Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi là một trong hai cơ sở sản xuất chính của Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Từ khi thành lập năm 2007, Nhà máy đã được Sabeco đầu tư hệ thống máy móc hiện đại đạt tiêu chuẩn châu Âu, được thiết kế và xây dựng bởi liên doanh Krones-Haskoning-Coteccons.
Trong những năm qua, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của các quá trình công nghiệp đồng thời đảm bảo các yếu tố môi trường bền vững, Nhà máy đã hợp đồng với Công ty Cổ phần Tập đoàn Tín Thành (Tín Thành) để cung cấp hơi bão hòa từ các lò hơi đốt nhiên liệu sinh khối biomass. Nhằm đảm bảo nhu cầu của Nhà máy, Tín Thành vận hành hai hệ thống nồi hơi gồm hệ thống nồi chính công suất 30 tấn/giờ và một hệ thống nồi dự phòng công suất 20 tấn/giờ.
Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi được đầu tư hệ thống máy móc hiện đại đạt tiêu chuẩn châu Âu, được thiết kế và xây dựng bởi liên doanh Krones-Haskoning-Coteccons.
Năm 2019, các chuyên gia dự án "Thúc đẩy việc sử dụng và vận hành nồi hơi hiệu quả năng lượng tại Việt Nam" của Bộ Công Thương và Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) đã hỗ trợ đánh giá hiệu suất các nồi hơi tại đây. Qua quá trình khảo sát đánh giá, chuyên gia nhận xét chung hệ thống đang vận hành tốt, hiệu suất đạt 73%. Ưu điểm của các hệ thống là sử dụng nhiên liệu sinh khối nên tạo ít phát thải hơn so với các hệ thống sử dụng than. Ngoài ra còn giúp tận dụng hiệu quả các loại phế phụ phẩm sản xuất.
Tuy nhiên, các nồi hơi vẫn có một số vấn đề cản trở hiệu suất vận hành. Cụ thể, độ dẫn điện của nước xả đáy khá cao, khoảng 13.340 µS/cm, dẫn đến việc đóng cáu cặn bên trong nồi hơi làm giảm hiệu quả trao đổi nhiệt.
Ngoài ra, hàm lượng oxy trong khói thải nồi hơi khá cao, >10%, làm tăng tổn thất theo khói thải. Bề mặt bên ngoài của bộ sấy không khí, đường ống cấp nước, cửa buồng đốt và các van trên ống góp chưa được bảo ôn, làm tăng gia tổn thất nhiệt ra môi trường. Qua đo đạc thực tế cho thấy nhiệt độ bề mặt khoảng 90-95oC. Đường ống cấp nước vào lò hơi, mặt bích buồng lửa và các van khóa trên ống góp chưa được bảo ôn, cũng làm gia tăng tổn thất nhiệt ra môi trường.
Ưu điểm hệ thống lò hơi của Nhà máy là sử dụng nhiên liệu biomass thân thiện môi trường.
Từ những kết quả khảo sát trên, các chuyên gia dự án đưa ra ba khuyến nghị chính. Đó là: điều chỉnh chế độ xả để đảm bảo chất lượng nước lò, điều chỉnh chế độ cháy của nồi hơi để giảm hệ số không khí thừa, và bảo ôn bộ sấy không khí, hệ thống đường ống và các vị trí có nhiệt độ cao.
Qua xem xét các khuyến nghị của chuyên gia dự án, đồng thời đánh giá năng lực tài chính, năng lực kỹ thuật với hiệu quả tổng thể, Tín Thành đã quyết định thực hiện ba giải pháp chính. Giải pháp đầu tiên là điều chỉnh chế độ cháy của nồi hơi để giảm hệ số không khí thừa. Sau khi điều chỉnh hàm lượng oxy trong khói thải giảm từ 10,09% xuống còn 7%. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng tăng cường bảo ôn cho các thiết bị tận dụng nhiệt (hâm nước, sấy không khí), bồn nước cấp của nồi hơi và tăng chiều dày bảo ôn toàn bộ hệ đường ống hơi từ 50mm lên 100mm.
Bên cạnh đó, sau khi cân nhắc, Tín Thành cũng thực hiện thêm hai giải pháp kết hợp bổ sung. Đóng là lắp thêm bộ hâm nước thứ cấp và bình tích hơi. Đồng thời cũng sửa chữa, cải tạo hệ thống cấp liệu, tăng lưu lượng cột áp quạt thổi liệu vào buồng đốt.
Kết quả tổng thể, hiệu suất năng lượng của nồi hơi tăng hơn 4%, từ 73% lên 77,36%. Nhận xét về hiệu quả hợp tác với dự án, ông Trần Đình Quyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị doanh nghiệp cho biết: "Dự án đã tạo điều kiện cho Tập đoàn đẩy nhanh việc đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn và ý thức tiết kiệm năng lượng của công nhân vận hành nồi hơi. Chúng tôi sẽ tiếp tục áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng tại các cơ sở khác của Tập đoàn trên cả nước."
Được biết, nhờ áp dụng các kỹ thuật cải tiến do các chuyên gia dự án khuyến nghị, ước tính mỗi năm doanh nghiệp cắt giảm được khoảng 1.441 tấn phát thải CO2. Hiệu quả kinh tế là tiết kiệm gần 1,3 tỷ đồng chi phí mua nguyên liệu sinh khối mỗi năm.
Dự án "Thúc đẩy việc sử dụng và vận hành nồi hơi hiệu quả năng lượng tại Việt Nam" do Bộ Công Thương và Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc thực hiện từ năm 2015-2019, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ từ Quỹ khí hậu toàn cầu GEF. Giai đoạn tiếp theo của sẽ được tiếp tục trong năm 2022. |
Giang Nguyễn