[In trang]
Xây dựng khu công nghiệp sinh thái toàn cầu đầu tiên tại Việt Nam
Thứ tư, 13/04/2022
Khu công nghiệp Amata (TP. Biên Hòa, Đồng Nai) là một trong ba khu công nghiệp (KCN) đầu tiên của Việt Nam được chọn xây dựng KCN sinh thái theo hướng toàn cầu. Hai KCN còn lại là Deep C (Hải Phòng) và Hiệp Phước (TP. Hồ Chí Minh).
Khu công nghiệp Amata (TP. Biên Hòa, Đồng Nai) là một trong ba khu công nghiệp (KCN) đầu tiên của Việt Nam được chọn xây dựng KCN sinh thái theo hướng toàn cầu. Hai KCN còn lại là Deep C (Hải Phòng) và Hiệp Phước (TP. Hồ Chí Minh).
Theo Bộ Kế hoạch đầu tư (KH-ĐT), sau khi hoàn thành các tiêu chí và được công nhận là KCN sinh thái, mô hình này sẽ được nhân rộng ra cả nước. Việc lựa chọn các KCN đã trải qua quá trình cân nhắc dựa trên cơ sở thực tế, năng lực các đơn vị và tiêu chí của Dự án “Triển khai KCN sinh thái Việt Nam theo hướng tiếp cận chương trình KCN sinh thái toàn cầu” do Bộ KH-ĐT hợp tác thực hiện cùng Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc, với nguồn viện trợ của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO).
Theo ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ KH-ĐT) việc xây dựng các KCN sinh thái là xu hướng phát triển công nghiệp bền vững, nhằm đảm bảo bốn mục tiêu chính là hiệu quả về kinh tế, môi trường, xã hội và quản lý. Điều này cũng phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc cũng như cam kết thực hiện mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26.
Khu công nghiệp Amata (TP. Biên Hòa, Đồng Nai) là một trong ba khu công nghiệp (KCN) đầu tiên của Việt Nam được chọn xây dựng KCN sinh thái theo hướng toàn cầu.
Hiện nay, nhiều khách hàng lớn quốc tế khi mua sản phẩm hoặc đặt hàng với doanh nghiệp (DN) Việt Nam và các quốc gia khác đều đòi hỏi tương đối khắt khe về chất lượng, mẫu mã, đi kèm với đó là hàng loạt các tiêu chí liên quan đến môi trường, công tác xã hội, quản lý vận hành sản xuất. Các nước đã đặt ra mô hình chung trong phát triển công nghiệp bền vững là xây dựng các KCN sinh thái để hỗ trợ DN đáp ứng những điều kiện tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tại KCN Amata, nhiều DN đã đạt đủ điều kiện về quản trị, môi trường, xã hội trên và bắt tay với nhiều đối tác trong khu vực và trên thế giới. Đây là điều kiện tốt để Amata dễ dàng chuyển đổi từ mô hình KCN truyền thống thành KCN sinh thái. 
Cụ thể, ông Ngô Hoàng Hồ, Giám đốc Khối tổng vụ kinh doanh Công ty TNHH Việt Nam NOK ở KCN Amata cho hay: “Sản phẩm của công ty đa số xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ, những nơi đòi hỏi rất cao về chất lượng sản phẩm và các yếu tố liên quan đến môi trường, lao động. Để đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, từ năm 2018, công ty đã áp dụng quy trình sản xuất sạch hơn, kiểm soát khí thải CO2, sản xuất sử dụng nguyên liệu hiệu quả, cải tiến và thay các thiết bị sử dụng nhiều năng lượng”.
Cũng theo ông Hồ, áp dụng các quy trình sản xuất công nghiệp bền vững giúp cho DN hạ giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường. Đồng thời, đây cũng là yêu cầu của các tập đoàn quốc tế với những DN muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Một ví dụ khác, bà Tiên Lê, Quản lý cấp cao hoạt động phát triển bền vững khu vực Đông Nam Á của Tập đoàn VF (Hoa Kỳ) chia sẻ: “VF là hãng thời trang hàng đầu thế giới và mục tiêu hướng đến là phát triển bền vững. Việt Nam là nơi VF chọn đặt hàng khá nhiều nên có những chương trình hỗ trợ các nhà máy tiết kiệm nguyên liệu, sử dụng nguồn năng lượng sạch, giảm khí thải CO2. Các nhà máy sản xuất xanh đều được VF ưu tiên ký đơn hàng lớn, lâu dài”.
Mặc dù vậy, có thể nói việc chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái không phải là điều dễ dàng. Để đạt được các tiêu chí này, điều kiện trước tiên là các thành phần trong KCN, tức là các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp cần phải đảm bảo các tiêu chí về môi trường trong sản xuất, kinh doanh, công tác chăm lo cho người lao động và những chính sách xã hội với cộng đồng tốt…. Bên cạnh đó, KCN cũng phải được thiết kế, vận hành để các DN có sự liên kết với nhau, đồng thời có chính sách hỗ trợ phát triển cho DN. 
Tuy nhiên, lợi ích đem lại cho DN, KCN và cả địa phương khi đạt được tiêu chí KCN sinh thái toàn cầu là rất rõ ràng. Ông Lê Văn Danh, Phó trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho rằng việc được lựa chọn làm mô hình phát triển KCN sinh thái toàn cầu đầu tiên trên cả nước là cơ hội tốt để DN nói riêng và môi trường KCN nói chung ghi dấu ấn với nhà đầu tư, khách hàng, tạo lợi thế cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới. 
Thanh Thanh