[In trang]
Xu hướng “xanh hóa” từ các khu công nghiệp tại Đông Nam Bộ
Thứ hai, 04/04/2022
Trên thực tế, hai từ “xanh hóa” khu công nghiệp đã không còn là từ ngữ xa lạ, trong vấn đề phát triển bền vững. Tuy nhiên, phải tới 2 năm trở lại đây, Việt Nam mới có nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư hơn đối với lĩnh vực này.
Trên thực tế, hai từ “xanh hóa” khu công nghiệp đã không còn là từ ngữ xa lạ trong vấn đề phát triển bền vững. Tuy nhiên, phải tới 2 năm trở lại đây, Việt Nam mới có nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư và phát triển hơn.
"Xanh hóa" khu công nghiệp hứa hẹn một bước tiến mới trong phát triển bền vững tại Việt Nam
Thu hút đầu tư từ phát triển khu công nghiệp 
Từ một tỉnh nông nghiệp, Bình Phước đã vươn lên mạnh mẽ với tỷ trọng ngành công nghiệp đến nay chiếm 42,3%. Năm 2021, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 6,32%, cao nhất vùng Đông Nam bộ và đứng thứ 20 cả nước. Ngành công nghiệp của Bình Phước tăng ở mức cao là 20,63% và chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 17,8%, GDP bình quân đầu người đạt 74,9 triệu đồng/người/năm, tăng 26 lần sau 25 năm tái lập tỉnh. Năm 2021, tỉnh đã có 63 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với số vốn 514 triệu USD, tăng 88,5% về số dự án, gấp 3 lần về số vốn so với năm 2020 và 120 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn 12.000 tỷ đồng.
Việc đầu tư triển khai khu công nghiệp (KCN) quy mô lớn đã góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, đóng góp tích cực vào ngân sách. Toàn tỉnh hiện có 13 KCN với tổng diện tích 4.686ha, trong đó 11 KCN đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và đi vào hoạt động. Thông qua các KCN, tỉnh đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tiêu biểu là KCN Becamex-Bình Phước (huyện Chơn Thành), sau 4 năm triển khai đã thu hút được 49 dự án với tổng số vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, trực tiếp đóng góp vào ngân sách hơn 1.700 tỷ đồng, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 6.000 lao động.
Với tỉnh Bình Dương, sau 25 năm phát triển đã trở thành địa phương năng động, có kinh tế và công nghiệp phát triển, là điểm sáng thu hút đầu tư trong và ngoài nước. 29 KCN của tỉnh với tổng diện tích hơn 12.660ha đều được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Nhận thấy tiềm năng phát triển của các KCN, Bình Dương đã sớm phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN gắn với đô thị hóa, vừa đưa công nghiệp bứt phá, vừa tạo tiền đề cho thương mại, dịch vụ phát triển theo. Các KCN trong tỉnh đã thu hút 2.342 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 26 tỷ USD, cùng 672 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 86.810 tỷ đồng. Năm 2022, Ban quản lý các KCN tỉnh đưa ra mục tiêu thu hút khoảng 1,3 tỷ USD vốn FDI.
Trong giai đoạn cạnh tranh gay gắt như hiện nay, để có thể thu hút được doanh nghiệp chọn là điểm đến đầu tư, các khu công nghiệp trong vùng Đông Nam bộ không thể theo mô hình “may sẵn”, tức là tạo quỹ đất, hoàn thiện hạ tầng kết nối, thu hút doanh nghiệp đến thuê đất như hiện tại, mà phải chuyển sang “may đo” để phù hợp với từng lĩnh vực và tạo thành một hệ sinh thái bền vững.
Là đơn vị đầu tư chủ lực các dự án KCN lớn của Bình Dương và Bình Phước, ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - Công ty Cổ phần (Becamex IDC) cho biết: “Giá trị cốt lõi của Becamex IDC khi phối hợp với các địa phương trong phát triển KCN là phải gắn liền với khu đô thị, thương mại, dịch vụ, khu tái định cư, nhà ở xã hội và bao quanh là hệ sinh thái giao thông, y tế, giáo dục chất lượng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Đây là mô hình phát triển hệ sinh thái toàn diện phục vụ cho việc phát triển các KCN, tạo điểm khác biệt, tạo ra giá trị gia tăng tốt nhất cho nhà đầu tư và người dân tại khu vực.
Phát triển KCN bền vững
Trong quá trình phát triển KCN, hai địa phương là Bình Dương và Bình Phước cùng với sự phối hợp, triển khai tích cực của Becamex IDC đã sớm định hướng xây dựng các KCN phát triển bền vững theo mô hình “3 trong 1”. Đó là KCN gắn với khu đô thị và dịch vụ, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân chứ không đơn thuần chỉ là đường giao thông, công trình, nhà xưởng... Các địa phương đang hướng đến thu hút đầu tư theo chiều sâu, xây dựng KCN xanh, thông minh để phát triển bền vững.
Mới đây, tại KCN Becamex - Bình Phước, nhà máy của Công ty TNHH Hayat Kimya Việt Nam có vốn đầu tư 250 triệu USD đã chính thức khánh thành với tiêu chuẩn thiết kế giảm thiểu tác động đến môi trường, tiết kiệm nước, tiết kiệm nguyên vật liệu với mức phát thải bằng 0. Nhà máy còn được đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời công suất lớn 5,3 MWp để tận dụng tối đa khả năng vận hành của dây chuyền sản xuất và tiết kiệm điện theo cam kết về yêu cầu phát triển bền vững.
Khẳng định cam kết “xanh hóa” các KCN, ngày 19/3 vừa qua tỉnh Bình Dương đã chính thức động thổ khu công nghiệp Việt Nam- Singapore III (VSIP III) với diện tích 1.000 ha, tổng vốn đầu tư hơn 6.400 tỷ đồng. Với tầm nhìn chiến lược, KCN VSIP III được thiết kế để tích hợp công nghệ thông minh trong các hoạt động tại KCN, từ việc sử dụng năng lượng, nước, chất thải, đến quản lý giao thông và an ninh. Đặc biệt, tại KCN VSIP III dành 50 ha làm trang trại năng lượng mặt trời tại chỗ, mang lại độ tin cậy và lợi ích bền vững về việc cung cấp điện cho các khách hàng lớn tại KCN này.
Khu công nghiệp VSIP III đã chính thức được động thổ - hứa hẹn là khu công nghiệp thế hệ mới xanh, sạch, đáp ứng theo xu thế của thế giới.
Ông Teo Ban Seng - Giám đốc điều hành SembCorp Development, đồng Chủ tịch VSIP Group nhận định: “KCN VSIP III đánh dấu sự thay đổi đáng kể cho VSIP Group qua việc chuyển đổi để có thể phát triển bền vững hơn. Các thiết bị thông minh sẽ mang lại sự an toàn, đáng tin cậy và hiệu quả cho các khách hàng cùng người lao động KCN. Những tính năng bền vững một khi đưa vào vận hành sẽ giúp KCN VSIP III trở thành một trong những môi trường làm việc xanh và bền vững bậc nhất Việt Nam”.
Trong giai đoạn phát triển mới, Bình Dương và Bình Phước đã xác định, muốn đón nhà đầu tư lớn, các KCN cần phải nâng cấp lên chuẩn mới, đó là phát triển công nghiệp gắn liền với phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hiện UBND tỉnh Bình Dương cùng Becamex IDC đang tập trung xây dựng KCN Khoa học công nghệ tại huyện Bàu Bàng, là dự án trọng điểm của Đề án Vùng đổi mới sáng tạo nhằm thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Trong quá trình tham vấn về quy hoạch chiến lược giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các chuyên gia, nhà khoa học đề nghị tỉnh Bình Dương cần chú ý chuyển đổi thu hút chọn lọc theo hướng mô hình KCN hỗ trợ công nghệ cao, KCN sinh thái, luôn đặt công tác bảo vệ môi trường là ưu tiên hàng đầu, xây dựng hình ảnh Bình Dương là một trong những địa phương đáng sống của khu vực.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho biết: “Lợi thế vượt trội của tỉnh là hạ tầng giao thông, hạ tầng các KCN có tính kết nối liên vùng, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tỉnh kiên định mục tiêu thu hút các dự án mới có chọn lọc, ưu tiên các đối tác có tiềm lực mạnh, tập đoàn kinh tế lớn với các ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường vào các KCN mới, hiện đại”.
Tại TP. Hồ Chí Minh, sau khi ngừng triển khai 3 KCN Bàu Đưng, Phước Hiệp và Xuân Thới Thượng (do chậm tiến độ), mới đây UBND Thành phố đã kiến nghị bổ sung KCN Phạm Văn Hai (diện tích 668 ha, đầu tư tại huyện Bình Chánh) để thay thế. Theo ông Hứa Quốc Hưng - Trưởng ban quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Đây sẽ là hệ sinh thái KCN, bởi quy hoạch khu này có khu dân cư liền kề, nhà trọ, nhà ở cho công nhân và mục tiêu của dự án là khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, tập trung thu hút đầu tư ngành điện, điện tử, hỗ trợ khởi nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, ngành công nghiệp hỗ trợ không thâm dụng lao động, không gây ô nhiễm môi trường.
Theo quy hoạch của UBND TP. Hồ Chí Minh, Thành phố có 19 khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX). Tuy vậy, do phát triển sớm từ những năm 90 nên nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trong KCN-KCX có công nghệ lạc hậu, sử dụng lãng phí nguồn nhân lực, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Chính vì thế, ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp các KCN-KCX TP. Hồ Chí Minh cho biết, với những KCN-KCX hiện hữu, thành phố sẽ rà soát, chuyển đổi thành KCN xanh, tiệm cận đến tiêu chí KCN sinh thái và có tính đến hệ sinh thái bổ trợ gồm nhà lưu trú, trường học, trạm y tế. Đồng thời, đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch các KCN không khả thi.
Trong khi đó, tỉnh Đồng Nai cũng đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục để khởi công 3 KCN mới là Cẩm Mỹ, Phước Bình và Gia Kiệm. Đáng chú ý, tỉnh này đang tiếp tục xây dựng, phát triển các KCN theo hướng xanh, sạch nhằm nâng cao giá trị sản xuất, cải thiện môi trường đầu tư. Đặc biệt, tại tỉnh có KCN Amata đang thí điểm chuyển đổi sang KCN sinh thái, mô hình này khi thành công sẽ được nhân rộng ra các KCN trong tỉnh.
Thực tế việc “xanh hóa” các khu công nghiệp đã không còn mới mẻ, tuy nhiên phải tới 2 năm trở lại đây tại Việt Nam mới có nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư hơn. Bởi lẽ theo các chuyên gia kinh tế, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và cạnh tranh thương mại đang đặt ra vấn đề đối với các KCN. Các KCN không thể theo mô hình “may sẵn”, tức là tạo quỹ đất, hoàn thiện hạ tầng kết nối, thu hút doanh nghiệp đến thuê đất như hiện tại, mà phải chuyển sang “may đo” để phù hợp với từng lĩnh vực và tạo thành một hệ sinh thái bền vững. Đây cũng được đánh giá là bước đi phù hợp với cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP 26 là sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Nhật Minh