[In trang]
Ngành nhựa - cao su: Phát triển trong thế khó
Thứ hai, 15/12/2014
Báo cáo của Hiệp hội Nhựa Việt Nam và Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho thấy, hiện nay có đến 80% nguyên liệu dùng trong sản xuất nhựa - cao su phải nhập khẩu. Các sản phẩm nhựa sản xuất chủ yếu phục vụ tiêu dùng nội địa, xuất khẩu rất thấp, chỉ chiếm 1,2 - 1,5% tổng sản lượng.

Báo cáo của Hiệp hội Nhựa Việt Nam và Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho thấy, hiện nay có đến 80% nguyên liệu dùng trong sản xuất nhựa - cao su phải nhập khẩu. Các sản phẩm nhựa sản xuất chủ yếu phục vụ tiêu dùng nội địa, xuất khẩu rất thấp, chỉ chiếm 1,2 - 1,5% tổng sản lượng.

Trở ngại trong đa dạng sản phẩm

Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Quốc Anh cho biết, hiện cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp (DN) sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực cao su - nhựa, trong đó, TP. Hồ Chí Minh chiếm 70% DN và chủ yếu là DN vừa và nhỏ. Chỉ riêng 120 công ty hội viên của Hội Cao su - Nhựa TP. Hồ Chí Minh đang sản xuất 30% lốp xe hơi, 50% lốp xe 2 bánh, 50% băng tải, 70% cao su kỹ thuật. Nhìn chung, đến nay, các DN đã sản xuất được tất cả các chủng loại sản phẩm tiêu dùng và kỹ thuật đáp ứng nhu cầu nội địa. Tổng doanh số năm 2013 của toàn ngành cao su - nhựa là khoảng 8,4 tỷ USD.


Thực tế phát triển nhiều năm qua, các DN nhựa - cao su của TP. Hồ Chí Minh tập trung chủ yếu ở khu vực Chợ Lớn như quận 5, 6, 11 với hình thức tổ hợp gia đình, sản xuất nhỏ lẻ. Hạn chế lớn nhất đối với các DN vừa và nhỏ trong ngành nhựa là thiếu vốn, khó tiếp cận tín dụng, đổi mới công nghệ; chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh kém, trong khi giá thành cao khó cạnh tranh.


Ngoài ra, các DN vẫn chưa thể đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm cao su kỹ thuật (chủ yếu phục vụ trong ngành giao thông như khe co giãn cầu đường, gối cầu đường, đệm cao su cầu cảng…) mang lại giá trị gia tăng cao hơn, vì khó khăn lớn nhất hiện nay của DN là không có cơ quan nào kiểm định và chứng nhận chất lượng để có thể tham gia đấu thầu các dự án lớn. Vì thế, cần sớm có cơ chế hỗ trợ về thiết bị kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế để tạo điều kiện cho việc sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành cao su - nhựa có cơ hội phát triển.


TP. Hồ Chí Minh cũng đã giao Sở Công Thương khẩn trương kết nối ngân hàng với DN trong ngành để các DN vay vốn, mua vật tư nguyên liệu phục vụ sản xuất; chủ trì, phối hợp Hội Cao su - Nhựa nhanh chóng xây dựng Đề án phát triển ngành cao su - nhựa.


Cần thêm sự hỗ trợ về vốn, mặt bằng


Nhiều DN cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp để xây dựng nhà xưởng có giá thuê quá cao, gặp khó khăn về vốn để đổi mới công nghệ thiết bị. Vì thế, TP. Hồ Chí Minh có cơ chế hỗ trợ thuê đất trả chậm với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ DN khi di dời vào khu công nghiệp.


Ngoài ra, Hội Cao su- Nhựa TP. Hồ Chí Minh cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần hướng dẫn làm dự án, giúp các DN được vay vốn ưu đãi để đổi mới công nghệ. Bởi lâu nay phần lớn máy móc, nguyên vật liệu của ngành cao su - nhựa đều nhập khẩu từ Trung Quốc với giá rẻ nhưng chất lượng không bảo đảm. Còn thay thế máy móc, nguyên vật liệu từ các nước khác với chất lượng cao hơn nhưng lại gặp trở ngại như giá thành cao, trong khi nguồn vốn của hầu hết DN lại eo hẹp.


Để giải quyết khó khăn cho DN, lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các Sở, ngành liên quan cần nhanh chóng chọn khu đất phù hợp, diện tích khoảng 50 ha để quy hoạch thành một khu vực riêng phát triển ngành da - giày và cao su - nhựa, nhằm tạo điều kiện để các DN yên tâm sản xuất - kinh doanh, cùng nhau hợp tác, liên kết nâng cao năng lực, gia tăng giá trị của sản phẩm.

Thanh Thanh