Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng ứng dụng công nghệ mới, nâng cao hiệu quả
Thứ ba, 08/03/2022
Những năm qua, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng luôn quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững. Để nâng cao sức cạnh tranh, công ty đã ứng dụng công nghệ mới, hợp lý hóa sản xuất, giảm chi phí giá thành nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Những năm qua, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng luôn quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững. Để nâng cao sức cạnh tranh, công ty đã ứng dụng công nghệ mới, hợp lý hóa sản xuất, giảm chi phí giá thành nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Giữ vững thương hiệu, uy tín
Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng hiện đang quản lý diện tích hơn 27.916 ha, trong đó diện tích vườn cây cao su hơn 23.946 ha, tạo việc làm cho trên 4.000 lao động với thu nhập ổn định. Công ty có 3 nhà máy chế biến cao su gồm Long Hòa, Bến Súc, Phú Bình, với tổng công suất thiết kế 47.000 tấn sản phẩm/năm. Sản phẩm chính của các nhà máy chế biến gồm cao su khối và cao su ly tâm.
Thời gian qua, sản phẩm của công ty đã được tiêu thụ trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc 5 châu lục. Nhãn hiệu của công ty đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam và một số nước như Hàn Quốc, Úc, Nhật Bản, châu Âu. Công ty đã được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015, hệ thống quản lý môi trường ISO 14001:2015; hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp ISO 45001:2018; hệ thống quản lý rừng bền vững (PEFC/VFCS) và hệ thống quản lý chuỗi hành trình sản phẩm PEFC CoC 3 nhà máy chế biến cao su. Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, công ty luôn quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững, giữ vững thương hiệu và uy tín cao su Dầu Tiếng trên thị trường.
Công nhân công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng đang lấy mủ cao su
Ứng dụng công nghệ mới
Ông Trương Văn Nhanh, Phó phòng Kỹ thuật Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, cho biết: “Để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, công ty đã ứng dụng công nghệ mới, hợp lý hóa sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí giá thành. Thực hiện mục tiêu trên, công ty tiến hành đánh giá hiệu quả các hệ thống xử lý nước thải, chi phí xử lý nước thải nhiều nhất tập trung ở hệ thống cấp oxy hòa tan cho các bể hiếu khí”.
Tại Nhà máy Chế biến Cao su Phú Bình, hệ thống xử lý nước thải bể hiếu khí được thiết kế ban đầu sử dụng màng thổi khí, cung cấp oxy hòa tan cho vi sinh vật hiếu khí phát triển, làm giảm nồng độ ô nhiễm nước thải sau khi qua bể. Qua quá trình sử dụng, một số màng thổi khí đã bị hư hỏng được sửa chữa thay thế, độ giãn nở các màng phân phối khí không đồng đều, mức độ chịu tải các màng phân phối khí khác nhau. Các màng chịu lực kém thường hư hỏng, lượng oxy hòa tan cung cấp tại các ngăn của bể hiếu khí không đồng đều, dẫn đến việc xử lý nước thải không đạt hiệu quả cao, tiêu thụ nhiều điện năng…
Sau khi phân tích đánh giá hiệu quả hệ thống xử lý nước thải Nhà máy Chế biến Cao su Phú Bình, công ty tiến hành cải tiến hệ thống cấp oxy bằng cách thay thế màng phân phối khí bằng đĩa thổi khí. Thực hiện giải pháp này đã mang lại hiệu quả cho nhà máy. Cụ thể, khắc phục nhược điểm của hệ thống cũ, ít hư hỏng, biện pháp khắc phục sự cố dễ thực hiện, không ảnh hưởng đến việc vận hành, xử lý nước thải. Lượng oxy hòa tan (DO) cung cấp đồng đều tại các ngăn của bể hiếu khí. Hệ thống xử lý nước thải hoạt động ổn định đạt tiêu chuẩn cho phép (QCVN 01-MT:2015/ BTNMT, cột A). Điện năng xử lý trên nước thải giảm (từ 3,63 kWh/m3 giảm còn 3,22 kWh/ m3), tiết kiệm 0,41 kWh/m3, giảm chi phí xử lý 789 đồng/m3. Trung bình giảm chi phí điện 56.000.000 đồng/năm.
Để việc khai thác tài nguyên nước phải được kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả, bảo vệ nguồn nước, công ty đã thực hiện việc tái sử dụng nước thải sau xử lý để phục vụ sản xuất. Tái sử dụng nước thải sau xử lý trung bình 200.000m3/năm, chiếm tỷ lệ 34,6% tổng lượng nước thải xử lý.
Với kết quả mang lại từ việc ứng dụng công nghệ mới, công ty tiếp tục triển khai cải tiến các hệ thống xử lý nước thải nhằm nâng cao hiệu quả xử lý nước thải, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, thực hiện tiết kiệm nguyên vật liệu, giảm thiểu chất thải, bảo tồn đa dạng sinh học và an toàn sinh học.
Theo Báo Bình Dương