[In trang]
Quảng Ninh thúc đẩy các mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững nhờ ứng dụng công nghệ cao
Thứ tư, 13/04/2022
Tỉnh Quảng Ninh xác định nuôi trồng thủy sản công nghệ cao là chìa khóa khai thác thế mạnh nuôi trồng thủy sản địa phương, bên cạnh việc đảm bảo các yếu tố môi trường.

Tỉnh Quảng Ninh xác định nuôi trồng thủy sản công nghệ cao là chìa khóa khai thác thế mạnh nuôi trồng thủy sản địa phương, bên cạnh việc đảm bảo các yếu tố môi trường. 

Quảng Ninh là một trong những tỉnh miền Bắc có thế mạnh nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp. Hiện tỉnh có gần 7.000ha tôm nuôi, trong đó có khoảng 4.000ha nuôi tôm công nghiệp. 

Những năm gần đây, nhờ áp dụng các kỹ thuật nuôi thâm canh hoặc siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, năng suất đã tăng vọt so với mô hình nuôi tôm quảng canh thông thường. Một trong những mô hình nuôi tôm công nghệ cao đang được bà con ưa chuộng là ứng dụng công nghệ biofloc. 

Anh Vũ Đình Quyến là một trong những doanh nghiệp tiên phong ứng dụng công nghệ biofloc vào trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng rộng 2,5ha tại TP. Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh). Hơn hai năm trước, sau quá trình tìm hiểu, nhận thấy nghề nuôi tôm có khả năng đem lại hiệu quả kinh tế cao, anh đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ biofloc. 

Nuôi tôm thẻ chân trắng rộng 2,5ha ứng dụng công nghệ cao. 

Anh cho biết: “Là chi hội trưởng Chi hội doanh nghiệp của địa phương, tôi muốn làm một việc gì đó cho anh em học theo. Tôi thấy ứng dụng công nghệ này là hướng đi rất có tiềm năng nên đã mạnh dạn đầu tư. Nếu thành công thì tôi sẽ nhân rộng và hướng dẫn cho mọi người cùng làm.”

Hiện nay, tất cả các ao trong trang trại được ứng dụng công nghệ biofloc trong ao tròn, có bạt che mưa nắng. Theo anh chia sẻ, ưu điểm của ứng dụng công nghệ biofloc trong ao tròn là ao nuôi sạch, giảm tỷ lệ tôm chết, giảm lượng kháng sinh và tiết kiệm công dọn dẹp vệ sinh ao. 

Năm vừa qua, đầm tôm của anh là địa điểm hiếm hoi có tôm bán. Các thương lái vào tận nơi thu mua tôm loại 60 con/kg với giá 185.000 đồng/kg, loại 40-50 con/kg có giá hơn 200.000 đồng/kg. 

Anh Quyến chia sẻ: “Đợt vừa rồi trại nuôi tôm của anh đã được các nhà khoa học và anh em kỹ sư thủy sản về tham quan và đánh giá cao. Tôi mong muốn sẽ kết nối được với chuỗi hệ thống nhà hàng, khách sạn, siêu thị lớn để có thể đảm bảo đầu ra và nâng cao giá trị tôm.”

Theo TS. Nguyễn Xuân Thành, nhà khoa học tại Viện Tài nguyên và Môi trường biển cho biết về cơ bản, biofloc là quá trình nitrat hóa trong ao nuôi thủy sản không cần thay nước. Quá trình này tập hợp một khối các chất hữu cơ lơ lửng trong nước như các loại tảo đơn bào, tảo đa bào, phân, thức ăn dư thừa, xác vi sinh vật, vi khuẩn và kể cả động vật không xương sống…

“Biofloc có khả năng đồng hóa các loại chất thải hữu cơ chuyển thành sinh khối của vi khuẩn trong thời gian ngắn, cải thiện môi trường nước mà không cần ánh sáng như các loại tảo. Đồng thời, các khối chất hữu cơ được hình thành trong quá trình này lại trở thành nguồn thức ăn có hàm lượng chất dinh dưỡng cao cho tôm, cá”, TS. Thành chia sẻ. 

Ứng dụng biofloc vào nuôi cá rô phi thâm canh.

Nhận thấy những tiềm năng của mô hình này, các nhà khoa học của Viện đã đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ biofloc vào nuôi cá rô phi thâm canh. Kết quả thực nghiệm nghiên cứu cho thấy mô hình vẫn đạt hiệu quả cao. Báo cáo nghiên cứu cho thấy, với mật độ nuôi 6 con/m2 bằng mô hình ứng dụng công nghệ biofloc, năng suất ao nuôi đạt 33 - 37 tấn/ha, cao gấp hai lần so với mô hình nuôi hiện nay tại địa phương. Đặc biệt, lợi nhuận ròng tính theo 1 ha cao hơn 2,7 - 3,5 lần. Tỷ suất lợi nhuận cũng tăng cao hơn từ 1,7 - 2,1 lần.

Mô hình nghiên cứu này hiện đã được được Viện chuyển giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng, Chi cục Thủy sản Hải Phòng, Trung tâm khuyến nông Hải Phòng để áp dụng rộng rãi.

Ông Nguyễn Bá Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: "Từ thực tế cho thấy, các trang trại ứng dụng công nghệ cao tiết kiệm thức ăn và tiền điện khoảng 30% so với các mô hình khác. Hiệu quả kinh tế rất rõ rệt.”

"Công nghệ biofloc có ưu điểm giúp giảm chi phí thức ăn. Trước đây, khi không áp dụng công nghệ cao, 1kg tôm cần 1,3kg thức ăn, nhưng có công nghệ Biofloc, 1kg tôm chỉ tốn 1kg thức ăn. Đồng thời,mô hình cũng tạo môi trường nước được sạch hơn, tôm ít bị dịch bệnh", ông Lâm nhấn mạnh. 

Đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng nhấn mạnh trong thời gian tới, địa phương sẽ thúc đẩy liên kết giữa các hộ chăn nuôi thủy sản với các đơn vị thua mua nhằm đảm bảo hiệu quả đầu ra cho bà con. Bên cạnh đó cũng hỗ trợ liên kết giữa nhà khoa học và người chăn nuôi, nhằm mở rộng ứng dụng công nghệ cao trên các mô hình nuôi trồng, tăng cường hiệu quả kinh tế ngành nuôi trồng thủy sản địa phương. 

Thanh Thanh