Vĩnh Long nhận tín dụng 126,9 triệu USD ứng phó biến đổi khí hậu
Thứ hai, 10/01/2022
Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) ký hiệp định tài trợ trị giá 126,9 triệu USD giúp Vĩnh Long nâng cao cấp cơ sở hạ tầng, tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mới đây, Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) đã ký hiệp định tài trợ trị giá 126,9 triệu USD nhằm nâng cao khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng, tăng cường tính kết nối và giảm rủi ro ngập lụt ở vùng lõi đô thị của thành phố Vĩnh Long.
Dự án Phát triển đô thị và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Vĩnh Long, với tổng kinh phí 202,2 triệu USD, sẽ giúp tháo gỡ những khó khăn về cơ sở hạ tầng trong khu vực lõi đô thị, thông qua xây dựng các hệ thống kiểm soát ngập úng, thoát nước, thu gom và xử lý nước thải, và xây dựng những tuyến đường trọng điểm.
Cầu Mỹ Thuận, tỉnh Vĩnh Long.
Thành phố Vĩnh Long, với vị trí chiến lược nằm dọc hành lang kinh tế nối TP.HCM với đồng bằng sông Cửu Long, có nhiều tiềm năng trở thành trung tâm kinh doanh nông nghiệp, thương mại và du lịch của vùng. Tuy nhiên, tình trạng ngập lụt và vệ sinh môi trường kém là những trở ngại lớn kìm hãm sự phát triển của thành phố. Nằm ở khu vực trũng thấp ven sông Tiền, khoảng 60% diện tích của thành phố có nguy cơ bị ngập lụt.
Ông Rahul Kitchlu, quyền Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định nâng cấp cơ sở hạ tầng là chìa khóa để một thành phố có thể khai phá hết tiềm năng, bảo vệ những thành tựu đã đạt được và chống chọi với nhiều cú sốc: “Sự hỗ trợ của chúng tôi sẽ giúp TP. Vĩnh Long thực hiện danh mục đầu tư quy mô lớn, tăng cường khả năng khả năng thích ứng với các rủi ro khí hậu và thiên tai”.
Sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới sẽ giúp Thành phố Vĩnh Long thực hiện danh mục đầu tư quy mô lớn, tăng cường khả năng khả năng thích ứng với các rủi ro khí hậu và thiên tai.
Gần một nửa kinh phí dự án sẽ được dùng để thực hiện các giải pháp giảm thiểu rủi ro ngập lụt bao gồm: xây dựng kè và cống ngăn triều, cải tạo và nâng cấp hệ thống kênh thoát nước, cũng như đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh để giữ nước mưa. Ba tuyến đường huyết mạch sẽ được xây dựng, giải cải thiện khả năng kết nối nội đô và nâng cao năng lực chống ngập của thành phố.
Một phần kinh phí sẽ được sử dụng nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin, thông qua đó tăng cường công tác quản lý và quy hoạch đô thị.
Các hợp phần chính gồm: hệ thống thông tin quản lý tổng hợp rủi ro ngập lụt, nền tảng chia sẻ dữ liệu không gian địa lý, truyền thông nâng cao nhận thức và hệ thống quản lý giao thông thông minh.
Khoản tín dụng ưu đãi trên do Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) của WB cung cấp. Quỹ Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng (DRIVE) - Bộ Ngoại giao Hà Lan, quản lý và đồng tài trợ 19,5 triệu USD. Số vốn còn lại do Chính phủ Việt Nam cung cấp.
Thanh Thanh