[In trang]
Tuyển than Cửa Ông: Nỗ lực vì môi trường xanh
Thứ ba, 21/06/2016
Là đơn vị sàng, tuyển lớn nhất thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam - (TKV), mỗi năm, Công ty Tuyển than Cửa Ông – TKV chế biến trên 10 triệu tấn than, sử dụng khoảng 10.000m3 nước/ngày, kèm theo đó là lượng than thất thoát lớn, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao... Để bảo vệ môi trường, đồng thời, thu hồi tài nguyên than, đơn vị đã áp dụng nhiều giải pháp mang lại hiệu quả lớn.

Là đơn vị sàng, tuyển lớn nhất thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam - (TKV), mỗi năm, Công ty Tuyển than Cửa Ông – TKV chế biến trên 10 triệu tấn than, sử dụng khoảng 10.000m3 nước/ngày, kèm theo đó là lượng than thất thoát lớn, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao... Để bảo vệ môi trường, đồng thời, thu hồi tài nguyên than, đơn vị đã áp dụng nhiều giải pháp mang lại hiệu quả lớn.

Tiết kiệm hàng triệu tấn than mỗi năm

Theo lãnh đạo Tuyển than Cửa Ông, trước năm 2004, việc thu hồi nước thải trong quá trình tuyển than được thực hiện khá đơn giản: Nước được bơm chuyển về hồ kết lắng tự nhiên để lấy than bùn, phần còn lại xả thẳng xuống vịnh Bái Tử Long. Tuy nhiên, từ năm 2004, được sự hỗ trợ của Trung tâm năng lượng than Nhật Bản (JCOAL), Tuyển than Cửa Ông đã đầu tư dự án 123 tỷ đồng hoàn thiện hệ thống xử lý bùn nước, triệt tiêu được nước bùn thải đổ ra vịnh Bái Tử Long. Tiếp đó, năm 2007, công ty tiếp tục đầu tư 520 tỷ đồng cho hệ thống đánh đống, kho chứa than và kho tiêu thụ than, giúp giảm lượng than trôi, rơi vãi. Từ năm 2009 - 2013, để xử lý hết 100% lượng bùn nước sau khi tuyển, công ty liên tục đầu tư 2 nhà máy xử lý bùn thải công nghệ tách lọc nước bằng khí nén cao áp giai đoạn 1 và 2 với trị giá trên 300 tỷ đổng. Theo quy trình này, nước bùn thải sinh ra từ 2 nhà máy sàng tuyển được thu về 14 bể chứa, bơm sang các thùng khuấy, rồi bơm vào máy lọc ép tăng áp bằng khí nén cao áp của nhà máy xử lý bùn nước thải để khô hóa và tận thu than bùn trôi. Nước sau khi tách bùn được bơm về hồ lắng cặn trước khi chuyển về bể tuần hoàn và bơm trở lại các nhà máy tuyển. Công nghệ này đã xử lý được 60% lượng bùn nước sau tuyển, 40% còn lại được xử lý bằng công nghệ tách lắng tự nhiên qua hệ thống hồ xi măng và hồ đất. Nhờ quy trình này, mỗi năm, Tuyển than Cửa Ông thu hồi được gần 1 triệu tấn than với giá trị gần 1.000 tỷ đồng.

Tiếp tục nỗ lực vì môi trường xanh


Bên cạnh việc thu hồi than trôi, mỗi năm, Tuyển than Cửa Ông còn phải xử lý khoảng 1,8 - 2 triệu tấn đá xít thải sau tuyển. Để giải bài toán vận chuyển, đổ thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tận thu tài nguyên, một mặt, công ty đầu tư hệ thống thiết bị chế biến thành sản phẩm than nhiệt lượng cấp thấp cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện, mặt khác, sử dụng làm vật liệu san lấp mặt bằng tại một số dự án trên địa bàn. Ngoài ra, công ty cũng đang đẩy nhanh tiến độ dự án vận chuyển đá xít thải quay trở lại đổ thải tại các mỏ than phục vụ công tác hoàn nguyên, hoàn thổ sau khai thác.

Đặc biệt, để hỗ trợ doanh nghiệp, cuối tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã đồng ý cho phép Tuyển than Cửa Ông đổ xít thải tạm trữ tại khu vực Cụm công nghiệp 10-10 tại phường Cẩm Thịnh, TP. Cẩm Phả trong giai đoạn thi công dự án. Bên cạnh đó, Tuyển than Cửa Ông cũng thực hiện nhiều giải pháp xử lý ô nhiềm, như: Hệ thống phun sương liên tục tại các tuyến, điểm sàng tuyển và vận chuyển; trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường...

Nhờ những giải pháp thiết thực, hiệu quả, Tuyển than Cửa Ông đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên Việt Nam trao tặng danh hiệu Doanh nghiệp vì môi trường. Đồng thời, được Bộ Tài nguyên và Môi trường trao Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2015.