Tp. Hải Phòng với dân số vào khoảng 2.1 triệu người cùng nhiều ngành công nghiệp chủ chốt (xi-măng, thép, dệt may, da giày) đang trên đà phát triển đã và đang làm phát sinh khoảng 1.600 tấn chất thải rắn (CTR) mỗi ngày, bao gồm cả CTR sinh hoạt và CTR công nghiệp. Lượng CTR này hầu như không được phân loại và vì thế rất khó để có thể tái chế. Phần lớn CTR đều được xử lý bằng phương pháp chôn lấp và 1 phần nhỏ được đem đốt. Các bãi chôn lấp CTR đã trở nên quá tải và lượng CTR được đem đốt quá nhỏ so với lượng thải ra mỗi ngày (công suất đốt chỉ đạt khoảng 34 tân/ngày). Lượng rác thải hiện tại đã nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng và cũng tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy Hải Phòng tìm ra giải pháp mới: tận dụng CTR như một loại tài nguyên.
Khoảng 900 tấn trong lượng CTR phát sinh được chôn lấp tại các bãi chôn lấp nhỏ lẻ, không hợp vệ sinh; số còn lại được đưa về 2 nhà máy xử lý rác tập trung Tràng Cát và Đình Vũ.
Năm 2014, UBND Tp. Hải Phòng đã phối hợp với TT Giảm trừ khí Cacbon Châu Á và Sở TN – MT Tp KitaKyushu Nhật Bản cơ quan nghiên cứu chiến lược môi trường Trái Đất tổ chức hội thảo Nghiên cứu quy hoạch xây dựng đô thị giảm trừ khí CO2. Sau hội thảo, Công ty thương mại Nishihara cùng hợp tác với Công ty Thanh Vinh thiết lập trung tâm dây chuyền phân loại và compost hóa đồng thời thực hiện điều tra tính khả thi của công trình xử lý mới tập trung chính vào bán nguyên liệu Compost. Theo đó, CTR sinh hoạt sẽ được phân loại, lượng CTR sinh hoạt được tái chế có thể đạt 70% lượng thu gom. Dự án kỳ vọng giảm được 2.000 tấn CO2/năm. Kinh phí xây dựng nhà máy tái sử dụng CTR sinh hoạt làm phân compost ước tính từ 70 – 80 triệu JPY.
Hiện nay, Nhà máy xử lý CTR Tràng Cát tái chế rác thải làm phân compost do thiếu kinh phí vận hành và không quản lý tốt khâu phân loại, lượng rác gom về không thể tái chế và sản xuất ra loại phân hữu cơ có chất lượng không đảm bảo, khó tiêu thụ nên chỉ hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên, Tp. Hải Phòng vẫn đang nỗ lực kêu gọi và thu hút các nhà đầu tư như Nhật Bản, tham gia hỗ trợ. Một số chủ nguồn thải trên địa bàn thành phố cũng chủ động tìm đối tác nghiên cứu, đầu tư, tái chế chất thải.
Lãnh đạo TP Hải Phòng cũng đã phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản lập dự án tái chế CTR thành nguyên liệu sản xuất xi măng (chủ yếu từ CTR công nghiệp). Dù việc tái chế và tận thu CTR như một nguồn nguyên liệu để sản xuất xi măng tại Việt Nam còn hạn chế nhưng cũng bắt đầu được quan tâm phát triển tại 1 số tỉnh trong cả nước, tiêu biểu như Ninh Bình
Tận thu CTR công nghiệp để sản xuất xi-măng
Tại Hải Phòng, tro bụi của Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng, Công ty cổ phần DAP hay hạt nix của Nhà máy đóng tàu Phà Rừng đều có thể tận dụng để làm phụ gia xi-măng. Trong khi công ty xi-măng Chinfon phải nhập khẩu tro bụi từ Nhật Bản để làm phụ gia xi-măngdoanh nghiệp phát sinh chất thải này lại phải tìm cách thải bỏ. Dù nhìn ra được những lợi ích kinh tế từ việc tái chế CTR công nghiệp như bụi, tro bay, hạt nix làm nguyên liệu cho sản xuất xi-măng nhưng lại chưa có hướng dẫn, chỉ đạo thích hợp về công nghệ xử lý, phân loại những loại CTR công nghiệp này.
Trong bối cảnh đó, Công ty CP DAP đã tiên phong trong chiến dịch tận thu CTR công nghiệp làm phụ phẩm cho sản xuất xi-măng. Những năm gần đây, công ty đã tích trữ khoảng 2 triệu tấn bã thạch cao (CTR công nghiệp) và nghiên cứu giải pháp biến loại CTR công nghiệp này thành thạch cao nhân tạo làm phụ gia xi-măng. Năm 2010, Công ty cổ phần thạch cao Đình Vũ ra đời. Năm 2014, công ty thạch cao Đình Vũ đã sản xuất được khoảng 1 vạn tấn thạch cao nhân tạo cung cấp cho thị trường sản xuất xi-măng trong nước.
Tái chế CTR sinh hoạt và CTR công nghiệp là một lĩnh vực đầy tiềm năng nhưng chưa có được điều kiện tốt nhất để phát triển. Tp. Hải Phòng đã và đang tiếp tục nỗ lực nghiên cứu các giải pháp, kêu gọi hỗ trợ, đầu tư, liên kết với các tổ chức môi trường quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm tới thị trường công nghiệp Hải Phòng như Nhật Bản, Hàn Quốc; đồng thời ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN thực hiện thu gom và tái chế CTR với mục tiêu biến rác thải trở thành một nguồn tài nguyên, đem lại lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường.