Chiều ngày 3 tháng 6 tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Ảnh hưởng của xu hướng giá thành điện gió ngoài khơi thế giới đến Việt Nam” do Bộ Công Thương phối hợp tổ chức cùng Cục Năng lượng Đan Mạch và Đại sứ quán Đan Mạch. Tại hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn từ Đan Mạch trong việc thúc đẩy thị trường điện gió ngoài khơi, từ đó gợi mở những hướng đi cho Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, cho biết Chính phủ Việt Nam đã xác định phát triển kinh tế theo hướng giảm phát thải. Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra cam kết đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, một lần nữa khẳng định quyết tâm của Việt Nam trên con đường này.
Ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, cho biết Chính phủ Việt Nam đã xác định phát triển kinh tế theo hướng giảm phát thải.
Ông Phạm Nguyên Hùng cũng cho biết con đường tới mục tiêu trung hòa carbon bao gồm phát triển thị trường năng lượng tái tạo, sẽ tạo ra nhiều thách thức cho Việt Nam. “Đan Mạch là quốc gia đã có nhiều kinh nghiệm trong phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Thông qua các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Chương trình đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch, Đan Mạch sẽ hỗ trợ hiệu quả cho Bộ Công Thương và các đối tác Việt Nam để xây dựng và phát triển thị trường này trong thời gian tới”, ông Hùng khẳng định.
Ông Ulrik Eversbusch, Giám đốc Trung tâm Hợp tác toàn cầu - Cục Năng lượng Đan Mạch.
Theo các chuyên gia, điện gió ngoài khơi có những đặc điểm công nghệ khác hoàn toàn so với gió gần bờ, và thường được phân biệt qua các yếu tố: khoảng cách từ trang trại gió đến bờ, quy mô công suất và công nghệ.
Ngoài yếu tố kỹ thuật, vốn cũng là yếu tố quan trọng quyết định tính hiệu quả của dự án điện gió ngoài khơi. Khác với các nguồn năng lượng tái tạo khác như điện mặt trời có khả năng duy trì hiệu quả ở công suất nhỏ, thậm chí siêu nhỏ như quy mô hộ gia đình, điện gió ngoài khơi đòi hỏi nguồn vốn lớn với thời gian vận hành dài.
Với sự phát triển của công nghệ, các tuabin gió hiện đại có kích thước lớn với hiệu suất cao cho khả năng vận hành với chi phí thấp hơn. Giá thành điện gió ngoài khơi đã giảm trên toàn cầu. Đây là yếu tố và động lực hết sức quan trọng cho sự phát triển nhanh chóng và rộng rãi của loại hình công nghệ này.
Cố vấn trưởng của Cục Năng lượng Đan Mạch ông Erik Kjær đã chia sẻ kinh nghiệm về việc xây dựng chính sách dài hạn và ổn định để thu hút dòng vốn đầu tư cho điện gió ngoài khơi. Theo đại diện DEA, đối thoại minh bạch giữa các cơ quan chức năng và nhà đầu tư về chia sẻ rủi ro và xây dựng một khuôn khổ pháp lý thuận lợi là bài học kinh nghiệm quý báu nhất từ Đan Mạch. Điều này giúp tạo ra môi trường đầu tư cạnh tranh, đảm bảo khả năng thu hút các khoản đầu tư lớn cần thiết cho sự phát triển ngành này.
Ông Erik Kjær cũng chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện gói thầu thiết lập kỷ lục về giá cho dự án điện gió ngoài khơi. Gói thầu dự án Thor hoàn thành cuối năm 2021. Trang trại điện gió công suất 1000 MW cách bờ biển phía tây Biển Bắc Nissum Fjord 20km sẽ kết nối điện từ năm 2025-2027.
Giá trị gói thầu tại thời điểm hoàn tất quy trình đấu thầu có tổng vốn đầu tư 15,5 tỷ DKK, tương đương 2,25 tỷ USD, đã thiết lập một kỷ lục mới về giá. Điều này cho thấy khả năng cạnh tranh của công nghệ điện gió ngoài khơi khi có các điều kiện pháp lý thuận lợi.
Các nhà đầu tư quốc tế nhận định Việt Nam đang có tất cả các điều kiện để phát triển điện gió ngoài khơi cạnh tranh hiệu quả về chi phí.
Một số tập đoàn đầu tư phát triển điện gió toàn cầu có kinh nghiệm cũng chia sẻ góc nhìn của họ về định hướng phát triển phù hợp nhất cho Việt Nam. Ông Sebastian Hald Buhl, Giám đốc quốc gia Orsted tại Việt Nam cho biết Tập đoàn coi Việt Nam là thị trường tiềm năng. Hiện Tập đoàn đang làm việc với các cơ quan chính phủ, đối tác địa phương để nghiên cứu một số dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn trong Quy hoạch điện 8.
Các nhà đầu tư quốc tế nhận định Việt Nam đang có tất cả các điều kiện để phát triển điện gió ngoài khơi cạnh tranh hiệu quả về chi phí so với các nguồn năng lượng truyền thống khác. Tuy nhiên, cần một khung pháp lý chắc chắn hơn để đảm giảm thiểu rủi ro, bảo đảm sự ổn định cho các dự án điện gió phát triển trong tương lai.
Chương trình Đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch (DEPP) được bắt đầu từ năm 2013. Chương trình có mục tiêu thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế carbon thấp tại Việt Nam. Giai đoạn đầu của Chương trình DEPP I (2013-2017), tập trung vào phát triển carbon thấp trong lĩnh vực công nghiệp và tòa nhà. DEPP II (2017-2020), tích hợp năng lượng tái tạo vào lưới điện và thiết lập mô hình kịch bản dài hạn cho ngành năng lượng. DEPP III (2020-2025) bao gồm hoạt động thúc đẩy điện gió ngoài khơi và xây dựng các cơ chế khuyến khích nhằm cải thiện sử dụng năng lượng hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam. DEPP III cũng tiếp tục thiết lập mô hình dài hạn cho ngành năng lượng với các ấn phẩm Báo cáo triển vọng năng lượng được xuất bản hai năm một lần. |
An Nhiên