[In trang]
Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong tiến trình trung hòa carbon trong lĩnh vực năng lượng
Thứ ba, 19/04/2022
Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam lần thứ hai với chủ đề: “Hướng tới trung hòa các bon - Cơ chế, chính sách, công nghệ, tài chính cho các dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí” đã diễn ra tại Hà Nội.
Vừa qua, Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ hai) với chủ đề: “Hướng tới trung hòa các bon - Cơ chế, chính sách, công nghệ, tài chính cho các dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí” đã diễn ra tại Hà Nội. Tầm quan trọng của công nghệ là nội dung rất được chú trọng trong các tham luận của nhiều đơn vị.
Chuyển dịch năng lượng sạch ở Việt Nam - góc nhìn từ công nghệ
Tại Hội nghị các bên về Biến đổi khí hậu – COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tuyên bố với quốc tế về việc Việt Nam sẽ đưa phát thải ròng khí nhà kính các bon về “0” vào năm 2050, giảm 30% tổng phát thải khí mê-tan vào năm 2030 so với năm 2020… 
Để thực hiện mục tiêu này, nền tảng khoa học công nghệ sẽ đóng góp một phần không nhỏ. Nhìn từ góc độ công nghệ, ông Trần Huỳnh Ngọc – Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu phát triển của Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 (PECC2) đã có những chia sẻ về vấn đề này trong tham luận của mình tại diễn đàn.
Ông Trần Huỳnh Ngọc – Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu phát triển của Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 (PECC2) trình bày tham luận tại diễn đàn.
Ông Ngọc cho biết: “Quá trình chuyển hóa năng lượng toàn cầu đã diễn ra từ nhiều năm trước, tỷ trọng đầu tư vào năng lượng tái tạo đang tăng lên qua các năm từ 2010 đến 2017. Tổng đầu tư lắp đặt hệ thống điện gió, điện mặt trời tăng lên 600W vào năm 2021, dưới áp lực của việc khan hiếm nhiên liệu thì xe điện cũng ngày càng tăng lên…". Vì vậy, xu hướng chuyển dịch năng lượng hiện tại sẽ là giảm thiểu phát thải, tối đa hiệu suất hạ tầng và chuỗi cung ứng hiện tại; thay thế nguồn năng lượng và phương pháp tiêu thụ theo hướng sạch hơn; nhân rộng giải pháp và thương mại hóa những cái mới. 
Đặc biệt, ông Ngọc chia sẻ: “Đổi mới sáng tạo về công nghệ là cần thiết để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng đến mức phát thải zero, là chìa khóa để khuyến khích các kỹ thuật mới và cải tiến các hệ thống cũ”. Tuy nhiên, việc nhân rộng các đổi mới sáng tạo cũng gặp nhiều khó khăn như tính sẵn sàng của công nghệ hay các khâu thích nghi sớm…
Về vấn đề chuyển đổi số, tham luận nêu rõ, việc chuyển đổi số sẽ giúp lưu trữ được dữ liệu lớn, trao đổi thông tin hai chiều, nâng cao tần số giám sát, điều khiển. Từ đó, giúp dự báo, can thiệp sớm các vấn đề… Đồng thời trong tham luận cũng khẳng định, nếu không có chuyển đổi số, sẽ rất khó để tương thích và hệ thống khó vận hành một cách tối ưu… 
Năng lượng điện hạt nhân – giải pháp tiềm năng 
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, việc tối ưu hóa các nguồn năng lượng sạch và các nguồn năng lượng có phát thải thấp ngày càng được chú trọng, trong đó có năng lượng điện hạt nhân. Chia sẻ về tầm quan trọng của nguồn năng lượng này, ông Trần Chí Thành – Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cho biết: “Điện hạt nhân đã có lịch sử phát triển gần 70 năm, đang giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu nguồn điện của nhiều nước. Trong tình hình hiện tại, điện hạt nhân sẽ trở nên quan trọng hơn vì đây là nguồn điện không phát thải khi CO2”. 
Ông Trần Chí Thành – Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam trình bày tham luận về “Vai trò của điện hạt nhân trong chuyển đổi cơ cấu điện năng”. 
Về công nghệ và an toàn điện hạt nhân, tham luận đã cung cấp những thông tin về Công nghệ lò nước modun nhỏ - small modular reactor (SMR) bao gồm cả lò nổi FNPP. Có hai loại SMR đang được thiết kế hiện nay: loại làm mát bằng nước nhẹ (như Nuscale) và loại làm mát bằng kim loại lỏng. Có thể thấy rằng, SMR là lò công suất nhỏ (dưới 300 Mwe) đảm bảo an toàn và kinh tế (theo lý thuyết) cao hơn các lò nước nhẹ hiện nay.
Ngoài ra, công nghệ được đánh giá là đang và sẽ phổ biến trong thời gian tới là lò nước nhẹ (LWR thế hệ III+ và SMR). Các thiết kế mới LWR thế hệ III+ được hình thành từ tất cả những kinh nghiệm đã có, tăng cường khả năng đảm bảo an toàn, ngăn ngừa những tiến triển của sự cố… 
"Hiện nay, Việt Nam đã triển khai thực hiện và có những kết quả trong việc thực hiện chương trình Điện hạt nhân. Cụ thể, đã có quy hoạch 8 địa điểm và khảo sát kỹ 2 địa điểm là Phước Dinh và Vĩnh Hải ở Ninh Thuận; đồng thời, chuẩn bị và đào tạo nguồn nhân lực, triển khai đội ngũ thực hiện dự án…" - ông Thành cho hay.
Cũng theo ông Thành, nếu có đủ nền tảng khoa học công nghệ trong điện hạt nhân thì việc giải quyết các vấn đề của ngành điện sẽ được giải quyết một phần. Vì vậy, để chuẩn bị phát triển điện hạt nhân cần thời gian dài từ 15-20 năm, đồng thời nên sớm chuẩn bị chủ trương để tránh mất hết những gì đã làm và chuẩn bị. 
Nguồn khcncongthuong.vn