[In trang]
Phát triển thị trường carbon - Cơ hội và những thách thức
Thứ năm, 03/03/2022
Phát triển thị trường tín chỉ carbon trong nước là một công cụ kinh tế đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, việc hình thành thị trường minh bạch, hài hòa trong nước và quốc tế, không gây áp lực quá lớn cho doanh nghiệp mà vẫn tận dụng được các cơ hội thúc đẩy kinh tế-xã hội đòi hỏi một quá trình dài, cần sự đầu tư về nguồn lực thích đáng.
Phát triển thị trường tín chỉ carbon trong nước là một công cụ kinh tế đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, việc hình thành thị trường minh bạch, hài hòa trong nước và quốc tế, không gây áp lực quá lớn cho doanh nghiệp mà vẫn tận dụng được các cơ hội thúc đẩy kinh tế-xã hội đòi hỏi một quá trình dài, cần sự đầu tư về nguồn lực thích đáng. 
Xu hướng không thể đảo ngược
Năm 2021 có thể xem là năm bản lề khi Việt Nam phải thực hiện nghĩa vụ bắt buộc giảm phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Nhiệm vụ này càng được đặt vào trọng tâm hơn nữa trong các hành động, quyết sách của Thủ tướng Chính phủ trước cam kết đưa phát thải ròng về "0" tại Hội nghị COP26. 
Ngay sau đó, Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã được thành lập. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo lần đầu tiên vào đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo, đã khẳng định việc thực hiện các cam kết tại COP26 là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược. Việc triển khai thực hiện kịp thời các cam kết này sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài, và chúng ta cần tận dụng cơ hội này để tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng carbon thấp. 
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, khẳng định việc thực hiện các cam kết tại COP26 là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược. Ảnh: Thủ tướng Chính phủ chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo. Nguồn ảnh: VGP.
Từ những giai đoạn trước, phát triển thị trường carbon trong nước đã được coi là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên theo nội dung Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương năm 2013, Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2016, đồng thời được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và được Quốc hội khóa XIV thông qua. Tiếp đó, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có ý kiến về việc phê duyệt Đề án phát triển thị trường carbon Việt nam. Khi Đề án chính thức được phê duyệt sẽ là cơ sở vững chắc để cụ thể hóa các bước đi tiếp theo, cách tiếp cận và huy động nguồn lực, đảm bảo một lộ trình phù hợp, minh bạch cho việc giảm phát thải cho từng lĩnh vực. 
Cũng trong lộ trình này, đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg. Các lĩnh vực phải kiểm kê bao gồm: năng lượng và các quá trình công nghiệp (1662 cơ sở), giao thông vận tải (70 cơ sở), xây dựng (104 cơ sở) và chất thải (76 cơ sở). Đây là cơ sở quan trọng trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý của hệ thống giám sát phát thải khí nhà kính và MRV (đo đạc, báo cáo, thẩm định) cấp quốc gia, ngành, tiểu ngành, cơ sở sản xuất một cách minh bạch, chính xác theo tiêu chuẩn quốc tế; xác định lộ trình phù hợp cho từng ngành và tiểu ngành. Qua đó có thể thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải carbon, ứng phó biến đổi khí hậu, hài hòa giữa phát triển kinh tế và môi trường. 
Cơ hội cho Việt Nam
Để đạt được mục tiêu giảm phát thải, tín chỉ carbon được đánh giá là một công cụ hiệu quả để tạo nguồn thu tài chính, đồng thời tăng cơ hội tiếp cận công nghệ carbon thấp. Hiện trên thế giới có hơn 81 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng hoặc lên kế hoạch áp dụng công cụ này. Trên phạm vi toàn cầu, tổng lượng khí CO2 được kiểm soát ước tính tương đương 12 tỷ tấn. Thị trường mua bán tín chỉ carbon tính riêng năm 2019 lên đến 45 tỷ USD. Đây là hướng đi tiềm năng cho các nước đang phát triển như Việt Nam. 
Theo các chuyên gia, tiềm năng tạo tín chỉ carbon của nước ta ước tính 57 triệu tín chỉ. Nếu định giá 5 USD/tín chỉ có thể tạo thêm nguồn thu ngân sách mỗi năm hàng triệu USD.  
Tỉnh Quảng Nam có cơ hội đem lại nguồn thu từ 110 - 130 tỷ đồng/năm nếu thành công thương mại hóa tín chỉ carbon rừng từ nay đến năm 2025. Ảnh: NLĐ.
Nắm bắt thời cơ đó, giữa năm 2021, Chính phủ đã đồng ý cho tỉnh Quảng Nam triển khai Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng, suy thoái rừng; quản lý bền vững tài nguyên rừng; bảo tổn, nâng cao trữ lượng carbon rừng (REDD+). Theo tính toán, trong giai đoạn từ 2021 - 2025, tỉnh Quảng Nam có thể xuất khẩu khoảng 5,2 triệu tín chỉ carbon rừng. Cụ thể, năm 2021 sẽ bán 1,2 triệu tín chỉ; từ 2021 - 2025 mỗi năm bán bình quân 0,8 triệu tín chỉ và từ 2026 trở đi sẽ tăng lên 1,2 triệu tín chỉ/năm. Như vậy, riêng với đề án tại tỉnh Quảng Nam mỗi năm có thể đem lại nguồn thu từ 110 - 130 tỷ đồng/năm, cao hơn dịch vụ môi trường rừng và gấp hơn 2 lần ngân sách thu từ lâm nghiệp hằng năm của trung ương và địa phương. 
Bên cạnh đó, việc triển khai Đề án đem lại cơ hội duy trì và gia tăng diện tích che phủ rừng bền vững khi thu nhập người trồng rừng tăng lên ít nhất 2 lần so với hiện tại, đồng thời tạo việc làm ổn định thông qua quản lý và bảo vệ rừng. Các chuyên gia nhận định việc gia tăng thu nhập chắc chắn là cơ sở bền vững hơn để người dân gắn bó với rừng, bỏ thói quen xâm phạm rừng và tích cực tham gia vào công tác giữ gìn, bảo vệ hệ sinh thái rừng. Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho rằng khi bán được tín chỉ carbon sẽ tạo nguồn lực lớn cho địa phương thực hiện thí điểm và các địa phương sau này được triển khai. 
Nhìn rộng ra, các nước đang thực hiện hiệu quả các dự án mua - bán tín chỉ carbon ngay cạnh Việt Nam là Indonesia và Campuchia là những kinh nghiệm tốt để chúng ta phát triển thị trường này. Ngay hiện tại, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết hiện đã có 5 công ty nước ngoài ngỏ lời đầu tư, mua tín chỉ carbon rừng từ REDD+. Điều này cho thấy thị trường tín chỉ carbon đang còn dư địa cho Việt Nam. 
Thách thức cần giải quyết 
Theo các chuyên gia, chúng ta cần nhanh chóng xác định hướng đi của thị trường carbon trong nước hài hòa với quốc tế, hoàn thiện hành lang pháp lý về chuyển nhượng quyền carbon để tận dụng sớm các cơ hội thị trường, và thúc đẩy phục hồi nền kinh tế theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và hài hòa về môi trường. Ảnh: VGP.
Trong Báo cáo kinh nghiệm của 87 quốc gia trong việc xác định và chuyển nhượng quyền carbon của Tổ chức Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR), các chuyên gia nhận định việc xây dựng hệ thống pháp lý về chuyển nhượng quyền carbon là vấn đề mới không chỉ của Việt Nam mà còn nhiều quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh hiện nay, một số vấn đề ưu tiên cần được xem xét bao gồm: 
Thứ nhất, sớm xác định hướng đi cho thị trường carbon theo hướng tự nguyện hay bắt buộc. Theo báo cáo đa số các quốc gia đều hướng tới cả hai thị trường này. Tuy nhiên, với hoàn cảnh hiện tại của Việt Nam, khi chúng ta đang có sẵn những dự án trồng rừng mới và giảm phát thải qua từ phá rừng và suy thoái rừng thì định hướng theo thị trường tự nguyện sẽ dễ thực hiện hơn và nhu cầu mua tín chỉ tại thị trường cũng khả quan. Thực tế, chúng ta cũng đang ưu tiên phát triển và kêu gọi đầu tư vào các dự án hướng tới thị trường này. Tuy nhiên thị trường tự nguyện đòi hỏi các bên liên quan, cả trong và ngoài nước, phải đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn carbon tự nguyện. Đây là một yêu cầu khá phức tạp trong việc thẩm định hồ sơ, đặc biệt trong bối cảnh hành lang pháp lý trong nước vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. 
Thị trường carbon bắt buộc, ở khía cạnh khác, đòi hỏi sự nhất quán cao về phương pháp và quy trình quốc tế. Trong khi thỏa thuận Paris vẫn chưa hoàn toàn thống nhất về luật chơi của thị trường carbon toàn cầu. Tuy nhiên, tham gia thị trường bắt buộc là yếu tố quan trọng để tiếp cận các nguồn tài chính quốc tế. 
Thứ hai, tính kết nối giữa thị trường nội địa và quốc tế. Các chuyên gia đưa ra ba yếu tố chính cần xem xét là: 
- Kết hợp và đa dạng hóa các công cụ chính sách để thành lập thị trường carbon nội địa, bao gồm: (i) áp dụng thuế carbon; (ii) xây dựng cơ chế thương mại phát thải dựa vào việc cấp hạn mức phát thải cho các ngành; và (iii) cơ chế Chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES). Theo các chuyên gia, có thể cân nhắc kết hợp nhiều giải pháp, trong khi vẫn thúc đẩy giải pháp thứ ba. 
- Hoàn thiện kết nối giữa thị trường trong nước và thị trường nội địa. Trong đó, ba yếu tố cần hoàn thiện chính gồm: xác định giá trị bổ sung;hoàn thiện hệ thống quản lý PFES nội địa, xây dựng hệ thống đăng ký carbon rừng quốc gia theo hướng thuận lợi cho việc thương mại quốc tế; và hợp pháp hóa quyền và chuyển quyền carbon/chuyển nhượng kết quả giảm phát thải. 
Thứ ba, hợp pháp hóa quyền và chuyển quyền carbon/chuyển nhượng kết quả giảm phát thải. Theo các chuyên gia, các vấn đề cần xem xét trong quá trình này gồm năm điểm. Một là, xác định hướng đi xây dựng một quy định và hướng dẫn chung quốc gia, cho mọi chương trình bao gồm cả Thỏa thuận Chi trả giảm phát thải (ERPA), hay xây dựng hướng dẫn cho từng chương trình riêng lẻ. Hai là, xác định người sở hữu quyền carbon và có trách nhiệm phân bổ quyền cho các bên có liên quan. Ba là, chuyển quyền carbon và đóng góp vào NDC. Theo đó, cần cân nhắc việc chuyển quyền carbon sẽ có ảnh hưởng thế nào tới việc thực hiện cam kết NDC, từ đó xác định mục tiêu ưu tiên và lượng tín chỉ có thể thương mại để không ảnh hưởng đến cam kết. Bốn là, xây dựng năng lực cho hệ thống đăng ký và chuyển quyền carbon. Và điểm cuối cùng là trách nhiệm, hay mức phạt khi không thực hiện đúng các cam kết. 
Giang Nguyễn