Dệt may "xanh hoá" nguồn năng lượng phục vụ sản xuất
Thứ sáu, 03/06/2022
Sản xuất xanh đang là xu hướng toàn cầu, đây là một tiêu chí mới giúp doanh nghiệp dệt may nâng cao vị thế cạnh tranh ở thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên để đạt được tiêu chuẩn đó, nhà sản xuất phải sử dụng sợi tái chế, không chứa chất độc hại, đáp ứng các tiêu chí về phát triển bền vững, giảm phát thải, thân thiện với môi trường...
Để sớm thực hiện công cuộc "xanh hóa" thì sử dụng năng lượng sạch cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất.
Sản xuất xanh đang là xu hướng toàn cầu, đây là một tiêu chí mới giúp doanh nghiệp dệt may nâng cao vị thế cạnh tranh ở thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên để đạt được tiêu chuẩn đó, nhà sản xuất phải sử dụng sợi tái chế, không chứa chất độc hại, đáp ứng các tiêu chí về phát triển bền vững, giảm phát thải, thân thiện với môi trường... Yêu cầu các nhà máy phải có chứng chỉ RCS/GRS…
Dệt may cần dùng năng lượng sạch để nâng cao năng lực cạnh tranh
Chia sẻ rõ hơn về quy định này, ông Thân Đức Việt, TGĐ - Tổng Công ty May 10 cho biết, ngày 30/3/2022 EU thông qua một gói hợp tác trong thỏa thuận xanh đối với hàng dệt may nhập khẩu, bao gồm 04 tiêu chí: Thiết kế sinh thái; Chiến lược phát triển bền vững và tuần hoàn Dệt may; Thúc đẩy thị trường nội khối cho các sản phẩm xây dựng và cuối cùng là tăng khả năng giám sát người tiêu dùng (tức người tiêu dùng được thông báo tốt hơn về tính bền vững môi trường của sản phẩm và được bảo vệ tốt hơn trước nạn “quảng cáo xanh- Greenwashing”).
Theo đó, tầm nhìn EU tới năm 2030, các sản phẩm dệt may được đưa vào thị trường EU có tuổi thọ cao và có thể tái chế ở mức độ lớn. Điều này cho thấy, thời trang nhanh không còn là xu hướng, thay vào đó là các dịch vụ sửa chữa và tái sử dụng có lợi nhuận kinh tế sẽ được phổ biến rộng rãi. Về phía cung ứng, các nhà sản xuất dệt may phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình trong chuỗi giá trị, kể cả khi chúng trở thành chất thải.
Theo ông Việt đây sẽ là khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp khi đưa ra quyết định giữa lợi nhuận và tăng trưởng xanh. Bởi phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa đều thiếu vốn để đầu tư hoặc nâng cấp nhà máy.
Bên cạnh đó, hiện tại đầu tư phát triển sản phẩm xanh ở Việt Nam chưa có nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp vay vốn để phát triển. Nhìn ra thế giới, mặc dù công nghệ xanh đã rất phát triển, song thực tế áp dụng ở Việt Nam còn nhiều hạn chế nhất định. Doanh nghiệp có thể được chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại nhưng yếu tố con người, trình độ năng lực còn chưa theo kịp.
Doanh nghiệp Dệt may cần xanh hóa nếu không muốn bị đào thải khỏi thị trường lớn
Với chương trình “xanh hoá”, ông Việt chia sẻ, hiện tại vẫn còn tồn tại hai mâu thuẫn, một mặt doanh nghiệp luôn luôn phải tiến đến những với xu thế của thế giới. Mặt khác, doanh nghiệp cũng bị áp lực bởi chính những đối tác nhập khẩu, khi họ liên tục đưa ra các yêu cầu về phát triển bền vững, xanh hóa giảm phát thải, tránh ô nhiễm môi trường.
“Do đó, để sớm thực hiện công cuộc xanh hóa, chúng tôi cho rằng ngoài việc đầu tư các thiết bị tiên tiến, chấp hành tốt quy định bảo vệ môi trường, ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu đầu vào thì sử dụng năng lượng sạch cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất. Để thực hiện mục tiêu này, doanh nghiệp cần lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà nhằm tận dụng được nguồn năng lượng sạch phục vụ cho sản xuất" - ông Việt nói và thông tin với May 10 đã áp dụng đồng bộ các quy trình gồm xử lý nước thải để tái sử dụng, cũng như tiết kiệm năng lượng trong sản xuất. Tổng hợp các giải pháp trên mỗi năm doanh nghiệp có thể tiết kiệm kinh phí lên đến hàng tỉ đồng. Ngoài ra, không ngừng nâng cấp công nghệ hay đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, tạo tiền đề cho những bước phát triển đột phá.
Cụ thể: Đầu tư thiết bị để tiết kiệm năng lượng; Sử dụng kết hợp năng lượng mặt trời để làm nước nóng cho sinh hoạt. Đầu tư hệ thống pin năng lượng mặt trời cho dự án tại Bỉm Sơn trong năm 2022 có công suất khoảng 2 Mw. "Tuy nhiên cái khó hiện nay là cơ chế về mua bán và sử dụng điện năng lượng mặt trời chưa rõ ràng, do đó chúng tôi cần các Bộ ngành ban hành quy định cụ thể để doanh nghiệp đầu tư có nguồn điện sạch phụ vụ cho sản xuất” - ông Việt nhấn mạnh.
Cùng quan điểm trên ông Trương Văn Cẩm Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, không tuân thủ yêu cầu “xanh hóa” sẽ gây bất lợi lớn cho các doanh nghiệp như không thể ký được các đơn hàng xuất khẩu vào châu Âu do khách hàng sẽ chuyển đơn hàng nhập khẩu sang nước khác. Vì vậy để có đơn hàng doanh nghiệp phải tìm tòi mạnh dạn đầu tư đồng bộ các giải pháp để nhanh tiến tới công cuộc xanh hóa… nếu không muốn bị đào thải khỏi thị trường này.
Trước những chia sẻ trên cho thấy để xuất khẩu vào thị trường EU, tận dụng cơ hội Hiệp định thương mại EVFTA, trước hết các doanh nghiệp phải nâng cao nhận thức coi việc “xanh hóa”, phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu, trong đó sử dụng năng lượng sạch cũng là yếu tố quan trọng để đáp ứng mục tiêu xanh hóa.
Theo: Diễn đàn Doanh nghiệp