[In trang]
Hướng đi mới trong xử lý bã men bia
Thứ hai, 28/02/2022
Với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, nhóm nghiên cứu của Viện nghiên cứu và Ứng dụng sinh học công nghệ cao (HIBIOTEK) đã triển khai Dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ và mô hình thiết bị sản xuất thử nghiệm chế phẩm protease tái tổ hợp từ E.coli BL 21DE3 ứng dụng thủy phân bã nấm men bia tạo peptide có hoạt tính sinh học”.
Với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, nhóm nghiên cứu của Viện nghiên cứu và Ứng dụng sinh học công nghệ cao (HIBIOTEK) đã triển khai Dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ và mô hình thiết bị sản xuất thử nghiệm chế phẩm protease tái tổ hợp từ E.coli BL 21DE3 ứng dụng thủy phân bã nấm men bia tạo peptide có hoạt tính sinh học”. 
Báo cáo với Đoàn công tác thẩm định dự án của Bộ Công Thương, ThS. Phạm Thị Thu Hiền - Chủ nhiệm dự án - cho biết, bã men bia là phụ phẩm của ngành công nghiệp bia và là sinh khối của nấm men Saccharomyces cerevisiae sinh ra trong quá trình lên men. Đây là nguồn sản sinh peptide sinh học dồi dào, sẵn có bởi thị trường bia Việt Nam lớn.
Buổi làm việc thẩm định dự án sản xuất thí nghiệm chế phẩm protease
“Với lượng bia sản xuất khoảng 3,8 tỷ lít/năm, đã kéo theo lượng bã thải từ sản xuất bia lớn, trong đó lượng protein có giá trị từ nấm men thải ra của quá trình sản xuất bia nếu tận dụng được là không nhỏ (ước tính 6-9 triệu tấn/năm)” - ThS. Phạm Thị Thu Hiền nêu.
Ước tính trung bình cứ 1.000 lít bia được sản xuất thì sinh khối nấm men thải ra khoảng 1,5-3 kg nấm men khô, trong đó chứa khoảng 700g protein. Ngoài ra, trong bã men bia còn chứa rất nhiều các vitamin nhóm B… Chính vì vậy, nếu tận dụng tốt nguồn nguyên liệu này sẽ thu được lượng lớn peptide sinh học với chi phi thấp, đồng thời tận dụng triệt để nguồn phế liệu, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. 
Bên cạnh đó, trong rất nhiều loại enzyme protease từ thực vật, động vật và vi sinh vật ứng dụng thủy phân bã nấm men bia để thu nhận các peptide sinh học thì enzyme protease tái tổ hợp từ E.coli BL 21DE3 có lợi thế hơn các protease tự nhiên khác do có hoạt lực cao hơn, sản xuất được số lượng lớn hơn cũng như lợi thế hơn các enzyme công nghiệp là giá thành rẻ hơn, chủ động được nguồn nguyên liệu. 
Về mong muốn tạo ra các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, các loại nước uống dinh dưỡng từ peptide sinh học có giá trị ứng dụng cao, ThS. Phạm Thị Thu Hiền cho hay, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tăng huyết áp là một trong những căn bệnh mãn tính phổ biến nhất và là nguyên nhân trực tiếp gây tử vong đến 40%. Một trong những thành phần hỗ trợ rất tốt trong việc ngăn ngừa và điều trị bệnh huyết áp cao đó chính là các peptide có hoạt tính sinh học có khả năng hạ huyết áp. 
“Quá trình thủy phân giới hạn bã nấm men bia bằng enzyme protease tái tổ hợp từ E.coli BL 21DE3 nhằm thu nhận các peptide có khả năng giảm huyết áp, chống oxi hóa, ức chế sự phát triển của vi sinh vật” - ThS. Phạm Thị Thu Hiền nhấn mạnh. 
Đến nay, sau hơn 2 năm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã tiến hành xây dựng quy trình công nghệ, mô hình thiết bị và tổ chức sản xuất protease tái tổ hợp quy mô 100 lít/mẻ; đồng thời, đã xây dựng quy trình công nghệ mô hình thiết bị và tổ chức sản xuất peptide thấp phân tử từ bã men bia quy mô 500 kg nguyên liệu/mẻ. 
Đặc biệt, HIBIOTEK đã phối hợp với Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thủy sản Quảng Ninh, Công ty CP. Dược Mỹ phẩm Nori tiến hành xây dựng công thức, xây dựng quy trình công nghệ và sản xuất 50.000 viên nang thực phẩm chức năng Yeast Peptamin có hàm lượng peptide thấp phân tử. Sự kết hợp với cao chiết hoa hòe trong viên nang có tác động hiệp đồng giúp tăng cường hỗ trợ và phòng ngừa bệnh cao huyết áp. Sản phẩm đã được cấp phép phù hợp an toàn thực phẩm của Bộ Y tế. Ngoài ra, còn sản xuất 3.000 chai nước uống tăng lực Yeast Peptamin có hàm lượng peptide thấp phân tử 100 mg/l. Nước uống tăng lực này cung cấp các axitamin cần thiết cho cơ thể, giúp thanh nhiệt, giải khát… 
Từ nguồn bã men bia có giá trị kinh tế thấp, dễ gây ô nhiễm môi trường, dự án đã sản xuất enzyme protease tái tổ hợp và sử dụng enzyme này để thủy phân protein bã men bia tạo các peptide thấp phân tử, sau đó được bào chế thành sản phẩm bảo vệ sức khỏe hỗ trợ điều trị cao huyết áp…
Theo Báo Công Thương