sử dụng nước trong tẩy cặn, làm sạch và tẩy trắng bông khi sử dụng sóng siêu âm làm chất xúc tác trong các quá trình xử lý. 

Ngoài ra, ứng dụng sóng siêu âm trong xử lý khử trùng sợi bằng clo và giặt len cũng làm giảm sự chảy sợi và giảm co rút. Kết hợp sóng siêu âm và oxy hóa điện cũng được sử dụng để khử màu nước thải dệt nhuộm. Hiệu quả là hoàn thiện chất làm mềm tốt hơn, tăng 10% –20% độ hấp phụ và cố định của chất làm mềm. 

Trong nhuộm, phương pháp nhuộm bằng sóng siêu âm nâng cao khả năng hấp thụ thuốc, năng suất màu cao và độ bền tốt. Đồng thời, kết hợp sóng siêu âm với thuốc nhuộm hoạt tính cho hiệu quả tiêu thụ ít nước và hóa chất hơn, thời gian ngắn hơn và tiết kiệm năng lượng hơn cho làm nóng với nhuộm vật liệu xenlulo. 

Đối với vải poly, sử dụng sóng siêu âm làm tăng độ bền màu của vải nhuộm bằng thuốc nhuộm phân tán và làm giảm kích thước hạt thuốc nhuộm trong dung dịch, đồng thời giảm nhẹ độ kết tinh của sợi. Thêm vào đó, kết hợp sóng siêu âm cũng cải thiện độ bền màu, giảm thời gian nhuộm, và do đó, tiết kiệm năng lượng nhiệt. Siêu âm với dải tần 20– 100kHz thường được sử dụng để tăng tốc các phản ứng hóa học và tăng cường các quá trình vật lý, như làm sạch, nhũ hóa và chiết tách khử khí. Kết quả tốt hơn so với các kỹ thuật khác trong điều kiện kém tối ưu, như nhiệt độ và nồng độ hóa chất thấp.

Hệ thống máy nhuộm không nước Dyecoo.

Công nghệ carbon dioxide siêu tới hạn

Carbon dioxide là sự lựa chọn tốt nhất để sản xuất chất lỏng siêu tới hạn vì nó không độc hại và không cháy. Carbon dioxide có thể được tái chế trong một hệ thống khép kín. Các đặc tính cơ bản của chất lỏng siêu tới hạn là độ nhớt thấp, khả năng hòa tan cao và đặc tính khuếch tán cao ngay cả trong các lỗ nhỏ mà không cần xử lý mạnh. 

Sử dụng carbon dioxide như một chất nhuộm trung gian cho sợi tổng hợp đem lại nhiều lợi ích. Cụ thể, phương pháp này hạn chế tối đa sử dụng nước trong quá trình nhuộm, nên còn được gọi là nhuộm khô hay nhuộm không nước. Ngoài ra, nó giúp tiết kiệm năng lượng nhiệt trong vật liệu dệt khô, không cần phân tán các chất dẫn xuất và chất làm mịn bề mặt vải sợi, không cần nhiệt độ cao để làm khô và cố định màu, thu hồi thuốc nhuộm còn sót lại, thời gian nhuộm ngắn, không cần chỉnh sửa (giảm việc làm sạch mặt vải) và tiết kiệm một lượng lớn nước. Những đặc tính ưu việt của công nghệ nhuộm không nước khiến nó phát triển mạnh trong những năm gần đây. Một trong những nhà cung cấp giải pháp này là DYECOO (Hà Lan) hiện đã có mặt tại Việt Nam.

Thanh Thanh