Vừa qua tại Tp. Hồ Chí Minh đã diễn ra hội thảo tham vấn kết quả nghiên cứu “Kế hoạch phát triển giao thông vận tải bằng phương tiện giao thông điện tại TP. Hồ Chí Minh”. Hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án "Sáng kiến giao thông trong NDC tại các nước châu Á" (NDC-TIA) do Chính phủ CHLB Đức tài trợ. Dự án nhằm hỗ trợ các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, tăng cường năng lực, khung pháp lý thúc đẩy phát triển GTVT carbon thấp, giảm phát thải khí nhà kính.
Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện tại giao thông vận tải chiếm hơn 18% tổng phát thải khí nhà kính và không ngừng tăng qua các năm. Đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh phát thải CO2 từ các phương tiện cơ giới ngày càng tăng do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu di chuyển tại khu vực nội đô và các vùng lân cận tăng cao.
Hiện TP. Hồ Chí Minh có hơn 9 triệu phương tiện cá nhân, chủ yếu sử dụng xăng và diesel.
Do đó, đại diện Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh cho rằng vận tải bằng phương tiện giao thông điện là bước đi cần thiết để giảm thiểu phát thải do giao thông đô thị gây ra. “Phát triển giao thông vận tải bằng phương tiện giao thông điện là bước khởi đầu quan trọng cho sự chuyển đổi về phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch, góp phần giảm phát thải khí nhà kính để môi trường ngày càng trong sạch hơn”, ông An nhấn mạnh.
Giám đốc dự án NDC-TIA bà Urda Eichhorst nhận định việc chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu sạch, như xe điện, đang diễn ra trên quy mô toàn cầu. Tại TP. Hồ Chí Minh, kế hoạch hành động cho phương tiện giao thông điện sẽ là then chốt để áp dụng trên phạm vi toàn thành phố một cách nhanh chóng. Đây cũng sẽ là bài học kinh nghiệm quan trọng giúp các thành phố khác triển khai trong tương lai.
Giao thông vận tải là một trong những tác nhân lớn nhất tạo phát thải khí nhà kính, chiếm tới 18,38% tổng lượng phát thải khí nhà kính, theo báo cáo “Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu trong ngành giao thông vận tải Việt Nam” của Ngân hàng thế giới. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh là một trong những đô thị có tỷ lệ tăng phương tiện cơ giới nhanh. Thống kê từ phòng CSGT đường bộ thành phố cho thấy, trong vòng 10 năm từ 2010-2020, toàn thành phố đã tăng thêm 4 triệu phương tiện giao thông cá nhân. Tính đến năm 2020, toàn thành phố có gần 9 triệu phương tiện cá nhân, với hơn 8,12 triệu xe máy và 825 nghìn xe ô tô, đa số trong đó là phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. |
TP. Hồ Chí Minh cũng là địa phương chịu ảnh hưởng mạnh của biến đổi khí hậu. Theo GS. TS. Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, trưởng nhóm tư vấn dự án, thì trong nhiều năm qua, nhiệt độ trung bình năm của thành phố đã tăng 1,4%, diện tích ngập thường xuyên tới năm 2050 dự báo tăng lên 61% (năm 2009 là 54%).
Để thay đổi tình trạng này, phát triển giao thông dựa trên các nguồn nhiên liệu sạch, như khí tự nhiên, điện, nhiên liệu sinh học, đã được xác định là một trong năm nhóm giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông vận tải. Điều này đặc biệt cấp thiết trong bối cảnh Việt Nam đã đề ra các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính theo Thỏa thuận Paris và tại COP26.
Đánh giá về thực trạng thị trường giao thông của thành phố, Trưởng nhóm tư vấn dự án cho biết hiện tại ô tô và xe máy là phương tiện giao thông chính, đáp ứng 86,35% nhu cầu đi lại của người dân. Chủ yếu phương tiện sử dụng xăng và diesel. Thị phần xe điện chiếm tỷ lệ không đáng kể và thành phố cũng không có mục tiêu cụ thể đối với việc phát triển giao thông điện.
Nhóm chuyên gia Dự án đề xuất đến năm 2050 dừng cấp đăng ký mới với tất cả xe sử dụng nhiên liệu từ động cơ đốt trong.
Thực trạng hạ tầng phương tiện giao thông điện trong thành phố hiện đang trong giai đoạn sơ khai. Tuy nhiên, theo đánh giá từ chuyên gia, có một số động lực để chuyển đổi hạ tầng với sự tham gia của một số doanh nghiệp tư nhân lớn trong và ngoài nước. Khảo sát cũng cho thấy hiện có 44% doanh nghiệp có nhu cầu/kế hoạch chuyển đổi sang xe điện và 13,2% người dân có nhu cầu sử dụng xe điện, chủ yếu là xe máy điện. Bên cạnh đó, thành phố cũng có tiềm năng điện hóa cao với giao thông đường thủy.
Dựa trên những đánh giá khảo sát thực trạng và tiềm năng, nhóm tư vấn kiến nghị lộ trình phát triển giao thông điện cho thành phố gồm ba giai đoạn. Giai đoạn 1, 2022-2030, đặt mục tiêu xe điện tiêu thụ đạt 20% xe mô tô/xe máy/ô tô con, 10% taxi, 50% xe bus. Giai đoạn 2, 2030-2040, xe điện tiêu thụ đạt 50% xe mô tô/xe máy/ô tô con, 20% taxi, 100% xe bus. Giai đoạn 3, đến năm 2050, xe điện tiêu thụ đạt 90% xe mô tô/xe máy/ô tô con, 60% taxi, 100% xe bus.
Để đạt được các mục tiêu trên, giải pháp được đề xuất là từng bước phân vùng kiểm soát khí thải và thu phí ô nhiễm theo từng giai đoạn. Cụ thể, đến năm 2025, xây dựng và ban hành định mức kỹ thuật phát triển phương tiện giao thông điện. Đến 2030, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, thống nhất tiêu chí đối với các trạm sạc. Đến 2035, dừng cấp đăng ký mới với xe buýt sử dụng động cơ đốt trong. Đến 2040 đặt mục tiêu dừng cấp đăng ký mới với xe dung động cơ diesel và xe mô tô/xe máy dùng động cơ đốt trong. Năm 2050, dừng cấp đăng ký mới với tất cả xe sử dụng nhiên liệu từ động cơ đốt trong.
Hải Yến