[In trang]
Khai thác khoáng sản hướng tới mục tiêu sản xuất an toàn và thân thiện môi trường
Thứ ba, 03/05/2022
Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công thương vừa tổ chức Hội nghị phổ biến văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực an toàn trong khai thác, chế biến khoáng sản; bàn giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác khoáng sản, đảm bảo phục vụ hoạt động phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường.
Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công thương vừa tổ chức Hội nghị phổ biến văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực an toàn trong khai thác, chế biến khoáng sản; bàn giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác khoáng sản, đảm bảo phục vụ hoạt động phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường.
Thách thức trong khai thác khoáng sản
Ông Tô Xuân Bảo - Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp cho biết, thời gian qua, các đơn vị khai thác và chế biến khoáng sản trong phạm vi toàn quốc về cơ bản đã thực hiện tương đối tốt các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác khoáng sản.
Tuy nhiên, mức độ thực hiện và tự giác thực hiện cũng như hiệu quả quản lý của các văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều hạn chế, đó là: Vẫn còn để xảy ra nhiều vi phạm về kỹ thuật an toàn, dẫn đến tai nạn sự cố; thực hiện chưa nghiêm những quy định về quản lý tài nguyên khoáng sản, còn để lãng phí, chưa tận dụng hết những giá trị và lợi ích của nguồn tài nguyên… Nguyên nhân là do các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, các doanh nghiệp chưa nắm bắt rõ để vận dụng đầy đủ, đúng đắn các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Những năm tới, sản lượng khai thác than và khoáng sản ngày càng phải tận dụng triệt để những lợi ích mang lại cho phát triển kinh tế đất nước, cùng với đó là điều kiện khai thác ngày càng xuống sâu, đi xa (đặc biệt khi khai thác tài nguyên khoáng sản bằng phương pháp hầm lò), tiềm ẩn thêm nhiều nguy cơ mất an toàn đối với người lao động, thiết bị, công trình và gây ô nhiễm môi trường.
Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý về kỹ thuật, đảm bảo thu hồi tối đa phần tài nguyên hữu ích trong khai thác, các hoạt động khai thác, chế biến phải đảm bảo an toàn. Đó cũng là thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp, các nhà quản lý các cấp từ địa phương đến trung ương, đòi hỏi tính kỷ luật, sự nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật.
Ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công thương Nghệ An, dẫn chứng trong những năm qua, ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã phát triển khá nhanh. Công nghệ khai thác áp dụng các công nghệ tiên tiến. Song song với những đóng góp lớn cho quá trình phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản ở Nghệ An vẫn còn một số nơi để xảy ra tình trạng mất an toàn lao động, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của người lao động và ảnh hưởng, xáo trộn chất lượng cuộc sống của nhân dân xung quanh khu vực có hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản.
"Đứng trước nguy cơ về mất an toàn lao động và ô nhiễm môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành và chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý nhằm lập lại trật tự trong lĩnh vực hoạt động này, đặc biệt, tập trung vào công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật; tổ chức đào tạo, huấn luyện kỹ thuật an toàn lao động và hoạt động thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Về lâu về dài cần có giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác khoáng sản, đảm bảo phục vụ hoạt động phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường" - ông Hóa nói.
Thực hiện nghiêm các quy định trong Luật Khoáng sản
Đề cập đến công tác khai thác khoáng sản trong thời gian tới, ông Tô Xuân Bảo cho hay, để ngành khai khoáng Việt Nam đạt được mục tiêu đảm bảo an toàn và thân thiện với môi trường, đơn vị sẽ tăng cường các hoạt động giám sát, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp về lợi ích trong việc tuân thủ các quy định của Luật Khoáng sản; tăng cường công tác quản lý nhà nước tại các địa phương về kỹ thuật an toàn trong khai thác và chế biến khoáng sản.
Khai thác khoáng sản hướng tới mục tiêu sản xuất an toàn và thân thiện môi trường
Đặc biệt là khuyến nghị và giám sát các đơn vị, doanh nghiệp tuân thủ nghiêm quy định tại Điều 57, Luật Khoáng sản (Luật số 60/2010/QH12) quy định về vấn đề an toàn lao động, vệ sinh lao động trong khai thác khoáng sản.
Cụ thể, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, người làm việc tại mỏ phải thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động (QCVN 01:2011/BCT…); tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải ban hành nội quy lao động của mỏ phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật về an toàn lao động, vệ sinh lao động; khi có nguy cơ xảy ra sự cố về an toàn lao động, giám đốc điều hành mỏ phải áp dụng ngay các biện pháp cần thiết để loại trừ nguyên nhân xảy ra sự cố (Thông tư số 43/2010/TT-BCT).
Bên cạnh đó, thực hiện đầy đủ quy định tại điểm d, Điều 55 của Luật Khoáng sản về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản: Khai thác tối đa khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm; bảo vệ tài nguyên khoáng sản; thực hiện an toàn lao động, vệ sinh lao động và các biện pháp bảo vệ môi trường.
Ở cấp độ vĩ mô, Bộ Công thương cho rằng, giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động khoáng sản hiện nay là đẩy mạnh và thực hiện tốt việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản; đảm bảo quyền và lợi ích của Nhà nước có khoáng sản theo yêu cầu của Nghị quyết số 01/NQ-CP (ngày 1 tháng 1 năm 2020) về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, nhất là đối với công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản, xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế; thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; kiên quyết xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản và môi trường;
Đặc biệt, cơ quan chức năng cần nhanh chóng hoàn thành việc xây dựng quy chế phối hợp quản lý khoáng sản ở khu vực giáp ranh hai hay nhiều tỉnh, nhất là khoáng sản cát, sỏi lòng sông; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân, xử lý cơ quan hoặc người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra sai phạm tại địa bàn quản lý; tăng cường và thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý khai thác cát, sỏi; tăng cường quản lý, kịp thời phát hiện, tố cáo các hành vi tiêu cực trong quản lý, hoạt động khoáng sản nói chung, khoáng sản cát, sỏi nói riêng.
Nguồn Thời báo tài chính