Giảm phát thải khí nhà kính bảo vệ môi trường
Thứ tư, 27/04/2022
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về triển khai các cam kết của Việt Nam thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính, Bộ Công Thương đã xây dựng kế hoạch triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất công nghiệp thiết thực bảo vệ môi trường.
Cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, nguy cơ ô nhiễm xuyên biên giới, ô nhiễm theo dòng chảy công nghệ lạc hậu, chất thải vào Việt Nam ngày càng lớn, trong khi đó Việt Nam đang thiếu các công cụ hữu hiệu để phòng ngừa, ngăn chặn từ xa.
Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia đã triển khai các giải pháp quan trọng, chuyển dịch từ mô hình kinh tế tuyến tính phát thải lớn sang các mô hình kinh tế ít phát thải các-bon, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh gia tăng nhanh dân số, sức ép của tăng trưởng, nhu cầu tiêu thụ các loại nhiên liệu và năng lượng làm gia tăng khai thác tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
Việt Nam khẳng định mạnh mẽ thông điệp đồng hành cùng cộng đồng quốc tế trong công cuộc ứng phó biến đổi khí hậu.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc áp dụng các giải pháp sản xuất sạch có ý nghĩa với Việt Nam khi có một thời gian dài phát triển chủ yếu dựa vào khai thác các nguồn tài nguyên, thâm dụng vào vốn tự nhiên sẵn có và đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về triển khai các cam kết của Việt Nam thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính, Bộ Công Thương đã xây dựng kế hoạch triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất công nghiệp thiết thực bảo vệ môi trường.
Theo đó, ngành Công Thương sẽ tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ chính, gồm: triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kiểm soát phát thải khí nhà kính theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật có liên quan, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; xây dựng nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cam kết toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển xe ô tô điện.
Trong đó, mục tiêu tổng thể của kế hoạch là nhằm hoàn thiện các cơ chế chính sách và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính cho toàn ngành công thương, kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải khí nhà kính lớn như các nhà máy nhiệt điện, các cơ sở sản xuất công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng và phát thải khí nhà kính như thép, hóa chất, giấy, dệt nhuộm…
Nguồn Thời báo tài chính