[In trang]
Cây chè hữu cơ phát triển kinh tế bền vững vùng núi Na Hang
Thứ hai, 10/01/2022
Chương trình 327 và Dự án 661 đã tạo điều kiện phát triển mô hình trồng chè Shan Tuyết hữu cơ tại huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.
Chương trình 327 và Dự án 661 đã tạo điều kiện phát triển mô hình trồng chè Shan Tuyết hữu cơ tại huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. 
Phát triển kinh tế rừng bền vững
Tại vùng núi Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) có một loại đặc sản quý: chè cổ thụ Shan Tuyết. Nhưng với bà con địa phương người dân tộc Dao, giống đặc sản này lại chỉ có giá trị như củi đốt. 
Theo Đặng Ngọc Phố, Giám đốc HTX Sơn Trà (xã Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) thì chè cổ thụ mọc như rừng nhưng trước đây không ai biết đến giá trị thực của nó. "Người dân chỉ biết hái "xô" (hái cả nắm không tuyển lựa) để uống. Khi nào cần củi thì ra rừng chặt vài gốc đem về đốt", ông Phố cho biết. 
Chè Shan Tuyết được trồng trên vùng núi cao, việc thu hái được thực hiện thủ công từ sáng sớm nhằm đảm bảo giá trị dinh dưỡng tốt nhất cho sản phẩm.
Từ khoảng năm 2013, biết thông tin tại Yên Bái người nông dân bán chè Shan Tuyết hàng triệu đồng mỗi cân, ông Phố đã quyết tâm làm kinh tế từ cây chè địa phương. Ông cho biết chè Shan Tuyết cổ thụ được ưa thích bởi hương vị thanh, mát, hậu vị ngọt. Có được đặc điểm này do giống chè cổ thụ trồng trên vùng núi cao trên 1.000m, khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch lớn, độ ẩm trung bình cao (85%). Với điều kiện thổ nhưỡng, khí đậu đặc thù, sản phẩm chè Shan Tuyết Na Hang có hàm lượng tanin cao hơn các giống chè Shan Tuyết trồng ở khu vực khác từ 28,12 - 29,97%, hàm lượng tro thấp hơn 4,7 - 5,9%. Đây là hai yếu tố chính tạo nên hương vị và chất lượng đặc biệt của chè Shan Tuyết Na Hang, được người tiêu dùng đánh giá cao.
Để giữ vững giá trị cao của loại đặc sản chè sạch vùng núi cao, ông Phố cùng các hộ trong HTX vận động bà con thay đổi phương thức sản xuất. Vốn dĩ giống chè bản địa đã có nhiều điều kiện thuận lợi như 100% giống bản địa thuần chủng, chống chịu sâu bệnh tốt. Việc trồng tự nhiên cũng đạt các tiêu chuẩn hữu cơ như: không thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học, không thuốc tăng trưởng... Việc cần làm là hướng dẫn bà con thu hoạch theo đúng tiêu chuẩn "một tôm" hoặc "một tôm một lá" để chất lượng đầu vào đạt chất lượng cao nhất. 
Đặc điểm của việc thu hoạch chè Shan Tuyết là người hái từ sáng sớm phải trèo lên những ngọn cây cao từ 5-7 mét để hái những búp non trên cao. Việc hái chè được thực hiện hoàn toàn thủ công, một cách tỉ mỉ đảm bảo đúng yêu cầu của HTX. Chị Triệu Thị Thơm, một hộ dân tham gia sản xuất cho HTX cho hay "Từ khi tham gia HTX, sản phẩm được bao tiêu ổn định. Trung bình mỗi tháng việc trồng chè đem lại thu nhập cho gia đình từ 5-7 triệu đồng."
 
Ổn định sản xuất nhờ ứng dụng kỹ thuật canh tác, chế biến
HTX Sơn Trà mạnh dạn đầu tư hệ thống máy công nghệ mới khép kín để đảm bảo chất lượng chè thương phẩm.
Để ổn định chất lượng đầu vào, nâng cao kỹ thuật canh tác cho người nông dân, HTX chủ động mời các cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông địa phương đến hướng dẫn bà con trồng chè về kỹ thuật chăm sóc, thu hái và bảo quản chè búp tươi theo đúng tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ. Với mỗi kg chè búp tươi hái về theo đúng tiêu chuẩn, HTX sẽ thu mua với giá từ 15.000 - 50.000 đồng/kg tùy theo phẩm cấp chè. 
Nâng cao kỹ thuật chế biến chè cũng là vấn đề rất được quan tâm. Mặc dù đã xác định được hướng đi cho sản phẩm nhưng việc sản xuất của HTX thời gian đầu còn nhiều hạn chế bởi công cụ sản xuất, quy trình lạc hậu. Năm 2017 các thành viên tổ hợp tác đã chung tay đầu tư và vay vốn một phần từ Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn (TNSP) của tỉnh để đầu tư hệ thống máy mới. Hệ thống máy sản xuất theo công nghệ hiện đại từ Đài Loan gồm: máy sao, máy vò, máy sàng, máy đóng gói hút chân không... Hệ thống đảm bảo quá trình chế biến từ đầu vào đến đầu ra được sản xuất theo quy trình khép kín, đảm bảo giữ được hương vị cây chè. 
Từ khi có Dự án 661 và Chương trình 327, các mô hình phát triển kinh tế rừng bền vững tại địa phương càng được đẩy mạnh. Hiện tại trên toàn xã có hơn 60ha chuyên trồng chè cổ thụ Shan Tuyết. Không chỉ ở Hồng Thái, mô hình trồng chè Shan Tuyết đã lan rộng ra các xã Sinh Long, Khau Tinh, Thượng Nông, Thượng Giáp và Sơn Phú với hơn 1.323ha. Hiện chè Shan Tuyết Na Hang đã được chứng nhận đặc sản chè hữu cơ và cấp chỉ dẫn địa lý, tạo điều kiện cho sản phẩm được tiêu thụ mạnh trong và ngoài tỉnh. 
Ông Đàng Trung Dũng, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái (Na Hang, Tuyên Quang) cho biết nhờ những mô hình phát triển kinh tế rừng bền vững, xã đã cán đích sớm mục tiêu nông thôn mới tháng 7/2020. Bộ mặt nông thôn thay đổi đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo trước đây là 56%, đến nay đã giảm xuống chỉ còn 9%. "Thành quả này có được có phần đóng góp lớn của cây chè và các sản phẩm phụ từ chè, như trồng trọt kết hợp du lịch sinh thái", ông Dũng cho hay.
An Nhiên