Thách thức lớn nhất của kinh tế tuần hoàn cũng chính là ưu điểm của mô hình này khi đòi hỏi làm sao phải đem lại được đa giá trị. Nhiều quốc gia đã và đang gặp khó khăn trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn. Với những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đầu tư khoa học công nghệ hợp lý, sẽ góp phần đưa Việt Nam tiên phong trên thế giới trong triển khai, phát triển những mô hình kinh tế tuần hoàn. Đây là nhận định của PGS. TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Kinh tế tuần hoàn (ĐH. Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh).
PGS. TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Kinh tế tuần hoàn (ĐH. Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh)
Kinh tế tuần hoàn: Lợi ích đa giá trị
PV: Khái niệm kinh tế tuần hoàn đã được biết tới ở Việt Nam từ khoảng 20 năm trước. Ví dụ rõ nhất là mô hình VAC (vườn – ao – chuồng) khá thành công ở nước ta. Tuy nhiên, kinh tế tuần hoàn không chỉ thể hiện ở lĩnh vực nông nghiệp hay khu vực nông thôn mà còn cần được thực hiện ở tất cả mọi lĩnh vực, khu vực. Vì sao vậy, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Hồng Quân: Mô hình VAC trước đây mới chỉ được nhìn ở góc độ là quá trình trao đổi, chuyển đổi các chất thải từ vườn – ao – chuồng lẫn nhau chứ chưa được nhìn theo góc độ kinh doanh.
Thứ nhất, chúng ta phải đặt câu hỏi là tại sao mô hình VAC đã có từ lâu, nhưng đến nay vẫn không nhân rộng được? Đó là tại vì loại hình kinh doanh này còn nhiều hạn chế, chỉ giới hạn trong quy mô thuộc một hộ gia đình, địa phương. Về tính liên kết để nhân rộng thì mô hình này chưa đảm bảo có thể thúc đẩy phát triển kinh tế của hộ gia đình đó, hoặc đẩy mạnh kinh tế của một vùng địa phương.
Đây là một ví dụ về việc thực hiện đúng nguyên lý, nhưng về mặt mô hình thực tế thì vẫn chưa đủ mạnh, đủ sức để khuyến khích người dân tham gia vào quá trình nhân rộng mô hình. Thậm chí, người ta còn có thể làm hơn thế, không chỉ là dừng ở quy mô vườn – ao – chuồng, mà còn làm cả về năng lượng nhưng vẫn không được thực hiện thành công, chưa nhân rộng được bởi vì người ta chưa thấy được giá trị, lợi ích nó mang lại.
Việc xây dựng mô hình đúng nguyên tắc chỉ là một phần, việc quan trọng hơn nữa là mình kinh doanh phải mang lại giá trị cho những người tham gia mô hình đó.
Thứ hai, việc áp dụng không chỉ ở nông nghiệp mà nếu nói đến kinh tế tuần hoàn hiện nay thì nhìn ở góc độ hơn cả tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu. Bên cạnh đó, còn nhiều mô hình khác như là tiết chế lại các sản phẩm để quá trình thu hồi dễ dàng hơn, hoặc ta có thể sản xuất lại, hoặc chúng ta có nhiều mô hình khác có thể áp dụng được trong suốt dòng đời của 1 sản phẩm.
Cụ thể là từ khi bắt đầu cho nguyên liệu đầu vào cho tới giai đoạn tối ưu hoá, quá trình sản xuất, cho đến quá trình tiêu thụ, rồi quá trình thải bỏ thì rất rộng và có thể áp dụng rất nhiều, không chỉ ở riêng nông nghiệp mà còn ở đô thị, xây dựng, giao thông vận tải, xử lý chất thải,…
Có thể nói nếu chúng ta lưu ý những điều trên thì hầu như đều có thể áp dụng ở tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế của đất nước. Một trong những lý do hiện nay rất nhiều người quan tâm, nó có thể đóng góp kinh tế trực tiếp cho địa phương từ quy mô nhỏ cho đến quy mô lớn. Đặc biệt trong mô hình hiện nay thì điều này có thể cùng đóng góp cho quá trình chuyển đổi về năng lượng trong đó có trung hoà các-bon.
PV: Kinh tế tuần hoàn gắn liền với môi trường và phát triển bền vững. Đó là điều mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đã và đang hướng tới. Việt Nam cũng không nằm ngoài trong số đó, nhất là khi đất nước chúng ta đang phải chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu, thiên tai… Vậy lợi ích của việc phát triển kinh tế tuần hoàn đối với vấn đề này như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Hồng Quân: Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh doanh, đóng góp vào trong quá trình phát triển bền vững. Và nó là một cách tiếp cận giải quyết bài toán mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và môi trường, giải quyết bài toán đánh đổi môi trường.
Tức là khi tiếp cận mô hình sẽ phân chia nhiều mục tiêu cùng một lúc. Một mặt là làm giảm nguồn nguyên liệu đầu vào, hai là khi sản xuất có thể tiết kiệm nguồn năng lượng sử dụng, tối ưu quá trình sản xuất, ít hoặc không thải ra chất thải hoặc những giá trị liên quan đến phát thải nhà kính.
Ngoài ra, kinh tế tuần hoàn còn có thể mang giá trị nhiều hơn thế, điển hình như giá trị về xã hội, góp phần tạo nên công ăn việc làm, công tác xoá đói giảm nghèo. Chúng ta cũng có thể lồng ghép vào để kinh tế tuần hoàn mang hiệu quả về bảo tồn, phát huy những giá trị về văn hoá, lịch sử. Nói chung nó tạo ra rất đa giá trị!
Kinh tế tuần hoàn tạo ra đa giá trị.
Kinh tế tuần hoàn làm phân tán thì hiệu quả rất hạn chế
PV: Theo ông, điều quan trọng nhất để thực hiện kinh tế tuần hoàn là gì? Để phát triển kinh tế tuần hoàn hiệu quả, theo kịp với các nước phát triển trên thế giới chúng ta cần phải hành động ra sao, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Hồng Quân: Một trong những thách thức lớn nhất của kinh tế tuần hoàn cũng chính là ưu điểm của nó, giải bài toán thực hiện đa mục tiêu – một mô hình đòi hỏi các bên phải cùng phối hợp, hợp tác với nhau.
Nhà nước cũng như các Bộ, ngành cùng lĩnh vực với nhau, từ Nông nghiệp cho tới Tài nguyên – Môi trường, Công nghệ thông tin, Kế hoạch đầu tư, Tài chính,.. phải cùng phối hợp với nhau. Vì để có một chuỗi sản phẩm phải cần nhiều ban ngành mới nhanh chứ không phải chỉ 1 ngành. Nếu chúng ta làm kinh tế tuần hoàn mà chúng ta làm phân tán thì giá trị mang lại rất hạn chế. Để có được sự liên kết này thì các thể chế, quy định cần thảo luận, trao đổi để đưa ra được những giải pháp giải quyết việc đó.
PV: Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển kinh tế số trên tất cả các lĩnh vực. Trong kinh tế số có tài nguyên số được đánh giá như một loại tài nguyên vô tận, đem lại giá trị kinh tế cao nếu có chiến lược khai thác đúng hướng. Ông nhìn nhận thế nào về vai trò của kinh tế số trong nền kinh tế tuần hoàn? Làm sao chúng ta có thể “tuần hoàn” với kinh tế số – tài nguyên số?
PGS.TS Nguyễn Hồng Quân: Quá trình chuyển đổi số có một vai trò rất quan trọng trong vấn đề phát triển kinh tế tuần hoàn. Đơn cử, việc chúng ta số hoá các nguồn thông tin về nguồn thải, nguồn thông tin sản phẩm cho tới các quá trình sản xuất, trao đổi, vận chuyển,.. những thông tin đó hoàn toàn có thể giúp cho chúng ta tối ưu các quá trình, tiết kiệm được nhiều công đoạn .
Ví dụ như liên quan tới quá trình về vận chuyển. Nếu chúng ta có nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp có chung mối quan tâm nào đó thì có thể cùng nhau chia sẻ tìm nguồn lực liên quan tới thiết bị, vận chuyển, logistic để bớt chi phí thì đó là những yếu tố cộng sinh. Hoặc tận dụng nguồn thải của bên A để trở thành nguyên liệu đầu vào của bên B. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có nhiều thông tin về điều này nên khiến lãng phí.
Trong quá trình số hoá hoặc rộng hơn thì việc này sẽ giúp chúng ta tiết kiệm chi phí, từ đó quá trình sản xuất sẽ tiết kiệm hơn, người lao động sẽ tăng thêm nguồn thu nhập, mang giá trị cao về mặt môi trường, sinh thái.
PV: Ông đánh giá sao về khả năng phát triển nền kinh tế tuần hoàn của Việt Nam trong khoảng 1 thập kỷ tới? Chúng ta có thể học hỏi và vận dụng những gì từ các nước trên thế giới để thúc đẩy nhanh vấn đề này?
PGS.TS Nguyễn Hồng Quân: Tôi có niềm tin rất lớn đối với các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển kinh tế tuần hoàn. Đây là yếu tố quan trọng, Việt Nam có thể là một trong những nước tiên phong trên thế giới về kinh tế tuần hoàn. Thật sự trên thế giới về chuyển đổi tuần hoàn cũng còn gặp rất nhiều khó khăn, chứ không đi quá xa so với Việt Nam. Vì không chênh lệch quá nhiều nên chúng ta cứ mạnh dạn xây dựng, triển khai mô hình.
Trên thực tế nếu ta có sự phối hợp giữa các ban ngành liên quan, đưa ra nhiều giải pháp về chuyển đổi số, kinh tế số để hỗ trợ thêm. Đưa ra giải pháp của những hạn chế còn tồn động, hỗ trợ doanh nghiệp, đầu tư khoa học công nghệ thì có thể hoàn toàn đưa Việt Nam tiên phong trên thế giới về mô hình kinh tế tuần hoàn.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn Tạp chí Kinh tế môi trường